Tránh cào bằng trong phân bổ room tín dụng
BÀI LIÊN QUAN
Động thái mới của nhà đầu tư địa ốc sau khi nới room tín dụngSau khi nới room tín dụng, nhà đầu tư bất động sản vẫn e dè xuống tiền thời điểm nàyNới room tín dụng chưa thể thỏa mãn “cơn khát” của thị trường bất động sảnTín dụng tăng 10% trong 8 tháng đầu năm
Theo baodautu.vn, tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã thông báo về tình hình thế giới và trong nước. Theo đó, kinh tế thế giới đã có nhiều biến động trong thời gian qua, ảnh hưởng tới điều hành kinh tế trong nước. Thống đốc cũng cho biết, mục tiêu kiên định được NHNN đặt ra trong điều hành, đó là không chủ quan với các diễn biến lạm phát, đồng thời điều hành chính sách tiền tệ hiệu quả, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ phục hồi, tăng trưởng kinh tế.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, nhiệm vụ khó khăn của NHNN hiện nay là điều hành ổn định lãi suất và giảm lãi suất xuống 0,5 – 1% để thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về việc triển khai Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, kết quả đáng ghi nhận là, trong vòng 8 tháng đầu năm, tín dụng của toàn hệ thống đã tăng gần 10%, đây là mức tăng cao so với các năm.
Về vấn đề điều hành tín dụng, NHNN cho biết đã nhận được sự quan tâm lớn của tầng lớp doanh nghiệp, chuyên gia, báo chí… Vấn đề đặt ra cho NHNN là phải giải quyết bài toán vĩ mô, cần phải có căn cơ, bài bản nhằm góp phần ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát đồng thời đảm bảo an toàn cho toàn bộ hệ thống ngân hàng….
Theo Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính, ông Phạm Chí Quang, từ năm 2011 đến nay, tăng trưởng tín dụng liên tục giảm mạnh, từ mức kỷ lục 53,8% xuống 30% và giữ ổn định ở mức 12-14% trong những năm qua. Điều này đã góp phần kiểm soát lạm phát, đồng thời thúc đẩy các tổ chức tín dụng nâng cao năng lực quản trị, cải thiện hệ số an toàn và giảm lãi suất thị trường…
Không cấm tín dụng vào bất động sản
Tại hội nghị, Quyền Chánh Thanh tra, giám sát NHNN, ông Nguyễn Văn Du thông tin, một số ngành kinh tế có dư nợ tín dụng tăng trưởng cao như bất động sản, tiêu dùng… Tuy nhiên hiệu quả, tăng trưởng lại đạt thấp.
Về chủ trương điều hành, ông Du cho biết, NHNN không cấm tín dụng đổ vào bất động sản. Tuy nhiên, Quyền Chánh Thanh tra, giám sát NHNN cho rằng các tổ chức tín dụng cần cẩn trọng và có cơ cấu danh mục đầu tư tín dụng một cách hợp lý. Điều này nhằm tránh các rủi ro, đặc biệt là trong điều kiện áp lực tín dụng đang rất lớn như hiện nay.
Về công tác tín dụng năm nay, theo Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Hà Thu Giang, thời gian qua NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. Do đó, tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay là khá cao so với cùng kỳ 2020 và 2021. Đại diện NHNN cũng cho biết, định hướng trong thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng dòng vốn vào sản xuất và kinh doanh, các gói vay phục vụ nhu cầu đời sống và lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên, nhất là các ngành lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Nghị định 31; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo chỉ đạo của NHNN, các chương trình chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ,…
Phân bổ room tín dụng là cần thiết, nhưng tránh cào bằng
Các ý kiến tại hội nghị cơ bản thống nhất việc điều hành tín dụng trong thời gian qua của NHNN là phù hợp. Theo đó, hội nghị cho rằng hiện tại chưa thể bỏ công cụ hạn mức tín dụng. Trong bối cảnh nền kinh tế đang hồi phục tốt sau đại dịch, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của năm 2022 là 14% như NHNN đề ra là phù hợp. Các đại biểu cho rằng, trong công tác phân bổ room tín dụng, cần thực hiện theo chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng để không cào bằng. Đồng thời, việc phân bổ room tín dụng cho các tổ chức tín dụng như thế nào sẽ được thông tin riêng tới từng tổ chức tín dụng để tránh sự cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng. Nếu tỷ lệ tăng trưởng tín dụng quá cao sẽ ảnh tạo nên cuộc chạy đua lãi suất giữa các tổ chức tín dụng, gây mất an toàn hệ thống.
Theo bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN, vừa qua dư luận có đặt vấn đề về việc nếu chậm nới room tín dụng sẽ làm lỡ đà tăng trưởng, việc áp dụng hạn mức tín dụng sẽ làm kìm hãm tới sự phục hồi nền kinh tế, hay như việc áp room tín dụng không có sự liên quan tới lạm phát… Bà Sen cho biết, NHNN phải rất khéo léo, linh hoạt, thận trọng để đảm bảo hài hòa trong điều hành giữa các thành tố của thị trường tiền tệ để đạt mục tiêu góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng và an toàn hệ thống ngân hàng. Đồng thời, các tổ chức quốc tế cũng đưa ra lời khuyên cho Việt Nam rằng NHNN phải kiểm soát hạn mức tín dụng. Cùng với đó, áp lực về ngắn hạn đối với tỷ giá, lãi suất hay việc tăng vốn của ngân hàng không theo kịp đà tăng của tín dụng đã được các tổ chức tài chính như IMF, S&P, Fitch Ratings cảnh báo.
Tại hội nghị, các chuyên gia kinh tế, tài chính đã đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian qua của NHNN. Đồng thời, đa số ý kiến cho rằng cần phải kiểm soát room tín dụng và NHNN nên kiên định tăng trưởng tín dụng ở mức 14% như đã đặt ra.
Lãnh đạo các tổ chức tín dụng lớn như: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, Sacombank, SHB, MB,… đều đồng tình với đánh giá, nhận định của NHNN về tình hình kinh tế vĩ mô và các giải pháp chỉ đạo, điều hành của NHNN thời gian qua.
Với sự biến động của kinh tế thế giới trong thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam vốn có độ mở cao đã và đang chịu nhiều áp lực. Do đó, NHNN cần phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn một cách phù hợp để thực hiện “nhiệm vụ kép”, đó là kiềm chế lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng. Các ý kiến của đa số tổ chức tín dụng cho rằng kiểm soát tăng trưởng tín dụng là điều tất yếu để tránh ảnh hưởng đến lạm phát. Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp hiệu quả phát triển và thu hút vốn trung và dài hạn từ các kênh khác như trái phiếu, chứng khoán và thu hút đầu tư nước ngoài… Nền kinh tế không nên quá phụ thuộc vào vốn tín dụng với bản chất kinh tế chủ yếu phục vụ vốn ngắn hạn và lưu động…
Cơ bản, các tổ chức tín dụng đều thống nhất việc NHNN kiểm soát tăng trưởng tín dụng là điều cần thiết. Tuy nhiên, công tác phân bổ room tín dụng cần tránh việc cào bằng. Theo Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ông Phạm Quang Dũng, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đều được các ngân hàng trung ương trên thế giới kiểm soát bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp bởi đây là một trong những tham số kinh tế vĩ mô rất quan trọng của bất kỳ nền kinh tế nào.
Từ năm 2011 tới nay, NHNN Việt Nam đã áp dụng chính sách phân bổ room tín dụng. Qua hơn 10 năm, biện pháp này đã được chứng minh có vai trò quan trọng trong việc ổn định kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.
Tiêu chí phân bổ room tín dụng hiện nay ngày càng được thực hiện chặt chẽ hơn theo Thông tư 52 của NHNN. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng hàng năm đã được các cơ quan nhà nước tính toán kỹ lưỡng, tổng quy mô tăng trưởng tín dụng cũng đã được xử lý khoa học…
Về hạn mức tín dụng năm 2022, ngay từ đầu năm NHNN đã thông báo chỉ tiêu cho các tổ chức tín dụng dựa trên kết quả xếp hạng năm 2022 của từng tổ chức tín dụng, dựa theo quy định tại Thông tư 52. Bên cạnh đó, NHNN cũng đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể hóa đối với từng tổ chức tín dụng để phân bổ.
Do đó, ngay sau khi có kết quả xếp hạng mới nhất của các tổ chức tín dụng theo thông tư 52, NHNN đã cập nhật chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 của các tổ chức tín dụng theo kết quả xếp hạng chính thức năm 2021. Đồng thời nắm bắt nhu cầu tăng trưởng tín dụng căn cứ diễn biến thị trường.
Đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cho rằng, NHNN đã có những sự điều chỉnh tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn thị trường cũng như hoạt động của các ngân hàng. Đại diện SHB đồng thuận với các định hướng và chỉ tiêu phân bổ room tín dụng của NHNN.
Cũng chung quan điểm với SHB, ông Lưu Trung Thái, Tổng Giám đốc NHTMCP Quân đội (MB) cho rằng, phương pháp điều hành tín dụng của NHNN thời gian qua đã được thực tế chứng mình là có hiệu quả trong việc kiềm chế lạm phát và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô cũng như hỗ trợ cho việc tăng trưởng kinh tế. Theo ông Thái, các ngân hàng thương mại có thể chủ động trong việc kinh doanh của ngân hàng mình qua việc NHNN thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu. Theo ông Thái, nhu cầu vốn của nền kinh tế hiện nay là rất lớn, tuy nhiên cũng không thể dồn hết vào hệ thống ngân hàng mà cần phải phát triển qua nhiều kênh khác.
Tổng Giám đốc MB Bank cũng đánh giá các tiêu chí phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cũng được NHNN thực hiện công khai, minh bạch căn cứ kết quả đánh giá xếp hạng theo Thông tư 52 cùng với các tiêu chí khác. Các tiêu chí của Thông tư 52 đã phản ánh các tiêu chuẩn chung của thế giới đồng thời có các tiêu chuẩn đánh giá của NHNN. Cách tiếp cận theo xếp hạng như vậy là phù hợp với thực tế.
Về lâu dài, đại diện các tổ chức tín dụng đều đề xuất cần kiến nghị phát triển các kênh đầu tư khác như chứng khoán, trái phiếu, đầu tư công, thu hút vốn nước ngoài….
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đối với các kiến nghị về tiêu chí xem xét phân bổ chỉ tiêu tín dụng, cách thức phân bổ,… Thống đốc yêu cầu các đơn vị chức năng của NHNN tổng hợp, nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng về tính khả thi,… để hoàn thiện công cụ hạn mức tín dụng và điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2023.