Thị trường chứng khoán hôm nay 3/3: "Anh cả" ngành thép HPG tăng kịch trần, VN-Index bất ngờ vượt mốc 1500 điểm
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán hôm nay 2/3: Cổ phiếu ngân hàng lao dốc, VN-Index đánh mất hơn 13 điểmThị trường chứng khoán hôm nay 1/3: Cổ phiếu bất động sản "chiếm sóng", VN-Index quay lại sát 1.500 điểmThị trường chứng khoán hôm nay 28/2: VN-Index mất gần 9 điểm phiên đầu tuần, cổ phiếu thép, phân bón và than nổi sóng lớnVN-Index tái lập mốc 1.500 điểm
Sự đồng khởi của nhóm cổ phiếu ngân hàng là điểm sáng giúp VN-Index lấy lại mốc 1.500 điểm trong phiên giao dịch hôm nay 3/3 sau phiên chỉnh mạnh trước đó. Đặc biệt sau một thời gian điều chỉnh sâu, nhóm thép trở thành tâm điểm thu hút dòng tiền khi đồng loạt "xanh tím".
Cụ thể, VN-Index ngay khi mở cửa đã lấy được sắc xanh và ngày càng mở rộng đà đi lên để vượt qua ngưỡng cản cứng 1.500 điểm. Chỉ số đóng cửa tăng 19,48 điểm (1,31%) lên tròn 1.505 điểm.
Tương tự trên các sàn Hà Nội khi HNX-Index tăng mạnh 7,06 điểm (1,6%) đạt 449,31 điểm. UPCoM-Index tăng 1,39 điểm (1,24%) lên 113,19 điểm.
Toàn thị trường tràn ngập trong sắc xanh khi có đến 758 mã tăng giá (trong đó có 78 mã tăng trần) và chỉ 280 mã giảm giá.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có vai trò chính trong việc dẫn dắt chỉ số đi lên. Riêng rổ VN30 tăng 23,88 điểm (1,59%) với 24/30 mã tăng giá.
"Anh cả" ngành thép HPG tăng kịch trần, lập kỷ lục khớp lệnh hơn 76,2 triệu cổ phiếu trong 1 phiên giao dịch
Thị trường đột ngột mạnh lên đáng kể trong phiên chiều dưới lực cầu gia tăng ở nhóm blue-chips. Trong đó, HPG tăng vọt lên giá trần làm niềm cảm hứng lớn, ngay cả nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đồng loạt quay đầu tăng trở lại.
Theo đó, chốt phiên 3/3, thị giá HPG sau hai phiên điều chỉnh đã bất ngờ "bốc đầu" tăng kịch trần 6,8% lên mức 50.100 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, đi kèm với thị giá tăng mạnh, cổ phiếu HPG cũng đã lập kỷ lục về thanh khoản khi khớp lệnh hơn 76,2 triệu cổ phiếu, cao kỷ lục từ khi niêm yết tới nay. Không những vậy, thanh khoản HPG còn chiếm tới hơn 12% thanh khoản sàn HoSE.
Với HPG, riêng trong 2 tháng đầu năm 2022, thép xây dựng Hòa Phát đã đạt 828.000 tấn, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ 2021. Trong đó lượng thép xây dựng xuất khẩu đã giao hàng đạt 174.000 tấn, gấp 2,6 lần cùng kỳ với các thị trường chính gồm Singapore, Hồng Kông, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia…
Với thị trường có nhiều tín hiệu khả quan, dự kiến sản lượng bán hàng thép xây dựng thành phẩm của Hòa Phát năm 2022 sẽ tăng trưởng trên 20% so với 2021.
Về diễn biến giá, định giá cổ phiếu HPG sau những nhịp chỉnh sâu trong nửa sau của năm 2021 đã giảm về mức hấp dẫn, từ đó khả năng cao sẽ thu hút được dòng tiền của nhà đầu tư.
Các cổ phiếu khác trong nhóm thép như POM cũng tăng trần, NKG, HSG tăng sát giá trần. TVN, BVG tăng trên 6%, TLH, NSH đồng loạt tăng giá. Thanh khoản cổ phiếu thép tiếp tục giữ ở mức cao. Chỉ trong tuần qua, nhiều mã ngành thép tăng giá 10 – 20% khi thép Việt Nam được cho là sẽ hưởng lợi tại EU.
Ngoài ra còn một số cổ phiếu trụ khác cũng có vai trò đáng kể như VPB của VPBank, GVR của Tập đoàn Cao su hay NVL của Novaland. Ở phía ngược lại thì lực kéo lùi không đáng kể của các cổ phiếu SAB, VJC và LGC.
Cổ phiếu ngành than phần lớn kết phiên trong sắc tím như HLC, THT, MDC, NBC, TVD, TDN... Giá than tương lai tại Australia hôm qua vọt lên 400 USD/tấn, tăng 33% trong một ngày và tăng gấp đôi so với đầu năm.
Nhiều cổ phiếu sản xuất đường và sản phẩm từ đường cũng tăng hết biên độ như SBT, LSS, KTS... Cổ phiếu hóa chất DGC tăng trần. Cổ phiếu xuất khẩu gạo như TAR tăng 6,3%. Cổ phiếu ngành tôm như CMX, THP tăng trên 5%...
Cổ phiếu dầu khí tiếp tục giai đoạn thăng hoa khi giá dầu lập đỉnh. Các mã ASP, PVC, CNG, PXT, PXI... đã tăng hết biên độ. Giá dầu Brent tăng 3,91% lên 117,34 USD/thùng, WTI tăng 3,07% lên 114 USD/thùng.
Khối ngoại trở lại mua ròng 580 tỷ đồng, tập trung "gom" nhóm phân bón, hoá chất
Giao dịch khối ngoại cũng khá tích cực khi họ mua ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị 580 tỷ đồng, lực mua tập trung vào các cổ phiếu như DGC, DCM, STB, HPG, NLG…
Trên HoSE, khối ngoại phiên hôm nay trở lại mua ròng gần 11 triệu cổ phiếu, giá trị mua ròng ghi nhận gần 540 tỷ đồng.
Tại chiều mua, DGC và DCM hôm nay được khối ngoại mua ròng lần lượt 87 tỷ đồng và 67 tỷ đồng. Ngoài ra, danh sách mua ròng còn có HPG (64 tỷ đồng), STB (63 tỷ đồng), KBC (55 tỷ đồng).
Ngược lại, cổ phiếu YEG hôm nay là cổ phiếu chịu áp lực bán ròng mạnh nhất của khối ngoại bán ròng với giá trị 42 tỷ đồng. Xếp tiếp theo danh sách bán ròng còn có VIC (39 tỷ đồng), PVT (33 tỷ đồng), VNM (21 tỷ đồng).
Trên HNX, khối ngoại mua ròng hơn 247 nghìn cổ phiếu, giá trị mua ròng hơn 26 tỷ đồng.
IDC hôm nay được mua ròng lần lượt là 32 tỷ đồng, theo sau là PVG và PLC với giá trị mua ròng mỗi cổ phiếu khoảng 2 tỷ đồng, ngoài ra danh sách mua ròng còn có SCI, NET...
Tại chiều bán, TNG hôm nay vẫn bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với khoảng 8 tỷ đồng, ngoài ra SHS và BVS bị bán ròng khoảng 1 tỷ đồng mỗi cổ phiếu.
Trên sàn UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng với giá trị ghi nhận hơn 14 tỷ đồng
Cổ phiếu QNS hôm nay tiếp tục được khối ngoại mua ròng gần 15 tỷ đồng. Danh sách mua ròng trên 1 tỷ đồng còn có VEA và CSI.
Ngược chiều, ACV và MCM hôm nay bị khối ngoại bán ròng mỗi cổ phiếu khoảng 2 tỷ đồng; ngoài ra họ cũng bán ròng khoảng 1 tỷ đồng tại VTP.
Có thể thấy, diễn biến hồi phục của thị trường trong nước khá giống với thế giới. Tại Mỹ thì Dow Jones tăng 1,79% lên 33.891 điểm để lấy lại toàn bộ điểm số đã mất phiên trước đó. Tương tự Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cũng tăng lần lượt 1,86% và 1,62%.
Thị trường châu Á cũng ghi nhận đà đi lên khi Nikkei 225 tăng 0,63% và Topix tăng 1,07% tại Nhật Bản. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 1,4%. ASX 200 của Australia tăng 0,67%.