Nới room tín dụng chưa thể thỏa mãn “cơn khát” của thị trường bất động sản
BÀI LIÊN QUAN
TS. Sử Ngọc Khương: “Nới room tín dụng không tác động nhiều đến doanh nghiệp địa ốc”Điều chỉnh room tín dụng "mở đường" FDI vào bất động sảnNới room tín dụng, dòng vốn vào bất động sản liệu có được khơi thông?Dư địa cho vay khiêm tốn
Theo vnexpress.net, ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước đã gửi thông báo phê duyệt nới room tín dụng cho 15 ngân hàng, trong đó có nhóm ngân hàng Big4 gồm Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank và 11 ngân hàng tư nhân có sức khỏe tốt hoặc tham gia tái cơ cấu. Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước đồng loạt tăng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng trong năm 2022.
Theo đó, ngân hàng Vietcombank được nới room tín dụng thêm 2,7%, tương đương có thêm hạn mức khoảng 32.000 tỷ đồng bơm ra nền kinh tế, sau khi được nới thêm hạn mức tín dụng mới của cả năm 2022 của ngân hàng này là 17,7%. Tính đến hết tháng 8, ngân hàng này đã tăng trưởng tín dụng 14,7% so với đầu năm.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách ban điều hành của Vietcombank cho hay ngân hàng sẽ tiếp tục kiểm soát, tăng trưởng tín dụng vào những lĩnh vực, ngành nghề thiết yếu của nền kinh tế, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, kiểm soát tốt thanh khoản, rủi ro tín dụng đảm bảo nợ xấu được kiểm soát ở mức độ thấp.
Ngân hàng Agribank là ngân hàng có 100% vốn nhà nước cũng mới được nới thêm room tín dụng thêm 3,5% so với mức cũ là 7%. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2022, ngân hàng này còn dư địa khoảng 50.000 tỷ đồng để tung ra thị trường.
Trong đợt tăng hạn mức tín dụng lần này, Sacombank là ngân hàng được nới room ở mức cao nhất, tới 4% nâng tổng hạn mức tín dụng của cả năm lên 11%. Như vậy, trong những tháng còn lại của năm 2022, Sacombank có thể cung ứng ra nền kinh tế khoảng 15.000 tỷ đồng.
Có thể thấy, trong lần cấp room tín dụng này, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa dùng hết room tăng trưởng của cả năm là 14%. Đặc biệt ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, room tín dụng được cấp thêm loanh quanh ở khoảng 3%, nhưng do quy mô tín dụng nhỏ nên kể cả các ngân hàng tư nhân lớn thì hạn mức tín dụng tăng thêm chỉ ở khoảng hơn 10.000 tỷ đồng, ở các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ thậm chí hạn mức tăng thêm còn ít hơn chỉ ở 1.000 - 2.000 tỷ đồng.
Hạn mức tín dụng được nới thêm này theo nhiều chuyên gia đánh giá là như “muối bỏ bể” so với cơn khát vốn của doanh nghiệp và người dân hiện nay. Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp địa ốc đã bị dừng giải ngân, người mua nhà khó tiếp cận vốn tín dụng trong thời gian qua vì ngân hàng hết room cho vay.
Tia hy vọng nhỏ cho thị trường bất động sản
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa cho biết, việc một số ngân hàng được nới thêm room tín dụng đã phần nào thắp lên tia hy vọng cho thị trường bất động sản. Bởi từ tháng 5 đến nay, dòng vốn chảy vào bất động sản đã bị hạn chế bởi các động thái kiểm soát, thắt chặt từ ngân hàng khiến giao dịch tài sản gặp nhiều khó khăn.
Trước đó, tại tọa đàm Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản ngày 7/6, Tổng giám đốc Vạn Xuân Group là ông Nguyễn Minh Nhật thông tin, doanh nghiệp hiện có khoản vay khoảng 2.000 tỷ đồng đã được duyệt giải ngân, nhưng đến khi dự án tiến hành xây dựng bị nhà băng dừng cho vay với lý do đã hết room tín dụng. Sự từ chối bất ngờ này khiến doanh nghiệp bị hụt dòng vốn trong quá trình phát triển dự án.
"Ngân hàng Nhà nước nói vẫn cho vay bất động sản bình thường nhưng thực tế doanh nghiệp địa ốc tiếp cận vốn ở các ngân hàng thương mại rất khó khăn", ông Nhật cho hay.
Do đó, với hành động bật đèn xanh này của Ngân hàng Nhà nước, một số dự án sẽ có cơ hội mở bán nhằm tranh thủ thời gian nới room tín dụng để chạy lại thị trường mãi lực yếu gần 6 tháng qua.
Một vấn đề mà các chuyên gia tài chính bất động sản lo ngại là hạn mức được nới thêm tương đối thấp, nên dư địa cho vay ít sẽ không đủ đáp ứng hết số lượng hồ sơ đăng ký vay tồn đọng, khó vực dậy thị trường đang trầm lắng.
Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa đánh giá, việc nới room tín dụng tại nhóm ngân hàng thương mại lớn chuyên về bán lẻ sẽ tạo cơ hội cho người mua nhà. Tuy nhiên đối với những khoản vay từ chủ đầu tư dự án trung cao cấp thì các ngân hàng vẫn tiếp tục thận trọng. Do đó, dòng vốn vay được nới thêm này không dành cho toàn bộ thị trường địa ốc.
Bên cạnh đó, việc các ngân hàng ưu tiên dành room tín dụng được nới thêm cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang gặp khó khăn về vốn lưu động trong thời gian qua. Ông Vũ Thành Trung, thành viên ban điều hành Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) cũng cho biết: “Với việc được nới room thêm 3,2%, tương đương tăng thêm 12.000 tỷ đồng, chúng tôi định hướng trong vòng 1 tháng tới số vốn này sẽ được phân bổ vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Đây là lĩnh vực có nhu cầu vốn rất lớn trong thời gian qua”.
Tại ngân hàng Sacombank, lãnh đạo ngân hàng này cho biết, room tín dụng được cấp thêm sẽ hướng vào các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Còn với bất động sản, việc cho vay sẽ tiếp tục hạn chế hoặc nếu có chỉ là thực hiện những hợp đồng đã cam kết cấp tín dụng từ trước.
Bất động sản vẫn tiếp tục “khát vốn”
Một số chuyên gia đưa ra dự báo hạn mức tín dụng được tăng thêm cũng sẽ hết trong khoảng 8 - 12 tuần nên cơ hội dành cho bất động sản là không nhiều.
"Đây chỉ là tác động tâm lý giúp bất động sản đang héo úa chuyển sang tươi tỉnh lại đôi chút, nhưng không đóng vai trò giúp thị trường tăng tốc. Bất động sản vẫn sẽ khó trong những tháng giáp Tết", ông Quang dự báo.
Đồng thời, lãi suất cho vay thời điểm hiện nay đang có xu hướng cao từ 11 - 12%/năm, phải mua bảo hiểm 1% mới được vay, trong khi đó thị trường địa ốc đang thanh khoản yếu, khó kiếm lợi nhuận. Với những yếu tố này, CEO Việt An Hòa nhận định, đi vay đầu tư địa ốc vào thời điểm này có thể không đạt hiệu quả.
Theo ông Phan Công Chánh, CEO Phú Vinh Group việc một số ngân hàng được nới room tín dụng trước mắt sẽ giúp khơi thông tâm lý bế tắc của thị trường địa ốc. Tuy nhiên, với dư địa tín dụng không nhiều nên bất động sản sẽ rất khó để tiếp cận vốn vay. Ông Chánh cho rằng, trong những tháng cuối năm bất động sản sẽ khan tiền, khát vốn, đẩy thị trường vào thế khó.
Có cùng quan điểm, ông Nguyễn Mạc Hoài Nam, Tổng giám đốc Công ty tư vấn Nam Phát cũng cho rằng người mua bất động sản sẽ không dễ dàng tiếp cận vốn vay như kỳ vọng bởi từ nay đến cuối năm dư địa cho vay không còn nhiều.
Ông Nam chỉ ra trong thực tế từ tháng 4 đến nay, nhiều người mua nhà để ở gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay và đều đang chờ động thái giải ngân vốn cho vay sắp tới của ngân hàng để quyết định có xuống tiền mua hay không. Tuy nhiên, thời gian chờ này chưa biết đến bao giờ mới kết thúc.
Do đó, cần phải chờ động thái cho vay của các ngân hàng được nới room tín dụng lần này thì mới có thể đánh giá được hết. Tuy nhiên với số lượng lớn khách mua nhà có nhu cầu thật đang chờ giải ngân trong thời gian qua thì hạn mức tín dụng được nới thêm khó lòng có thể đáp ứng được.
"Dòng vốn cho vay bất động sản khiêm tốn sẽ không đủ vực dậy thị trường, phân khúc phục vụ nhu cầu thật, giá vừa túi tiền có hy vọng trụ được, các loại đầu cơ khác càng khó khăn hơn vào cuối năm nay", Tổng giám đốc Công ty tư vấn Nam Phát dự báo.
Có thể thấy, đối với các ngân hàng thương mại động thái nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước lần đầu tiên trong năm 2022 được ví như “hạn hán gặp mưa rào”. Mặc dù, “cơn mưa” này không quá lớn nhưng đối với các ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung vẫn mang tới những tín hiệu khả quan. Mang tới những tia hy vọng cho thị trường bất động sản sau thời gian dài gặp khó khăn về dòng vốn do các biện pháp thắt chặt, kiểm soát dòng vốn.