TP. HCM: Dự án cải thiện môi trường cán đích sau 14 năm, mang lại màu xanh cho nhiều con kênh
BÀI LIÊN QUAN
Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa: Sau hơn 30 năm khốn khổ vì dự án treo, người dân sắp thoát cảnh trồng lúa, nuôi heoHà Nội: Mặt bằng những dự án phía trong vành đai 2 sẽ có giá từ 140 triệu đồng/m2Thanh Hóa: Dự án du lịch sinh thái của T&T điều chỉnh lần thứ 4, nâng vốn lên hơn 11.000 tỷ đồngMới đây, Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM (chủ đầu tư) – ông Lương Minh Phúc thông tin, dự án cải thiện môi trường lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ (gọi tắt là dự án cải thiện môi trường TP. HCM) - giai đoạn 2 đã hoàn thành các gói thầu. Hiện các đơn vị đang chuẩn bị thủ tục bàn giao, dự kiến ngày 30/8 sẽ đưa vào khai thác.
Được biết, năm 2005 dự án cải thiện môi trường TP. HCM được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư xây dựng. Tới năm 2010, dự án bắt đầu triển khai và dự kiến sẽ hoàn thiện trong 4 năm. Tuy nhiên do vướng mắc một vài khó khăn, dự án liên tục bị lùi tiến độ.
Dự án cải thiện môi trường TP. HCM có tổng mức đầu tư 11.300 tỷ đồng. Trong đó, có 1.450 tỷ đồng là vốn đối ứng từ ngân sách thành phố và 9.850 tỷ đồng là vốn ODA. Dự án chia làm 2 gói thầu tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và 6 gói thầu xây lắp.
Lưu vực phục vụ của dự án rộng khoảng 2.530ha thuộc địa bàn 8 quận, huyện của TP. HCM. Bao gồm các quận: 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11 và huyện Bình Chánh với quy mô dân số khoảng 1,8 triệu người.
Dự án được đầu tư xây dựng với mục tiêu hoàn chỉnh hệ thống thoát nước mưa, giải quyết tình trạng ngập tại các điểm ngập trong lưu vực. Nạo vét, cải tạo tuyến kênh Tàu Hủ, kênh Ngang số 1, 2 và 3 và một phần kênh Hàng Bàng. Thu gom và xử lý nước thải trong lưu vực, nâng công suất trạm bơm và nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 1 từ 141.000m3/ngày lên thành 469.000m3/ngày ở giai đoạn 2.
Bên cạnh đó, dự án còn góp phần chỉnh trang đô thị, khôi phục mặt nước của một phần tuyến kênh Hàng Bàng, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống của người dân.
Ông Lương Minh Phúc cho biết thêm, sau 14 năm triển khai, dự án này đã góp phần biến vùng cù lao sình lầy, đầy lau sậy thành khu xử lý nước thải hiện đại, công suất xử lý nước thải lên tới 469.000m3/ngày đêm. Tính tới thời điểm hiện tại, đây là nhà máy có công suất xử lý lớn nhất ở nước ta.
Hiện nay, giai đoạn 3 của dự án cũng đang được TP. HCM lên kế hoạch đầu tư. Theo đó, để xử lý lượng thước thải của khu vực kênh Tẻ dọc Q.7, dự án sẽ tập trung nâng công suất xử lý nước thải của nhà máy Bình Hưng lên 512.000m3/ngày đêm.
Giai đoạn 3 dự kiến có tổng vốn đầu tư hơn 9.800 tỷ đồng. Phạm vi phục vụ có diện tích khoảng 1.600ha thuộc địa bàn Q.7, Q.8, huyện Nhà Bè với quy mô dân số 900.000 người.
Giai đoạn 3 sau khi hoàn thiện sẽ giúp nhà máy Bình Hưng thu gom xử lý toàn bộ nước thải sinh hoạt của lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ. Sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn, nước thải mới được xả ra môi trường.
Được biết, sau khi hoàn thành cả 3 giai đoạn, dự án cải thiện môi trường TP. HCM sẽ thu gom, xử lý triệt để toàn bộ lượng nước thải sinh hoạt trong toàn lưu vực, mang lại màu xanh cho các tuyến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ; cải thiện tình trạng ngập nước, chỉnh trang đô thị; nâng cao chất lượng sống cho khoảng 3,4 triệu dân trên địa bàn 9 quận, huyện của thành phố là quận: 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11 và huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè.