- Thời gian tới, khoảng 40-50 ngàn tỷ trái phiếu đáo hạn, với doanh nghiệp khó khăn xử lý vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Theo tôi, có 2 cách doanh nghiệp có thể xử lý, 1 là mời công ty tư vấn, kiểm toán, chứng khoán rà soát lại toàn bộ tài chính của mình và mạnh dạn phát hành 1 đợt trái phiếu nữa để đảo khoản nợ đến hạn trong trường hợp các nhà đầu tư còn niềm tin. Phát hành trong giai đoạn hiện tại có thể sẽ chịu lãi suất cao hơn. Nhưng nên nhớ rằng nếu vượt qua được nợ thì sau này chúng ta mới có cơ hội cơ cấu lại và hoạt động lâu dài trên thị trường.
Trong trường hợp không phát hành được trái phiếu, chúng ta cần tìm mọi cách thanh lý tài sản, dự án để trả lại nợ của các nhà đầu tư.
Làm cách nào đi nữa, doanh nghiệp tránh hình sự hóa. Trong trường hợp doanh nghiệp không trả nợ được trái phiếu, khoản nợ này sẽ trở nên vô cùng rắc rối và gần như vô vọng. Bài học từ trường hợp của Tân Hoàng Minh rất bế tắc, không thể xử lý được, có tài sản cũng không xử lý được vì đã hình sự hóa rồi.
Tôi mong rằng các doanh nghiệp khó khăn hiện tại và cả các cơ quan chức năng quản lý về thị trường trái phiếu cần có một phương án thực sự để xử lý trường hợp sắp tới có thể có khả năng nhiều doanh nghiệp vỡ nợ trái phiếu. Nếu không sẽ khiến thị trường hoảng loạn, và tất cả các nỗ lực phục hồi thị trường trái phiếu, cổ phiếu sẽ đổ vỡ. Đặc biệt việc giữ vững lòng tin của dân chúng với hệ thống ngân hàng sẽ khó khăn.
- Nhìn chung kế hoạch tài chính các tập đoàn vượt rất xa chủ sở hữu, thường gấp 7-10 lần. Dù hoạt động lành mạnh nhưng kế hoạch tài chính sẽ không được an toàn. Vậy doanh nghiệp phải làm gì lúc này, thưa ông?
Trong bối cảnh này, doanh nghiệp cùng lúc phải làm 2 việc, một là tăng nguồn vốn lên bằng phát hành cổ phiếu, huy động thêm vốn để có lượng vốn nhất định. Trên nền tảng đó mới có thể cân bằng được nợ, chủ yếu là nợ trái phiếu và nợ ngân hàng.
Thứ 2, doanh nghiệp cần nhanh chóng đăng kí xếp hạng. Với tham vọng tài chính lớn, từ nay đến năm 2025 nếu không đăng kí xếp hạng, chúng ta có thể không đạt được mục tiêu. Qua khảo sát 7 doanh nghiệp lớn, họ đều có mục tiêu phát triển mạnh tuy nhiên nếu không có nền tảng tài chính đi kèm thì sẽ rất khó khăn.
Trong lúc khó khăn về vốn hiện nay, chiếm dụng vốn lẫn nhau là một "nghệ thuật". Đó là kĩ xảo tài chính. Nhưng khảo sát 2,5 năm nay tại Việt Nam thì vấn đề này đang bị lạm dụng nhiều. Thậm chí có tập đoàn giao "chỉ tiêu" chiếm dụng vốn. Khảo sát 4 tập đoàn lớn nhất của Việt Nam thì cấu trúc tài chính có điểm chung là 40% tín dụng ngân hàng, 20% trái phiếu doanh nghiệp, 20% chiếm dụng vốn và 20% là vốn ứng trước của người mua nhà. Số vốn chiếm dụng đó tối đa 60 ngày thì có thể chấp nhận được nhưng nếu kéo dài nữa thì doanh nghiệp nhà thầu lao đao. Có những doanh nghiệp nhà thầu cũng đang chật vật đi đòi nợ.
Doanh nghiệp cần cẩn trọng với hợp đồng kí từ nay đến cuối năm vì nguy cơ bị chiếm dụng vốn rất lớn.
- Chứng khoán đang chững lại, trái phiếu, tín dụng ngân hàng, đầu tư nước ngoài gián tiếp vào thị trường chứng khoán đang chững lại vậy tiền hiện nay ở đâu, thưa ông?
Theo tôi, hiện tiền đang nằm "mai phục" để chờ. Thứ nhất là chờ vấn đề pháp lý xem Nghị định 153/2020/NĐ-CP sửa đổi ra đời sẽ như thế nào. Thứ hai là sửa đổi luật đất đai sắp tới như thế nào. Thứ ba, chờ giá bất động sản. Hiện nay giá bất động sản tỷ lệ ảo rất lớn. Có những tập đoàn ra giá 115 triệu/m2 biệt thự nhưng bị đẩy giá lên hơn 300 triệu/m2. Chúng ta làm sao để giá đó trở về với giá trị thực. Thứ tư là doanh nghiệp phát hành trái phiếu không thể phát hành trái phiếu để trả nợ buộc phải xử lý tài sản, bán tháo dự án để thanh toán nợ. Có khả năng giá ảo sẽ phải xuống bởi sắp tới đây sẽ có nhiều nhà phát hành trái phiếu thanh lý bất động sản để xử lý nợ.
Chứng khoán có những dấu hiệu tốt khi hệ thống thanh toán mới, kinh tế vĩ mô tốt và có khả năng được thăng hạng. Nhưng vẫn phải nghe ngóng room tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ xử lý ra sao,... Nếu xử lý nhanh các vấn đề về pháp lý và có thông điệp nào đó để nhà đầu tư yên tâm thì rất có thể thị trường tài sản lớn như chứng khoán có thể phục hồi, còn bất động sản có thể sẽ còn giảm giá dài dài. Có thể giá BĐS phải giảm giá 30% nữa mới trở về giá trị thực.
Ngoài chuyện thiếu vốn, còn chuyện thiếu nguồn cung nên dẫn đến thổi giá bất động sản lên cao. Đây là điều nguy hiểm với thị trường BĐS. Thị trường BĐS có đặc điểm khác với tất cả các thị trường khác đó là nguồn cung và cầu có thể không cắt nhau mà chạy song song. Những người có nhà có đất không bán mà chờ đợi giá cao hơn nữa nên đường cung đi 1 đường, cầu đi 1 đường, như vậy bong bóng bất động sản nổ ra.
- Nghị định 153/2020/NĐ-CP Quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường nước ngoài sửa đổi đang được hoàn thiện. Là người nghiên cứu, tư vấn Nghị định này, ông có thể cho biết những điểm mới chúng ta có thể kỳ vọng từ dự thảo lần này?
Sửa đổi lần này của Nghị định 153 theo hướng an toàn hơn, chuyên nghiệp hơn và muốn chuyển hướng toàn bộ phát hành trái phiếu riêng lẻ trở thành phát hành trái phiếu ra công chúng. Nói cách khác là giảm tối thiểu cổ phiếu phát hành riêng lẻ để chuyển sang phát hành trái phiếu ra công chúng. Đó là hướng phù hợp với xu thế chung của thế giới. Cũng có thể giúp chuyên nghiệp hóa thị trường trái phiếu.
Bởi chỉ có phát hành trái phiếu ra công chúng mới có thể làm được hai việc quan trọng nhất. Thứ nhất là mới có thể xếp hạng được, bởi có xếp hạng tín nhiệm thì mới có thị trường trái phiếu. Thứ hai là Ủy ban Chứng khoán có thể giám sát được trong chừng mực nhất định để cho thị trường hoạt động bình thường. Đó là hướng cải cách của Nghị định 153.
- Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu ra công chúng thời gian dài hơn phát hành trái phiếu riêng lẻ rất nhiều. Đây có phải là điểm nghẽn với thị trường trái phiếu không thưa ông?
Trong cuộc làm việc với Thủ tướng mới đây chúng tôi cũng đã nêu nội dung này. Đó cũng là điều đáng lo ngại thực sự. Khi khảo sát về công suất xử lý hồ sơ của Ủy ban Chứng khoán mới biết rằng họ có một núi hồ sơ kể cả phát hành trái phiếu và niêm yếu cổ phiếu trên sàn mà chỉ có một bộ phận là Vụ phát hành xử lý. Với công suất của họ thì không có khả năng làm nhanh. Một bộ hồ sơ từ lúc trình duyệt đến khi được cấp phép phát hành phải trong vòng 1 tuần thì mới có ý nghĩa, chậm nhất là khoảng 2 tuần. Nhưng hiện nay, một bộ hồ sơ với công suất hiện nay phải mất 6 tháng tới 1 năm mới có thể xử lý xong hồ sơ bởi hồ sơ quá nhiều mà nhân lực ít. Trong khi đó các thủ tục còn khá phức tạp, và rất dễ có sai sót nên bản thân họ cũng rất thận trọng khi xét duyệt từng hồ sơ.
Điều này đòi hỏi phải nâng công suất của xếp hạng lên thật nhanh và đồng thời nâng công suất xử lý hồ sơ của Ủy ban chứng khoán lên thật nhanh. Để làm được điều này cần có những bước cải tiến về mặt kĩ thuật, hồ sơ. Hoặc có thể liên kết với nước ngoài để chuẩn hóa quy trình xếp hạng. Nếu tự làm sẽ mất nhiều thời gian và thiếu quy chuẩn, bản thân người được xếp hạng và người làm công tác xếp hạng phải khách quan, minh bạch.
Qua thử nghiệm 2 công ty xếp hạng, đưa ra hội đồng xem xét thì thấy vẫn còn khá xa so với chuẩn quốc tế. Như vậy khó có thể thuyết phục nhà đầu tư về sức khỏe thực sự của doanh nghiệp. Điều nữa đó là ở Ủy ban Chứng khoán cũng cần cải tiến thủ tục, không nên quá cầu toàn, rườm rà. Có thể chỉ xem xét một số chỉ tiêu tài chính và một số chỉ tiêu phi tài chính chủ chốt để chúng ta rút ngắn thời gian xem xét hồ sơ. Với tình hình hiện tại ở Việt Nam, chúng ta nên cầu toàn ở mức độ nào đó, phần còn lại để thị trường quyết định.
- Ông có nhắc đến vấn đề niềm tin, vậy sau sự cố trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa qua, nhiều nhà đầu tư có phần sợ hãi. Theo ông, giải pháp nào giúp lấy lại niềm tin từ họ lúc này?
Trước đây, chúng ta có trái phiếu chính phủ phát hành kì hạn 1-2-3 năm với lãi suất khá cao. Khi đó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tiến Dũng đã đặt vấn đề với Hội đồng tài chính tiền tệ và nhóm cố vấn và Bộ Tài chính rằng không thể chấp nhận trái phiếu có kì hạn ngắn như vậy. Thậm chí trái phiếu phát hành chưa kịp chi tiêu đã đáo hạn nên Chính phủ luôn trong tình trạng phải phát hành trái phiếu mới để đáo hạn. Cuối cùng Thủ tướng đã đặt vấn đề cho trái phiếu đó là lãi suất phải thấp và kỳ hạn phải dài. Và chỉ mất 2 năm, chúng ta đã chuyển trái phiếu cao nhất lúc bấy giờ từ 3-5 năm thành trái phiếu kỳ hạn 15-20 năm như bây giờ. Và đó là thành công rất lớn, là bài học quan trọng với Bộ Tài chính về việc làm thế nào để tạo ra lòng tin.
Cái quan trọng là phải tạo ra lòng tin, tạo lòng tin để dân chúng có thể mua dài hạn, sẵn sàng chấp nhận mức lãi suất thấp.
Lần này, theo tôi, trái phiếu doanh nghiệp cũng cần một chủ trương chung như thế. Làm thế nào để doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu dài hạn hơn 5-10-15 năm. Nếu không họ buộc phải đảo nợ. 3 năm chưa xong doanh nghiệp lại phải đảo nợ để trả nợ trái phiếu cũ. Đây là điều sắp tới các nhà chuyên môn, các cơ quan quản lý cần tạo niềm tin vững chắc hơn với nhà đầu tư. Và để làm được điều này, theo tôi, cần đẩy nhanh tiến độ xếp hạng và đẩy nhanh quá trình xử lý hồ sơ, thanh tra, giám sát để giữ cho thị trường tương đối ổn định.
Khi các nhà đầu tư có lòng tin rồi thì có thể kéo dài thời hạn trái phiếu. Đó có thể nói là thành công rực rỡ với thị trường trái phiếu của Việt Nam chúng ta.
Thị trường trái phiếu là thị trường vốn trung và dài hạn gần như chủ chốt của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung. Đến nay, chúng ta vẫn chưa hoàn thành chỉ tiêu của Chính phủ đề ra đó là có 1 triệu doanh nghiệp năm 2020, hiện nay mới có khoảng 860 ngàn doanh nghiệp. Đặc biệt, chỉ tiêu kinh tế tư nhân chiếm 50% GDP thì nay mới được 39%, thậm chí còn tụt lùi. Một trong những lý do của sự sụt giảm kinh tế tư nhân trong tổng GDP đó là do thiếu vốn trung và dài hạn để phát triển một cách vững chắc. Trong khi đó, tỷ trọng trong GDP của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng liên tục từ 10% lên 15% và nay là 21% GDP. Việt Nam có tỷ trọng FDI trong GDP thuộc hàng cao nhất thế giới. Đó là một điều không tốt.
Các nước Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Trung Quốc rất ít huy động vốn qua nước ngoài qua con đường đầu tư trực tiếp mà huy động qua đầu tư gián tiếp hoặc vay để giành thị trường cho các doanh nghiệp của họ tự phát triển. Họ có chủ trương, chính sách thật sự và được thực hiện nhất quán để các doanh nghiệp nội địa của họ phát triển ngoài chuyện tạo ra vốn, tạo ra những thuận lợi về mặt thị trường.
Tại Việt Nam hiện nay, toàn bộ hệ thống bán lẻ, nội địa chỉ còn 40%, 60% còn lại là các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài. Toàn bộ TMĐT có doanh số dự đoán tới năm 2025 tới 52 tỷ USD thì 91-92% nằm trong tay doanh nghiệp có vốn đâu tư nước ngoài. Điều này khiến chúng ta đặt câu hỏi công nghiệp hàng tiêu dùng của Việt Nam sẽ như thế nào? và sẽ nằm ở đâu trong hệ thống bán lẻ?
- Thương phiếu có một công cụ tương tự như trái phiếu. Ông đánh giá như thế nào về nguồn vốn này, thưa ông?
Trước đây, chúng ta có một Nghị định về thương phiếu nhưng nó thất bại. Ở chỗ đó là chúng ta đặt các yêu cầu quá cao, cần các tập đoàn doanh nghiệp lớn có uy tín. Ngay trong giai đoạn thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang èo uột như hiện nay thì các doanh nghiệp như Vingroup vẫn phát hành trái phiếu ra quốc tế được gần 1 tỷ USD.
Khi nhà đầu tư có lòng tin, doanh nghiệp có uy tín thì trái phiếu dài hạn hay thương phiếu đều phát hành được. Một điểm nữa là, đã gọi là thương phiếu thì cần có chiết khấu. Tức là có thể mang thương phiếu của doanh nghiệp nào đó đến ngân hàng chiết khấu để lấy tiền. Hoặc ngân hàng thương mại có thể dùng thương phiếu đó để đặt cọc ở Ngân hàng trung ương để vay vốn. Và như vậy, chúng ta có thị trường vốn ngắn hạn là thương phiếu và vốn dài hạn là trái phiếu một cách hoàn chỉnh. Giúp doanh nghiệp có cả vốn ngắn hạn và trung hạn để phát triển từ doanh nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp vừa và từ doanh nghiệp vừa trở thành doanh nghiệp lớn.
- Xin cảm ơn ông!