Trước khi bỏ sổ hộ khẩu từ ngày 1/1/2023, người dân cần phải làm những gì?
BÀI LIÊN QUAN
Nếu chưa đổi sang thẻ CCCD gắn chip, công dân có được hưởng quyền lợi BHYT hay không?Những điều quan trọng người dân cần lưu ý khi đổi sang CCCD gắn chip bị đổi sốNhững trường hợp nào khi bị kiểm tra phải xuất trình CMND/CCCD gắn chip nếu không sẽ bị phạt?Theo như khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú 2020 quy định, từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu và sổ tạm trú sẽ không còn giá trị sử dụng trong các thủ tục hành chính. Thời điểm hiện tại, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được vận hành thống nhất.
Đồng thời, Bộ Công an cũng khẳng định, người dân có thể khai thác thông tin cư trú ở trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để tiến hành các thủ tục hành chính và dịch vụ công. Để các giao dịch được tiến hành thuận lợi hơn, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên thực hiện những công việc dưới đây trước khi bỏ sổ hộ khẩu từ ngày 1/1/2023.
Cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Luật Căn cước công dân có quy định rõ, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chính là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam đã được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ và quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin nhằm phục vụ quản lý Nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Theo như quy định tại điều 9 Luật Căn cước công dân, thông tin về công dân đã được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia bao gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; quốc tịch; tình trạng hôn nhân; nơi thường trú; nơi ở hiện tại; nhóm máu…
Chính vì thế, công dân cần phải cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia để tạo thuận lợi cho việc thực hiện các thủ tục hành chính sau ngày 31/12. Những thông tin đã được cập nhật có thể sẽ được sử dụng thay cho sổ hộ khẩu và sổ tạm trú.
Làm căn cước công dân gắn chip
Điều 12 Luật Căn cước công dân quy định rõ, số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, được dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ cũng như khai thác thông tin của công dân. Số định danh cá nhân là do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và sau đó sẽ cấp cho mỗi cá nhân.
Khi tiến hành giao dịch các thủ tục hành chính, số định danh cá nhân sẽ được cơ quan chức năng sử dụng để truy cập, cập nhật cũng như điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Vì thế, các cơ quan chức năng nhấn mạnh, nếu công dân vẫn còn sử dụng chứng minh nhân dân 9 số và chưa biết số định danh cá nhân của bản thân là bao nhiêu, họ có thể gặp khó khăn đối với việc xin xác nhận thông tin về cư trú. Cơ quan công an đề nghị tất cả mọi người đến độ tuổi làm căn cước công dân gắn chip (tức là từ đủ 14 tuổi trở lên) nhưng chưa thực hiện điều này nên nhanh chóng triển khai để tạo thuận lợi khi tiến hành các thủ tục hành chính.
Xin giấy xác nhận thông tin cư trú
Khi cần xuất trình giấy tờ để chứng minh thông tin liên quan, người dân có thể sử dụng giấy xác nhận thông tin cư trú để thay thế. Giấy xác nhận này sẽ gồm có thông tin về thời gian, địa điểm và cả hình thức đăng ký cư trú.
Điều 17 Thông tư 55/2021 của Bộ Công an cũng nêu rõ, mọi người có thể yêu cầu cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú bằng những cách thức sau: Thứ nhất, đến công an xã, phường, thị trấn hoặc công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương... để đề nghị cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú; Thứ hai, gửi yêu cầu xác nhận thông tin cư trú qua Cổng dịch vụ công của Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia.
Tiến hành đăng ký tài khoản định danh điện tử
Theo như Nghị định số 59/2020/NĐ-CP của Chính phủ có quy định, người dân có thể xuất trình thông tin định danh điện tử qua ứng dụng VNeID để có thể chứng minh nhân thân cũng như tiến hành giao dịch các thủ tục hành chính thay cho căn cước công dân gắn chip.
Được biết, tài khoản định danh điện tử có 2 mức độ. Mức độ 1 sẽ gồm có ảnh chân dung cùng với các thông tin cá nhân. Đối với mức 1, công dân sẽ được sử dụng một số tính năng cơ bản, bao gồm: Giải quyết dịch vụ công trực tuyến về thông báo lưu trú, đăng ký thường trú hoặc tạm trú, khai báo tạm vắng...
Ở mức độ 2 sẽ có thêm thông tin về sinh trắc học của công dân (vân tay). Đối với tài khoản này, công dân sẽ được sử dụng tất cả tiện ích đã tích hợp những loại giấy tờ gồm có: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế và tiến hành thanh toán nhiều loại hóa đơn điện tử (như tiền điện, tiền nước, chuyển tiền...). Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của công dân Việt Nam sẽ có giá trị tương đương với căn cước công dân gắn chip.
Những người dân nếu muốn đăng ký tài khoản định danh điện tử có thể thực hiện đăng ký thông qua ứng dụng VNeID trên điện thoại di động. Bên cạnh đó, công dân còn có thể đến cơ quan công an địa phương để làm thủ tục.