Thông tin chi tiết về nội dung của Luật Đất đai sửa đổi qua các năm
BÀI LIÊN QUAN
Nắm rõ quy định pháp luật về đền bù đất đai hiện nayThông tin chi tiết về nội dung của Luật Đất đai sửa đổi qua các nămLuật Đất đai sửa đổi năm 1993
Văn bản điều chỉnh lĩnh vực đất đai đầu tiên tại Việt Nam là Luật Đất đai năm 1987. Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 1987 ra đời tại thời kỳ những năm đầu tiên Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới, do vậy về mặt nội dung Luật vẫn còn mang nặng bản chất của chế độ cũ, nhiều điểm quan trọng trong lĩnh vực đất đai chưa thể điều chỉnh triệt để, hoặc chưa thỏa đáng. Trước tình hình đó, Luật Đất đai sửa đổi năm 1993 được nghiên cứu thực hiện nhằm thay thế cho Luật Đất đai năm 1987.
Sự ra đời của Luật Đất đai sửa đổi năm 1993 đã đánh dấu những thay đổi mới trong nội dung, quy định về các quan hệ pháp luật trong lĩnh vực đất đai. Cụ thể như:
Nếu Luật Đất đai năm 1987 chỉ có 6 chương quy định lần lượt về: Những quy định chung được áp dụng (gồm 08 điều); Chế độ quản lý đất đai (bao gồm 14 điều khoản); Quy định của pháp luật về chế độ sử dụng các loại đất (phân chia thành 27 điều); Tổng hợp những quy định về chế độ sử dụng đất đối với các cá nhân, tổ chức quốc tế, liên doanh và nước ngoài (gồm 2 điều); Những quy định về khen thưởng và kỷ luật (chia thành 4 điều khoản); Điều khoản cuối cùng của bộ luật (gồm 02 điều) thì Luật Đất đai sửa đổi năm 1993 có 7 Chương với nội dung lần lượt quy định về: Những quy định chung, bao gồm 12 Điều luật; Quản lý Nhà nước về Đất đai bao gồm 29 Điều luật; Chế độ sử dụng các loại đất bao, gồm 31 Điều luật; Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, bao gồm 07 Điều luật; Tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế, thuê đất của Việt Nam, bao gồm 04 Điều luật; Xử lý vi phạm, bao gồm 03 Điều luật; Điều khoản thi hành, bao gồm 02 Điều luật.
Luật Đất đai sửa đổi năm 1993 có sự tiến bộ vượt bậc khi dành sự quan tâm đến quyền lợi của người sử dụng đất như việc người sử dụng đất sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất được giao; Được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật; Hưởng các lợi ích do công trình công cộng về bảo vệ, cải tạo đất mang lại; Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo và bồi bổ đất; Được Nhà nước bảo vệ khi bị người khác xâm phạm đến quyền sử dụng đất hợp pháp của mình; được bồi thường thiệt hại về đất khi bị thu hồi và cuối cùng là được quyền góp đất để hợp tác sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật phù hợp với mục đích khi giao.
Trong khi Luật Đất đai năm 1993 chưa có nhiều quy định chi tiết về xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai thì Luật Đất đai sửa đổi năm 1993 đã quy định khá rõ ràng về nội dung xử lý vi phạm như các quy định: Người nào lấn chiếm đất, huỷ hoại đất, chuyển quyền sử dụng đất trái phép hoặc có hành vi khác vi phạm pháp luật đất đai thì tuỳ theo mức độ nhẹ hoặc nặng mà xem xét bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc vượt quá quyền hạn giao đất, thu hồi đất, cho phép chuyển quyền, chuyển mục đích sử dụng đất trái với quy định của pháp luật, bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật đất đai, quyết định xử lý trái pháp luật hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai, quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất thì tuỳ theo mức độ nhẹ hoặc nặng sẽ có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật Đất đai sửa đổi năm 1998
Luật Đất đai sửa đổi năm 1998 thực chất vẫn có sự kế thừa các nội dung quan trọng của Luật Đất đai năm 1993. Tuy nhiên, Luật cũng có nhiều nội dung được chỉnh lý nhằm hoàn thiện hơn như sửa đổi, bổ sung Điều 1 của Luật Đất đai năm 1993 như sau: "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý. Nhà nước giao đất cho các tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội (gọi chung là tổ chức), hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài dưới hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất và giao đất có thu tiền sử dụng đất. Nhà nước còn cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê đất. Tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, nhận quyền sử dụng đất từ người khác trong Luật này gọi chung là người sử dụng đất. Nhà nước cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê đất.".
Bên cạnh đó, về các trường hợp giao đất không thu tiền thì Luật Đất đai sửa đổi năm 1998 cũng sửa đổi, bổ sung Điều 22 Luật Đất đai năm 1993 như sau:
"Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:
1. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp lao động nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối mà nguồn sống chủ yếu là thu nhập có được từ các hoạt động sản xuất đó, được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận, sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối trong hạn mức đất được Nhà nước giao.
Hộ gia đình đang sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức trước ngày Luật này có hiệu lực, thì được tiếp tục sử dụng diện tích đất vượt hạn mức theo thời hạn bằng một phần hai thời hạn giao đất và phải nộp thuế bổ sung đối với diện tích đất đó theo quy định của pháp luật; sau thời hạn này thì phải chuyển sang thuê đất. Đối với diện tích đất vượt hạn mức có sau ngày Luật này có hiệu lực, thì người sử dụng đất đó phải thuê đất;
2. Tổ chức sử dụng đất để trồng và bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng;
3. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng đất để xây dựng trụ sở làm việc, sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh;
4. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng đất để xây dựng các công trình thuộc các ngành và lĩnh vực sự nghiệp về kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học, kỹ thuật, ngoại giao;
5. Tổ chức sử dụng đất vào mục đích công cộng để xây dựng đường giao thông, cầu, cống, vỉa hè, hệ thống cấp, thoát nước, sông, hồ, đê, đập, trường học, bệnh viện, chợ, công viên, vườn hoa, khu vui chơi cho trẻ em, quảng trường, sân vận động, sân bay, bến cảng và các công trình công cộng khác theo quy định của Chính phủ.".
Luật Đất đai sửa đổi năm 1998 cũng quy định về hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất mà đã trả tiền thuê đất cho cả thời gian thuê có các quyền: Thế chấp giá trị quyền sử dụng đất thuê và tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê trong thời hạn thuê tại tổ chức tín dụng Việt Nam để vay vốn sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật; Chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê cùng với tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê, để thừa kế quyền sử dụng đất thuê trong thời hạn thuê theo quy định của pháp luật. Người nhận chuyển nhượng, người được thừa kế quyền sử dụng đất thuê có các quyền quy định tại khoản này; Góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất thuê cùng với tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê trong thời hạn thuê để hợp tác sản xuất, kinh doanh với tổ chức, cá nhân trong nước theo quy định của pháp luật; Cho thuê lại quyền sử dụng đất trong thời hạn thuê đất. Việc cho thuê lại chỉ được thực hiện khi đất đó đã được đầu tư theo dự án hoặc theo đơn xin thuê đất và người thuê lại phải sử dụng đất đúng mục đích.
Luật Đất đai sửa đổi năm 2003
Luật Đất đai sửa đổi năm 2003 cũng gồm 7 chương, song gia tăng về số Điều luật lên đến 146 Điều, đặc biệt là không có đoạn mở đầu và không có chương quy định riêng về quy định đất đai cho người nước ngoài như Luật đất đai năm 1993.
Nội dung quản lý nhà nước về đất đai được bổ sung đầy đủ bao gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất; Thu hồi đất, bồi thường, tái định cư cho người có đất bị thu hồi; Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Quản lý tài chính về đất đai.
Tại Luật Đất đai sửa đổi năm năm 2003, thời hạn sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất cũng được quy định cụ thể hơn Luật Đất đai năm 1998 như sau:
“a) Trường hợp chuyển đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang sử dụng vào mục đích khác thì thời hạn được xác định theo thời hạn của loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng. Thời hạn sử dụng đất được tính từ thời điểm được chuyển mục đích sử dụng đất;
b) Trường hợp chuyển đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối sang trồng rừng phòng hộ, trồng rừng đặc dụng thì hộ gia đình, cá nhân được sử dụng đất ổn định lâu dài;
c) Trường hợp chuyển mục đích sử dụng giữa các loại đất bao gồm đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối thì hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất được tiếp tục sử dụng đất đó theo thời hạn đã được giao, cho thuê.
Khi hết thời hạn, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất được Nhà nước tiếp tục giao đất, cho thuê đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và việc sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt;
d) Trường hợp chuyển đất nông nghiệp sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp thì thời hạn sử dụng đất được xác định theo thời hạn của loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng. Thời hạn sử dụng đất được tính từ thời điểm được chuyển mục đích sử dụng đất;
đ) Trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ đất phi nông nghiệp sử dụng ổn định lâu dài sang đất phi nông nghiệp sử dụng có thời hạn hoặc từ đất phi nông nghiệp sử dụng có thời hạn sang đất phi nông nghiệp sử dụng ổn định lâu dài thì hộ gia đình, cá nhân được sử dụng đất ổn định lâu dài.”.
Luật Đất đai sửa đổi năm 2013
So với Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 đã quy định cụ thể hóa các quyền lợi và nghĩa vụ của Nhà nước đối với người sử dụng đất như các quy định về những bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất; trách nhiệm của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người trực tiếp sản xuất nông nghiệp; trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp thông tin đất đai cho người dân. Luật Đất đai sửa đổi cũng quy định rõ nguyên tắc định giá đất phải theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá, theo thời hạn sử dụng đất.
Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 cũng có sự nghiên cứu, bổ sung quy định về các trường hợp đăng ký lần đầu, đăng ký biến động, đăng ký đất đai trên mạng; bổ sung quy định trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của nhiều người thì cấp mỗi người một giấy chứng nhận, hoặc cấp chung một sổ đỏ và trao cho người đại diện. Các trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 cũng quy định những điều kiện để có thể cấp giấy chứng nhận.
Không những vậy, Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 đã mạnh tay quy định chế tài mạnh xử lý vi phạm như đối với trường hợp không đưa đất đã được giao, cho thuê vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng; quy định đầy đủ, rõ ràng về những trường hợp thật cần thiết mà Nhà nước phải thu hồi; quy định giá đất bồi thường không áp dụng theo bảng giá đất mà áp dụng giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất. Công tác quản lý đất đai được chú trọng khi Luật bổ sung các quy định về công tác giám sát, đánh giá và theo dõi về việc quản lý và sử dụng đất đai. Theo đó, công dân có quyền tự mình hoặc thông qua các tổ chức đại diện thực hiện quyền giám sát và phản ánh các sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai. Hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai được công khai để các tổ chức, cá nhân tìm hiểu thông tin theo quy định của pháp luật dễ dàng và nhanh chóng.
Sự minh bạch, công khai trong công tác quản lý, sử dụng đất cũng được Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 chú trọng, cụ thể như có những quy định về việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng được quy định chi tiết đến từng giai đoạn như căn cứ lập quy hoạch, trách nhiệm của cơ quan tổ chức, thẩm quyền thẩm định quy hoạch, thẩm quyền quyết định - điều chỉnh quy hoạch, tư vấn lập quy hoạch, công bố công khai, thực hiện và báo cáo thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hay luật cũng quy định về việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở cấp quốc gia và cấp tỉnh được thực hiện thông qua hình thức công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được thực hiện thông qua hình thức tổ chức hội nghị, lấy ý kiến trực tiếp và công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Có thể thấy rằng, việc ban hành Luật Đất đai sửa đổi qua các năm là việc làm hết sức đúng đắn và kịp thời của Nhà nước ta, từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý và sử dụng đất trên cả nước. Trong thời gian tới, việc tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý những điểm còn hạn chế là điều cần thiết để tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý áp dụng cho lĩnh vực đất đai.