Threads bị coi là một dự án “phiêu lưu” khác của Zuckerberg, phản ánh tầm nhìn viển vông của ông chủ Meta
BÀI LIÊN QUAN
Threads gây “sốc” khi đạt 100 triệu người dùng chỉ sau 5 ngày, phá vỡ kỷ lục của cả ChatGPT và TikTokBước đi đột phá của Meta: Liệu Threads sẽ viết tiếp giấc mơ còn dang dở của Mark Zuckerberg?Nỗi khổ của Twitter: Sa thải 80% nhân sự Twitter để rồi chính họ lại giúp đối thủ tạo nên “bản sao” ThreadsTheo Doanh nghiệp & Kinh doanh, chỉ sau 5 ngày ra mắt, ứng dụng Threads của Meta đã thu hút được 100 triệu người dùng. Con số ấn tượng này phá kỷ lục của mọi ứng dụng “hot” khác, đặc biệt vượt qua cả ChatGPT để trở thành ứng dụng phát triển nhanh nhất trong lịch sử.
Sau màn ra mắt của Threads, rất nhiều bình luận tỏ ra hào hứng với ứng dụng này và không quên đặt ra câu hỏi rằng Twitter liệu có bị bỏ lại phía sau hay không. Thế nhưng, biên tập viên tờ Bloomberg cho biết hai dịch vụ này có thể sẽ trở nên không còn phù hợp theo thời gian vì tầm nhìn liên tục thay đổi của những người đứng đầu.
Những nhận xét ban đầu về Threads đều không tốt. Vì nội dung bị kiểm chặt sát sao, nghiêm cấm những phát ngôn chính trị, troll và châm biếm nên ứng dụng này bị xem là nhàm chán. Đó là thế mạnh đã giúp Twitter đi đến thành công trong nhiều năm.
Mặc dù sở hữu số lượng thành viên lớn - 100 triệu người dùng, song Threads không ghi nhận nhiều người trong số đó hoạt động. Điều này tiếp tục xảy ra có thể khiến Threads trở thành một dự án phiêu lưu khác (ngoài metaverse) của người sáng lập Meta Platforms, Mark Zuckerberg. Tờ New York Time đưa ra một lý do rằng ông chủ Meta hay thay đổi và có tính cách nhất thời.
Trên thực tế, tầm nhìn của Zuckerberg đã dẫn Meta chạy theo một con đường ngoằn ngoèo chỉ vì những sở thích riêng của ông. Vào năm 2021, công ty đã chuyển sang tập trung vào thực tế ảo và hiện tại - 2 năm sau, họ lại quay về với truyền thông xã hội khi cho ra mắt ứng dụng Threads.
Niềm khao khát theo đuổi sự hào nhoáng của Mark Zuckerberg dường như không quá khác biệt so với tỉ phú Elon Musk. Ở đây, điều may mắn là bản thân Facebook đã được khởi đầu giống như một dự án sinh viên ở Harvard. Zuckerberg không cần mẫn học lấy bằng, thay vào đó thâu đêm suốt sáng để viết code, nhằm biến Facebook trở thành một mạng xã hội nổi tiếng, lớn nhất toàn cầu.
Thế nhưng, sự tham gia của Zuckerberg vào Facebook đã giảm dần khi vị tỉ phú dịch chuyển mối quan tâm của mình sang những nỗ lực khác nhau như phát triển vũ trụ ảo, tiền điện tử… Mark Zuckerberg đã mải mê chinh phục hàng loạt kỹ năng trong cuộc sống cá nhân của mình, từ làm thợ săn, đam mê lái tàu ngầm, học tiếng Quan thoại tới võ sĩ đối kháng…
Cách đây 4 năm, Mark Zuckerberg đã đề ra mục tiêu hợp lý hơn khi mong muốn xử lý tình trạng lạm dụng nền tảng Facebook của người dùng. Thế nhưng, đến năm 2020, ông đã bỏ cuộc. Sau đó, Zuckerberg đưa ra tuyên bố đã đến thời điểm cần làm cái gì khác biệt. Và rồi, khi đại dịch Covid 19 bùng phát và lan nhanh, ông chủ Meta đã lui về căn nhà ở Hawaii của mình.
Đến đầu năm 2022, Mark Zuckerberg phải đối mặt với một đòn giáng nặng nề vào uy tín từ những cáo buộc liên quan đến tác hại của mạng xã hội đang xuất hiện triền miên. Sau đó là bước đi của Apple trong việc siết chặt chính sách quyền riêng tư trên iPhone khiến doanh thu Facebook mất đi hàng tỷ đô la.
Một minh chứng khác là dự án vũ trụ ảo metaverse. Lúc đầu, Mark Zuckerberg đã cho thấy bản thân tham gia khá nhiệt tình khi đăng video ông đang đeo kính thực tế ảo hay thử găng tay xúc giác và giao diện thần kinh. Đó là những thứ trong khoa học viễn tưởng. Sau đó, ông đã đổi tên công ty từ Facebook thành Meta, nhấn mạnh sự tập trung vào metaverse. Đó là một thế giới ảo mà ở đó, mọi người có thể tương tác với nhau ở dạng hình đại diện 3D.
Thế nhưng, sự nhiệt thành ban đầu của Mark Zuckerberg đã nhạt dần qua thời gian. Nhiều người tiêu dùng không muốn bỏ ra một khoản tiền lớn để sở hữu kính thực tế ảo của Meta và doanh nghiệp cũng như vậy. Những nỗ lực của Mark Zuckerberg sau đó đã hứng chịu nhiều chỉ trích từ truyền thông công nghệ.
Vũ trụ ảo metaverse đã tiêu tốn hơn 10 tỷ USD của Facebook và có rất ít tín hiệu về khả năng thu hút người dùng. Ván cược tối ưu nhất của Mark Zuckerberg là việc Apple tham gia vào mảng kính thực tế ảo sẽ giúp Meta có thể thu hút sự chú ý nhiều hơn. Và rồi trong lúc chờ đợi kết quả, ứng dụng Threads đã gây bão.
Trên mạng xã hội Instagram, bức ảnh đeo kính thực tế ảo của Mark Zuckerberg đã bị gỡ xuống, và thay vào đó là ảnh chụp màn hình Threads và ảnh tập võ của ông chủ Meta. Chắc chắn đó đang là những vấn đề cấp thiết hơn mà Mark Zuckerberg cần phải duy trì sự tập trung. Thế nhưng, không ai, kể cả hội đồng quản trị có khả năng đánh bật được vị trí CEO hay chủ tịch Meta của ông bởi ông là người có thể kiểm soát quyền biểu quyết trong công ty.
Lịch sử có thể sẽ nhìn lại những bước đi sai lầm của Elon Musk hay Mark Zuckerberg, những ông trùm công nghệ với tầm nhìn viển vông hay bị cuốn vào các trào lưu nhất thời. Thay vì bắt đầu một dự án mới như Threads, Mark Zuckerberg nên trở lại với mục tiêu đặt ra vào năm 2019 về việc biến Facebook trở thành một nơi hấp dẫn hơn, an toàn hơn để kết nối và kinh doanh.
Về ứng dụng Threads tại Việt Nam, nền tảng mới này đã đứng đầu bảng xếp hạng ứng dụng được tải về nhiều nhất trên kho App Store. Điều này đạt được là nhờ việc người dùng Instagram hay Facebook đều có thể đăng nhập vào Threads mà không cần phải tạo tài khoản mới hoàn toàn.
Trong một bài đăng trên Threads, Mark Zuckerberg cho biết đó là một khởi đầu tốt như kỳ vọng.
Việc Threads xuất hiện đã hiện thực hóa ý tưởng tìm ra mạng xã hội thay thế cho Twitter. Twitter đã và đang hứng chịu nhiều chỉ trích, khiến người dùng khó chịu vì những thay đổi kể từ khi tỉ phú Elon Musk mua lại mạng xã hội này vào năm ngoái.