Thu hút FDI: Bắc Ninh dẫn đầu cả nước
BÀI LIÊN QUAN
250 tỷ USD vốn hóa "bốc hơi", Nga đưa ra những biện pháp nào để cứu thị trường chứng khoán?Vốn hóa Facebook bị thổi bay 250 tỷ USD: Mảng kinh doanh hái ra tiền bỗng gặp vật cản chưa từng cóDòng vốn FDI trị giá tỷ USD “cập bến” 5 tỉnh, thành phố của Việt NamThêm gần 5 tỷ USD vốn FDI
Theo Cục đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/2/2022, có tổng số gần 5 tỷ USD vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp cổ phần mua phần vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài. Con số này bằng 91,5% so với cùng kỳ của năm ngoái. Trong đó,vốn thực hiện của các dự án FDI đạt 2,68 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Hiện còn 34.700 dự án có hiệu lực với tổng số vốn đăng ký là 418,8 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế đạt gần 254,3 tỷ USD, tương đương 60,7% tổng vốn. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã giải ngân được 2,7 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ 2021.
Tháng 2/2022 đã ghi nhận xuất khẩu của khối đầu tư nước ngoài có sự tăng tốc trở lại so với tháng 1. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 41,9 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ 2021 và chiếm 73,1% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nếu không tính dầu thô, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 41,6 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ 2021 và chiếm 72,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Về nhập khẩu, khối các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã nhập khẩu 38 tỷ USD trong tháng 2, tăng 20,2% so với cùng kỳ 2021 và chiếm 66,7% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước trong tháng 2.
Như vậy, 2 tháng đầu năm, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã xuất siêu hơn 3,9 tỷ USD (bao gồm dầu thô), 3,6 tỷ USD nếu không bao gồm dầu thô. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp trong nước nhập siêu hơn 3,5 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm.
Bắc Ninh thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI
Trong 2 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 39 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, Bắc Ninh thu hút tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới hơn 1,3 tỷ USD, dẫn đầu cả nước. Con số này của Bắc Ninh chiếm tới 26,5% tổng vốn đăng ký đầu tư của cả nước và gấp 7,6 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Tỉnh Thái Nguyên cũng có đóng góp lớn khi chiếm 18% tổng vốn đăng ký đầu tư với 924 triệu USD. Đây là nguồn vốn có được từ việc điều chỉnh vốn của hai dự án quy mô lớn tại tỉnh này. Các tỉnh, thành xếp theo sau là Hà Nội, Nghệ An và Long An.
Xét về tổng lượng dự án mới, các nhà đầu tư vẫn tập trung vào các tỉnh, thành quen thuộc như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh. Trong đó, TP Hồ Chí Minh chiếm 38,5% dự án mới, dẫn đầu cả nước.
Singapore đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất
Tính tới 20/2/2022, có tổng cộng 183 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 631 triệu USD. Như vậy, số lượng dự án đăng ký mới tăng 45,2% so với cùng kỳ nhưng tổng vốn giảm 80,9%.
Vốn điều chỉnh có 142 dự án với tổng vốn đăng ký thêm là 3,6 tỷ USD, tăng 23,5% về số dự án và gấp 2,2 lần so với cùng kỳ 2021 về số vốn đăng ký thêm.
Trong tháng 2 cũng ghi nhận thêm 400 lượt góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn góp 769 tỷ USD, giảm 10,1% về số lượng và tăng 41,7% về số vốn.
Xét theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư 17 ngành kinh tế. Dẫn đầu là công nghiệp chế biến, chế tạo với 3,1 tỷ USD, chiếm tới 62,7% tổng số vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 1,5 tỷ USD, chiếm 30,4%. Các ngành khác như: khoa học công nghệ, sản xuất và phân phối điện có tổng vốn đầu tư từ vài chục cho tới trên 100 triệu USD. Các dự án đầu tư về buôn bán lẻ chiếm số lượng nhiều nhất với 28,4% số lượng các dự án đăng ký đầu tư.
Trong số 51 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào nước ta trong 2 tháng qua, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 1,7 tỷ USD, chiếm 34,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 59,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Các vị trí tiếp theo là: Hàn Quốc (1,4 tỷ USD, chiếm 28,2%); Trung Quốc (538 tỷ USD, chiếm 15,3%). Hai quốc gia này có tổng vốn đầu tư giảm so với cùng kỳ 2021. Các quốc gia khác đầu tư vào Việt Nam có thể kể đến như: Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ, Hồng Kông (Trung Quốc). Hàn Quốc là quốc gia có nhiều dự án đầu tư vào Việt Nam nhất trong tháng 1 cũng như mở rộng đầu tư các dự án trước đó, góp vốn mua cổ phần.
Các dự án đầu tư lớn trong thời gian qua tập trung ở hai địa phương là Bắc Ninh và Thái Nguyên. Trong đó, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị Vsip Bắc Ninh của nhà đầu tư Singapore có vốn đầu tư điều chỉnh tăng thêm gần 1 tỷ USD được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hồi tháng 1/2022. Tiếp theo là dự án của Samsung Việt Nam được điều chỉnh vốn thêm 920 triệu USD, được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào tháng 2/2022. Bên cạnh đó còn có dự án chế tạo thiết bị điện tử của Hồng Kông với mức vốn 306 triệu USD được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào tháng 2/2022. Ngoài ra, còn một số dự án khác có vốn đầu tư lớn tại các tỉnh, thành như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hải Phòng, Đồng Nai…
Như vậy có thể thấy tình hình đầu tư nước ngoài trong 2 tháng đầu năm đã có xu hướng tích cực khi tăng 7,2% so với cùng kỳ 2021 và tăng so với tháng 1 là 0,4 điểm phần trăm. Điều này có được là do Chính phủ đã triển khai các giải pháp đồng bộ, có hiệu quả để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nhằm giảm thiểu thiệt hại, duy trì cũng như mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam cũng được củng cố khi vốn điều chỉnh, cũng như góp vốn mua cổ phần có xu hướng tăng, số lượng dự án đầu tư mới cũng tăng cao, ở mức 45,2% mặc dù không có nhiều dự án “khủng”. Hiện nay có 34.700 dự án còn hiệu lực đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt trên 418 tỷ USD, Các nhà đầu tư cũng đã thực hiện được 254 tỷ USD.
Hiện có tới 140 quốc gia, vùng lãnh thổ đã có dự án đầu tư tại Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng “đứng chân” trên tất cả 63 tỉnh, thành. Đồng thời 19/21 ngành kinh tế quốc dân đã có sự đầu tư của nước ngoài. Trong đó một số ngành nổi bật, thu hút FDI như: công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản, linh kiện, điện tử.