meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam muốn được “mở đường” xây nhà ở xã hội 

Thứ năm, 13/07/2023-13:07
Tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có đề cập tới việc “mở đường” cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được làm nhà ở xã hội cho công nhân, nội dung này đang nhận được sự quan tâm rất lớn. 

Tổng Liên đoàn mong muốn được quyết định chủ đầu tư dự án 

Theo Báo Đầu tư, mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng Liên đoàn) đã có buổi làm việc với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật Nhà ở sửa đổi) về thực tiễn thi hành Luật Nhà ở. 

Ông Ngọ Duy Hiếu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn cho biết những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện triển khai đầu tư nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn, công nhân, người lao động theo các cơ chế quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về quản lý phát triển nhà ở xã hội. 

Cụ thể, trong Nghị định có nội dung, địa phương giao đất cho doanh nghiệp thuộc Tổng Liên đoàn và các doanh nghiệp khác để đầu tư các dự án nhà ở để bán, cho thuê và cho thuê mua thuộc khu quy hoạch thiết chế công đoàn. Nhưng trong thực tế đến nay mới chỉ có 3 địa phương ban hành quyết định giao đất cho Tổng Liên đoàn để triển khai dự án thiết chế công đoàn. Nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm trễ trên là do, Tổng Liên đoàn không thuộc đối tượng giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê theo quy định của Luật Đất đai hiện hành. 


Buổi làm việc giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Buổi làm việc giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Trong Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vừa qua, việc “mở đường” cho Tổng Liên đoàn làm nhà ở xã hội đã được tính đến khi dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã quy định: “Tổng Liên đoàn  được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp mua, thuê, thuê mua”.

Dự thảo cũng đề cập đến vấn đề chủ thể đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân và các thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp của Tổng Liên đoàn. Dự thảo nêu rõ: “Tổng Liên đoàn chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản để đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân và các công trình phục vụ nhu cầu ở của công nhân”.

Ông Hiếu cho biết, hiện Tổng Liên đoàn có tham gia đầu tư nhà ở xã hội, là hoạt động có tính chất kinh tế nhưng không nhằm mục đích lợi nhuận, cũng không nhằm cạnh tranh với các doanh nghiệp bất động sản mà chỉ là phương thức hoạt động để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chăm lo cho người lao động. 

Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn thông tin nguồn tài chính là vấn đề đầu tiên khiến Ủy ban Pháp luật của Quốc hội lưu ý từ khi thẩm tra sơ bộ. Hiện nay vốn đầu tư nhà ở xã hội của Tổng Liên đoàn là từ nguồn tài chính công đoàn, điều này đã được Luật Công đoàn quy định ở khoản chi cho “tổ chức hoạt động chăm lo khác cho người lao động” và “các nhiệm vụ chi khác”. 


Khu Thiết chế công đoàn Hà Nam do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư.
Khu Thiết chế công đoàn Hà Nam do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư.

Từ những vấn đề nêu trên, Tổng Liên đoàn nêu nhiều kiến nghị liên quan đến việc sửa đổi Luật Nhà ở. 

Nổi bật là việc bổ sung các hình thức phát triển nhà ở xã hội, theo hướng: “Tổng Liên đoàn được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp mua, thuê, thuê mua. Đồng thời, xây dựng chế định có liên quan đến chủ thể đầu tư nhà ở xã hội là Tổng Liên đoàn". Đề nghị bổ sung quy định về chủ đầu tư nhà ở xã hội theo hướng, nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn của Tổng Liên đoàn hoặc ngân sách nhà nước cấp cho Tổng Liên đoàn thì Tổng Liên đoàn sẽ được quyết định chủ đầu tư dự án. 

Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn đề nghị bổ sung thêm quy định các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp sẽ được thuê nhà ở xã hội để bố trí cho công nhân của doanh nghiệp đó ở. Tổng Liên đoàn cũng kiến nghị bổ sung quy định các loại nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo hướng nhà ở công nhân do Tổng Liên đoàn đầu tư bằng nguồn vốn tài chính công đoàn, vốn ngân sách nhà nước theo quy định.

Không những vậy, Tổng Liên đoàn cũng đề nghị sửa đổi đồng bộ Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai để cho phép Tổng Liên đoàn được kinh doanh bất động sản gồm nhà ở xã hội, nhà lưu trú và được giao đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê, thuê mua và nhà lưu trú. 


Một khu nhà ở cho công nhân tại tỉnh Bình Dương.
Một khu nhà ở cho công nhân tại tỉnh Bình Dương.

Chủ yếu phát triển nhà ở thuê và thuê mua 

Tại buổi làm việc, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đồng Ngọc Ba cho rằng, Dự thảo Luật Nhà ở cần được xây dựng theo hướng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân chỉ để thuê và thuê mua, đặc biệt là các dự án do Nhà nước đầu tư. Do đó, việc hạn chế sở hữu nhà ở xã hội sẽ tránh được tình trạng đối tượng không phù hợp nhưng vẫn được hưởng chính sách mua nhà ở xã hội. 

“Nếu dự thảo cho phép Tổng Liên đoàn được tham gia phát triển nhà ở xã hội, cần nghiên cứu theo hướng phát triển nhà ở thuê và thuê mua là chủ yếu, đảm bảo tính bền vững”, ông Đồng Ngọc Ba nêu ý kiến.

Theo vị đại biểu, cần phân biệt rõ ràng nhà ở xã hội dành cho gia đình và mô hình nhà ký túc xá công nhân chỉ dành cho công nhân làm việc tại các doanh nghiệp được ở. Ông Ba nói: “Cách đầu tư, quản lý không gian sống, các thiết chế đi kèm cần phân định rõ. Dự thảo có thể nghiên cứu theo hướng cho Tổng Liên đoàn được xây ký túc xá cho công nhân để thuê và thuê mua".


Khu nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh.
Khu nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng nêu rõ, việc chăm lo nhà ở cho công nhân là chức năng rất quan trọng của công đoàn, phục vụ quyền lợi ích chính đáng của người lao động.

Mặc dù vậy, theo Luật Kinh doanh bất động sản quy định chủ thể phải có chức năng kinh doanh mới có thể bán, cho thuê và thuê mua nhà ở. Trong khi đó, theo Luật Đất đai, Tổng Liên đoàn cũng không phải là tổ chức kinh tế nên không được giao đất để đầu tư dự án nhà ở. Do đó để Tổng Liên đoàn tham gia vào lĩnh vực này là khó do vướng các quy định luật hiện hành. 

Do đó, ông Tùng cho rằng cần làm rõ hơn cơ sở chính trị của việc Tổng Liên đoàn thực hiện nhiệm vụ này. Vấn đề này được các lãnh đạo Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội rất quan tâm. “Phải bám sát quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, các văn bản, kết luận liên quan, sau đó là cơ sở  pháp lý và thực tiễn triển khai liên quan đến pháp lý để sửa đổi”, ông Tùng đề nghị.

Có thể thấy, việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được xây dựng nhà ở xã hội vẫn còn phải chờ thêm sau quyết định cuối cùng của Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu (tháng 10/2023) khi sửa đổi 3 luật Đất đai, Kinh doanh bất động sản, Nhà ở được hoàn tất. 

Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Khó hiện thực hóa mục tiêu xây 100.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2025

Chủ tịch TP. Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm lô "đất vàng" 94 Lò Đúc

TP.HCM chốt tỷ lệ % tính tiền thuê đất: Doanh nghiệp "chóng mặt" với chi phí

Bộ Tài chính nghiên cứu đánh thuế sở hữu nhiều nhà đất: Tránh tạo cú sốc cho thị trường

Ngân hàng “ép” khách mua bảo hiểm: Đã bị chấn chỉnh nhưng vẫn khó dẹp bỏ

Cần xử lý hành vi thao túng giá đất như đối với thị trường chứng khoán

Vụ 30 tỷ đồng/m2 đất tại Sóc Sơn: Công an điều tra dấu hiệu gây rối trật tự

TP. HCM: 6 khu "đất vàng" bị bỏ hoang tại Q. 1 được đề xuất làm bãi giữ xe

Tin mới cập nhật

Hà Nội triển khai 7 dự án giải phóng mặt bằng các khu nhà gỗ tại quận trung tâm

16 giờ trước

Khó hiện thực hóa mục tiêu xây 100.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2025

16 giờ trước

Nhà vườn rủ nhau bán hoa Tết online: Tiết kiệm, hiệu quả và chủ động đầu ra

16 giờ trước

Lượng nhà đầu tư “lướt sóng” trong năm 2024 tăng gấp 6 lần 2023

16 giờ trước

Lời đề nghị 1 tỷ USD của Apple không đủ để gỡ bỏ lệnh cấm bán iPhone 16 tại Indonesia

16 giờ trước