TS. Sử Ngọc Khương: “Nới room tín dụng không tác động nhiều đến doanh nghiệp địa ốc”
BÀI LIÊN QUAN
Điều chỉnh room tín dụng "mở đường" FDI vào bất động sảnNới room tín dụng, dòng vốn vào bất động sản liệu có được khơi thông?Một số ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm room tín dụngTrong 6 tháng đầu năm nay, thị trường bất động sản đã phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong bối cảnh dòng vốn bị thu hẹp từ nhiều phía, bao gồm nguồn vốn tín dụng bị kiểm soát chặt chẽ, thị trường trái phiếu liên tục suy giảm... Tuy nhiên, đến ngày 7/9 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước bất ngờ phát đi thông báo về việc đã thực hiện điều chỉnh đối với chỉ tiêu tăng trưởng hạn mức tín dụng năm nay dành cho những tổ chức tín dụng có đề nghị, đồng thời có thông báo gửi đến từng tổ chức tín dụng.
Thời gian gần đây, nới room tín dụng có thể nói là câu chuyện nóng nhất trong làng tài chính ngân hàng. Liên quan đến việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cũng lưu ý, trưởng tín dụng của Việt Nam đang ở mức cao hàng đầu thế giới, vì thế sẽ phải tập trung vào ưu tiên hàng đầu là ổn định vĩ mô.
Cụ thể, sau điều chỉnh này của Ngân hàng Nhà nước, Sacombank đã được chấp thuận cho tăng thêm 4%; Agribank là 3,5%; ngân hàng MB là 3,2%; Vietcombank là 2,7%; TPBank là 1,2%; SHB là 3,2%; OCB là 3,1%; VIB là 3%,… Ngay lập tức, thông tin này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt đến từ các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước, các nhà đầu tư cùng với khách hàng của thị trường bất động sản.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc Cao cấp Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam, cho biết việc siết chặt tín dụng sẽ giúp Nhà nước có thể lựa chọn và ưu tiên những doanh nghiệp, dự án có dòng tiền tốt tại nhiều lĩnh vực khác nhau tùy theo thời điểm cũng như tình hình kinh tế. Chưa kể, động thái này còn giúp hạn chế tối đa tình trạng vay tín dụng xấu có thể khiến cho nhiều ngân hàng lao đao.
Cụ thể, ông Khương nhận định: “Thông báo điều chỉnh room tín dụng mới nhất của Ngân hàng Nhà nước là một động thái bẻ khóa tiền tệ vô cùng tích cực. Động thái này giúp trực tiếp bơm nguồn tiền vào nền kinh tế hậu dịch bệnh Covid-19, từ đó có thể tiếp sức cho các lĩnh vực cùng với ngành nghề, bao gồm dịch vụ, sản xuất, kinh doanh và bất động sản”..
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, thời điểm hiện tại Việt Nam đang là một trong số những quốc gia có tốc độ hồi phục cũng như phát triển kinh tế mạnh mẽ nhất trên thế giới trong giai đoạn hậu Covid-19. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng nhất giúp Việt Nam thu hút hàng loạt sự quan tâm cùng với nhiều nguồn đầu tư nước ngoài. Kể từ tháng 10 năm ngoái, sau khi Chính phủ mở lại các chuyến bay quốc tế sau một thời gian tạm ngưng hoạt động vì đại dịch, các ngành kinh tế và đặc biệt là ngành du lịch cùng với khách sạn, đã liên tục được hưởng lợi lớn.
Chính những yếu tố này đã giúp cho các doanh nghiệp nước ngoài thuận lợi hơn trong việc gia nhập thị trường Việt, đặc biệt là trong bối cảnh cơ hội đầu tư tại những quốc gia của họ đang ngày càng bị thắt chặt và hạn chế. Chưa kể, những khoản đầu tư tại những quốc gia khác cũng không có nhiều tính cạnh tranh như ở Việt Nam.
Vì thế, TS. Sử Ngọc Khương nhấn mạnh: “Đây sẽ là cơ hội lớn cho việc phát triển nguồn lực đối với dòng FDI ở Việt Nam, trong đó có cả thị trường bất động sản. Đối với một quốc gia với hơn 100 triệu dân như Việt Nam và một siêu đô thị với hơn 10 triệu dân như TP Hồ Chí Minh, các khoản đầu tư này là vô cùng quan trọng”.
Thực tế cho thấy rằng, tính đến ngày 20/8 năm nay số vốn ngoại đầu tư trực tiếp (FDI) so với cùng kỳ năm trước đã giảm gần 13%. Đáng chú ý, chỉ tính riêng khoản vốn FDI rót vào mảng kinh doanh bất động sản lại có xu hướng trái ngược, ghi nhận mức tăng vọt với hơn 3,3 tỷ USD và chiếm đến gần 20% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tuy nhiên, nhiều dự án bất động sản tại Việt Nam vẫn còn tồn tại những vướng mắc về hành lang pháp lý. Điều này trở thành “điểm trừ” lớn, khiến cho các doanh nghiệp cùng với nhà đầu tư (cả trong và ngoài nước) cảm thấy do dự khi rót tiền vào thị trường bất động sản.
Việc nới room tín dụng không tác động nhiều đến doanh nghiệp địa ốc
Trong bối cảnh những quy định về tín dụng dành cho ngành bất động sản đã được điều chỉnh và có nhiều thay đổi, chuyên gia Savills đánh giá, các nhà đầu tư vẫn tin tưởng hơn vào việc kêu gọi vốn thông qua hình thức M&A. Đây là lý do mà nhiều nhà đầu tư vấn tìm đến các đơn vị tư vấn M&A tiêu chuẩn quốc tế với mong muốn sẽ được hỗ trợ kết nối, tìm được những đối tác phù hợp.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Sử Ngọc Khương cũng đã có những nhận định khách quan về xu hướng M&A của nhiều nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường bất động sản Việt Nam thời điểm hiện tại. Vị Giám đốc Cao cấp Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam cho rằng, đây là một cơ hội lớn dành cho các doanh nghiệp trong nước. Những doanh nghiệp này có thể cải thiện năng lực phát triển các dự án thông qua việc liên kết giữa những nguồn lực tài chính khác nhau. Từ đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ mang đến nhiều nguồn khách hàng mới cho những doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Khương cũng bổ sung thêm: “Đối với những công ty niêm yết, điều này sẽ hỗ trợ họ trong việc thu hút vốn nước ngoài trên các sàn giao dịch chứng khoán. Những doanh nghiệp với quy mô nhỏ cùng năng lực tài chính thấp sẽ cần phải có chiến lược tái cấu trúc lại đối với danh mục đầu tư, đảm bảo hoàn thiện những thủ tục pháp lý của dự án”.
Giám đốc Cao cấp Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam cũng chia sẻ, bên cạnh nguồn lực cùng với tài chính, những thủ tục và cơ chế chính là vấn đề nan giải nhất trong việc phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam. Thời điểm hiện tại, có khá nhiều dự án bất động sản trong nước vẫn còn vướng mắc về vấn đề pháp lý, buộc phải ngừng triển khai. Chính vì thế, việc nới room tín dụng cùng với việc gia tăng nguồn lực được dự đoán là sẽ không mang đến những thay đổi rõ rệt cho các doanh nghiệp địa ốc. Đồng thời, điều này cũng không tác động nhiều hoặc có thể cải thiện tình trạng hạn chế về nguồn cung trên thị trường bất động sản.
Từ những lý do trên, vị chuyên gia của Savills Việt Nam khuyến nghị, Chính phủ cần phải có những chính sách khai thông với mục đích bổ sung nguồn vốn nội lực cùng với nguồn vốn cho vay doanh nghiệp. Từ đó, tính liên kết sẽ được tăng lên, là đòn bẩy để thị trường bất động sản có thể tận dụng được những tiềm năng vốn có của mình để phát triển hơn nữa trong thời gian tới.