Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam dưới góc nhìn của các tổ chức quốc tế
BÀI LIÊN QUAN
Chuyên gia nhận định: Năm 2023, kinh tế sẽ không được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ấn tượng như năm 2022Bước sang năm 2023, nền kinh tế sẽ đối mặt với những thách thức lớn hơnThị trường bất động sản 2023 đối mặt với 6 thách thức lớnDự báo của Ngân hàng Thế giới (WB)
Theo kinhtedothi.vn, trong báo cáo tháng 9/2022 của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, hơn 90% các nền kinh tế phát triển, 80% nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi đều bị hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 và 2023.
Đến tháng 10/2022, WB vẫn chỉ ra những vấn đề mà kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt như làn sóng thứ 5 của cuộc khủng hoảng nợ, nhiều quốc gia phải đối mặt hoặc có nguy cơ mắc nợ trong bối cảnh lạm phát toàn cầu gia tăng và lãi suất tăng cao. Thậm chí những nền kinh tế lớn cũng lúng túng trước bài toán phải tăng lãi suất để đối phó với lạm phát nhưng lại có thể gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên nếu thả lỏng lạm phát tăng cao thì kết quả sẽ còn tồi tệ hơn nữa.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới hậu đại dịch Covid-19 có nhiều biến động, nền kinh tế Việt Nam vẫn cho thấy sự ổn định. Điều này được thực hiện qua việc loạt tổ chức quốc tế vẫn duy trì những dự báo tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam, điển hình như WB đánh giá Việt Nam sẽ là nền kinh tế dẫn đầu khu vực Đông Á - Thái Bình Dương có mức tăng trưởng 7,2% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023.
Mới đây, trong báo cáo công bố ngày 14/12 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế đối với khu vực các nước châu Á đang phát triển và Thái Bình Dương. Dự báo nền kinh tế của khu vực này sẽ tăng trưởng 4,2% trong năm nay và 4,6% trong năm sau. Tuy nhiên, riêng đối với Việt Nam, ADB nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế lên 7,5% trong năm nay và lạm phát được điều chỉnh xuống còn 3,5%.
Dự báo của ngân hàng HSBC
Khối nghiên cứu của ngân hàng HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay từ 7,6% lên 8,1%. Theo ngân hàng này, năm 2022 là năm phục hồi bùng nổ của Việt Nam với mức tăng trưởng vượt trội so với mặt bằng chung tại châu Á.
Xuất khẩu là một trong những động lực quan trọng của kinh tế Việt Nam tuy nhiên trong 2 tháng qua, xuất khẩu lại đang xuất hiện dấu hiệu giảm tốc. Trong tháng 11/2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm ngoái. HSBC cho rằng nguyên nhân khiến xuất khẩu của Việt Nam đi xuống là do lĩnh vực điện tử chiếm 35% tổng kim ngạch suy yếu. Nhiều ngành hàng xuất khẩu quan trọng như da giày, dệt may, sản phẩm gỗ và máy móc cũng chứng kiến các đơn hàng giảm mạnh. Khi nền kinh tế Mỹ đi xuống càng khiến tình hình trở nên khó khăn hơn vì Mỹ là thị trường lớn nhất của nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng trong nước và thị trường lao động tiếp tục phục hồi là điểm sáng tích cực trong bối cảnh trên.
HSBC dự báo trong năm 2023, GDP của Việt Nam sẽ tăng 5,8%, mức dự báo này thấp hơn mức đưa ra trước đó là 6% do các tác động tích cực do mở cửa nền kinh tế dần giảm bớt, trong khi đó tác động của lạm phát cao bắt đầu rõ rệt hơn. Trong những tháng cuối năm 2022, lạm phát tại Việt Nam so với cùng kỳ năm trước đã vượt mức 4%.
Tỷ lệ lạm phát bình quân cả năm nay ước tính khoảng 3,2%, tuy nhiên nhóm nghiên cứu của ngân hàng HSBC đã đưa ra dự báo lạm phát trong cả năm tới có thể lên tới 4%. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm đối phó với lạm phát.
UOB dự báo tăng trưởng cả năm 2022 đạt 8,2%
Tại báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý III/2022 và dự báo quý IV/2022 của Ngân hàng UOB cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của GDP trong quý III là kết quả nỗ lực của 9 tháng đầu năm. Đồng thời là tiền đề cho tăng trưởng mạnh mẽ của cả năm 2022 với dự báo mức tăng trưởng đạt 8,2%, tăng 1,2% so với dự báo trước đó.
Về triển vọng kinh tế năm 2023 của Việt Nam, UOB cho rằng các chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương trên thế giới như Mỹ và châu Âu - hai thị trường xuất khẩu chính, chiếm 41% thị phần xuất khẩu của Việt Nam sẽ ảnh hưởng rất lớn tới xuất khẩu hàng hóa. Do đó, UOB tiếp tục duy trì dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam ở mức 6,6% do nhu cầu từ các đối tác lớn tiếp tục chậm lại.
Dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)
IMF dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 tăng từ mức 6% lên 7 - 7,5%. Dự báo tăng trưởng trong năm 2023 giảm từ 6,2% của dự báo trước đó xuống còn 5,8%. Nguyên nhân là do nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của các đối tác nước ngoài từ Việt Nam chậm lại và điều kiện tài chính thắt chặt hơn.
Đánh giá của IMF về lạm phát tại Việt Nam là tương đối thấp, nhưng tỷ lệ này có thể tăng lên nhanh chóng nếu hoạt động kinh tế trong nước phục hồi trở lại. Chi phí vận chuyển và giá các loại hàng hóa như phân bón, thức ăn chăn nuôi có thể làm tăng giá hàng hóa và dịch vụ trong nước, gây áp lực lạm phát lên nền kinh tế. Những khó khăn từ tình trạng thiếu nguyên liệu thô và khó khăn khi tiếp cận với hàng hóa trung gian cũng sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng.