TP Hồ Chí Minh: Phải đảm bảo chỗ ở bình quân 8 m2/người mới được đăng ký thường trú
BÀI LIÊN QUAN
TP Hồ Chí Minh lên kế hoạch xây dựng cầu bắc qua sông Sài Gòn trị giá 5000 tỷ đồngTăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm tại TP Hồ Chí Minh đạt 2,43% TP Hồ Chí Minh nỗ lực gỡ vướng dự án bất động sảnGiữ chân người lao động
Theo Thời báo Ngân hàng, mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Sở Xây dựng, Công an TP Hồ Chí Minh, UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức chỉ đạo về quy định diện tích nhà ở bình quân để đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân.
Trong thời gian qua có không ít người dân lao động có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh, thành phố khác đến TP Hồ Chí Minh học tập, lao động, sinh sống nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã phải rời khỏi thành phố. Điều này đã ảnh hưởng phần nào đến nguồn lực lao động cũng như tác động đến tình hình kinh tế - xã hội chung của TP Hồ Chí Minh.
Vì vậy, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục áp dụng mức tối thiểu 8 m2/người theo đúng quy định của Luật Cư trú nhằm góp phần ổn định chính trị - xã hội, phục hồi kinh tế Thành phố trong giai đoạn “bình thường mới” hậu đại dịch Covid-19.
Đến năm 2024, căn cứ vào tình hình kinh tế, xã hội TP Hồ Chí Minh sẽ giao Sở Xây dựng phối hợp với các cơ quan, đơn vị tiếp tục tham mưu, báo cáo UBND TP Hồ Chí Minh để trình HĐND TP đưa ra mức quy định phù hợp.
Trong năm 2022 đến 2023, Sở Xây dựng đã đưa ra phương án tiếp tục áp dụng mức bình quân 8 m2/người để được đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân. Dự kiến sau năm 2023 sẽ tăng lên mức 15 m2/người.
Chia 2 khu vực áp dụng quy định diện tích ở
Trước đó vào tháng 5/2014, Sở Xây dựng đã có tờ trình về áp diện tích tối thiểu để cá nhân được nhập khẩu vào nhà ở nhờ, thuê, mượn tại TP Hồ Chí Minh. Nội dung tờ trình nêu, trong giai đoạn 2014 - 2015, các cá nhân muốn nhập hộ khẩu tại thành phố thông qua diện ở nhờ, thuê, mượn nhà của người khác thì phải đảm bảo có diện tích ở 16 - 17 m2/người. Đề xuất này nhằm giảm áp lực hạ tầng đã quá tải ở nội thành và không làm phức tạp thêm trong quản lý đô thị, đồng thời đảm bảo điều kiện làm việc của người lao động.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị con số nhỏ hơn vì cho rằng người nhập cư đã đóng góp lớn vào sự phát triển của thành phố. Việc hạn chế lao động di cư sẽ gây khó khăn cho việc đảm bảo nguồn lực để phát triển kinh tế TP Hồ Chí Minh.
Cụ thể, theo UBND quận 4, tiêu chuẩn về thiết kế căn hộ của Việt Nam có diện tích tối thiểu mỗi căn chỉ có 30 m2, diện tích ở của mỗi người nhỏ nhất là 6 m2. Trên cơ sở này, quận 4 kiến nghị áp dụng mức 6 - 8 m2 khi xem xét đăng ký hộ khẩu thường trú cho người có chỗ ở từ việc thuê, thuê mượn, ở nhà nhà của tổ chức, cá nhân.
Theo UBND huyện Nhà Bè, từ nghiên cứu thực tế, quy mô nhà ở cho thuê có diện tích 12 - 20 m2 là phổ biến cho 1 - 2 người, diện tích bình quân mỗi người là khoảng 10 m2. Do đó, việc xác định diện tích nhà ở bình quân do thuê, mượn, ở nhờ để đăng ký hộ khẩu thường trú nhằm giải quyết các thủ tục hành chính, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động. Huyện Nhà Bè đề xuất, diện tích nhà ở bình quân để nhập hộ khẩu và nhà ở nhờ, thuê, mượn tại TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn 1 là 8 - 10 m2, giai đoạn 2 là 15 m2.
Theo Sở Xây dựng thành phố, từ các báo cáo cho thấy, đến nay TP Hồ Chí Minh đã có diện tích nhà ở bình quân 16,4 m2/người. Vì vậy, tại các quận có mật độ dân cư cao thì có thể áp dụng diện tích ở bình quân mà thành phố đã đạt được. Đối với các huyện có mật độ dân cư thấp thì có thể áp dụng diện tích ở bình quân là 8 m2/người.
Từ những cơ sở trên, trong tờ trình mới, Sở Xây dựng chia hai khu vực. Khu vực 1 gồm 19 quận có mật độ dân cư cao, muốn nhập hộ khẩu phải có diện tích nhà ở bình quân 16 m2/người. Khu vực 2 gồm các địa phương có mật độ dân cư thấp, diện tích ở yêu cầu là 8 m2/người.
Cuối năm 2018, Sở Xây dựng đã có tờ trình gửi UBND TP Hồ Chí Minh dự thảo nghị quyết để trình HĐND thành phố thông qua quy định diện tích bình quân 20 m2 sàn nhà ở/người áp dụng khi giải quyết đăng ký hộ khẩu thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) nhận định, việc Sở Xây dựng dựa vào diện tích nhà ở bình quân trên địa bàn thành phố đến năm 2020 để làm căn cứ đưa ra con số 20 m2 sàn/người là "cào bằng, không khả thi". Theo ông Châu, tính đến 9/2019, diện tích bình quân sàn nhà xây dựng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã là 20,16 m2 sàn/người. Tuy nhiên, nhà ở tập trung chủ yếu trong tay người có thu nhập khá và cao, chứ không phải ở người thu nhập trung bình và thấp.
“Quy định vậy là khập khiễng, như việc một người giàu ăn một con gà với một người nghèo không có gà ăn thì lấy bình quân rằng mỗi người ăn nửa con gà là chưa chuẩn", ông Châu ví von.
Chủ tịch HoREA cho rằng, quy định diện tích được đề xuất là nhằm hạn chế tình trạng gia tăng nhập hộ khẩu cơ học vào thành phố. Tuy nhiên, số lượng người lao động tại các nhà máy, xí nghiệp, người nghèo tại TP Hồ Chí Minh lại rất lớn.