Thị trường chứng khoán hôm nay 2/3: Cổ phiếu ngân hàng lao dốc, VN-Index đánh mất hơn 13 điểm
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán hôm nay 1/3: Cổ phiếu bất động sản "chiếm sóng", VN-Index quay lại sát 1.500 điểmThị trường chứng khoán hôm nay 28/2: VN-Index mất gần 9 điểm phiên đầu tuần, cổ phiếu thép, phân bón và than nổi sóng lớnThị trường chứng khoán hôm nay 25/2: Cổ phiếu dầu khí quay đầu giảm, VN-Index vẫn lỡ hẹn với mốc 1.500 điểmVN-Index mất hơn 13 điểm về 1.485 điểm
Trong phiên giao dịch ngày 2/3, thị trường chứng khoán trong nước diễn biến khá tiêu cực do ảnh hưởng từ thị trường tài chính quốc tế và tình trạng căng thẳng leo thang tại Ukraine.
Theo đó, căng thẳng này đã khiến giá dầu thô liên tục tăng mạnh và thiết lập đỉnh nhiều năm, trong phiên tối qua theo giờ Việt Nam, giá dầu thô WTI đã tăng vọt lên trên ngưỡng 103 USD/thùng, vượt qua cả mức giá của dầu thô Brent.
Bất chấp việc các thành viên IEA đồng ý giải phóng 60 triệu thùng dầu, nhưng giá dầu thô của Brent và WTI tiếp tục tăng hơn 6% trong phiên châu u hôm nay, lên mức trên 110 USD/thùng. Qua đó đẩy giá cổ phiếu ngành dầu khí, phân bón tăng vọt. Đáng tiếc nhóm này chỉ là những đốm sáng lẻ loi khi toàn thị trường đỏ rực.
Đóng cửa phiên chiều nay, VN-Index sau những phút đầu giằng co thì dần ghi nhận lực bán lớn khi chỉ số rơi nhanh từ cuối phiên sáng. Kết thúc phiên, VN-Index giảm 13,26 điểm (-0,88%) về 1.485,52 điểm. Sàn có 137 mã tăng giá và đến 319 mã giảm giá.
HNX-Index giảm 1,31 điểm (-0,30%), xuống 442,25 điểm với 102 mã tăng (9 mã trần, nhiều hơn 4 mã), trong khi có 133 mã giảm, giảm 19 mã so với phiên sáng, chỉ 2 mã giảm sàn, nhưng giao dịch quá ít. Tổng khối lượng giao dịch đạt 109,9 triệu đơn vị, giá trị 3.498,7 tỷ đồng, giảm 9,5% về khối lượng và 3% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 5 triệu đơn vị, giá trị 119,9 tỷ đồng.
Nhóm vốn hóa lớn mà đặc biệt là ngân hàng gây tác động rất xấu đến xu hướng chung. Trong đó rổ VN30 mất 21,5 điểm (-1,42%) với 20/30 mã giảm giá.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,57 điểm (-0,51%), xuống 111,8 điểm với 163 mã tăng, 150 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 74,6 triệu đơn vị, giá trị 1.625 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 9,3 triệu đơn vị, giá trị 213,6 tỷ đồng và đều là trong phiên sáng.
Cổ phiếu ngân hàng tác động xấu nhất lên VN-Index
Trong phiên hôm nay, cổ phiếu ngân hàng diễn biến tiêu cực khi phần lớn chìm trong sắc đỏ, mức giảm phổ biến trong phiên khoảng 2-5%. Thậm chí nhóm này có đến 9/10 mã có tác động xấu nhất lên VN-Index. Trong đó, BID giảm 3,7% về 42.450 đồng, trở thành mã có tác động tiêu cực nhất. Tiếp đến là CTG của VietinBank giảm 3,9% xuống 32.000 đồng, MBB lao dốc 4,4% còn 32.500 đồng, EIB của Eximbank bị bán tháo 5,5% về 32.000 đồng... Chỉ có 2/27 mã ngân hàng tăng giá trong phiên hôm nay.
Theo một số thống kê, tính đến cuối tháng 2, vốn hóa thị trường của nhóm ngân hàng đạt xấp xỉ 196.000 tỷ, giảm hơn 90.100 tỷ so với cuối tháng 1, tương đương giảm hơn 4 tỷ USD. Tỷ trọng giá trị giao dịch ở nhóm này duy trì ở mức cao, tuy nhiên chỉ số ngành lại giảm so với tháng trước.
Hiện, bảng xếp hạng vốn hoá chưa có nhiều thay đổi, khi VCB tiếp tục dẫn đầu ngành (399.900 tỷ đồng), theo sau là BIDV (221.057 tỷ) và CTG (159.311 tỷ).
Cổ phiếu ngân hàng “lình xình” cũng được cho là một trong những nguyên nhân khiến VN-Index chưa thể bứt phá, khi đây là nhóm vốn hoá lớn của thị trường. Với 27 cổ phiếu ngân hàng niêm yết, chỉ có 5 mã tăng giá: PGB, VPB, NAB, MBB, TPB. Trong đó, CTG, SSB, EIB, LPB là những mã giảm mạnh nhất, dao động 9-10%.
Cũng trong nhóm tài chính, đồng loạt cổ phiếu chứng khoán giảm mạnh. BSI, VND, giảm trên 3%. SSI, SHS, CTS, SPS, FTS, APG, HCM cũng giảm hơn 2%.
Trong khi đó, cổ phiếu dầu khí lại trụ cột níu giữ thị trường với sắc xanh tràn ngập. Trong đó, GAS của PV Gas tác động tích cực nhất lên chỉ số khi tăng giá 1,3% lên 119.200 đồng.
PVC và PXS tăng hết biên độ, hay PCG cũng lộ giá trần. Cổ phiếu PVO bứt phá 8%, PVS tăng giá 6,6%. Hàng loạt mã dầu khí khác có mức tăng phổ biến 2-5%.
Cổ phiếu phân bón cũng bứt phá mạnh khi SFG tăng trần và nhiều mã khác tăng 2-6%; nhóm thủy sản cũng tăng mạnh 1-6%. được cho là các mặt hàng có thể hưởng lợi từ căng thẳng tại Ukraine khi nguồn cung bị gián đoạn đẩy giá bán lên cao.
Khối ngoại có phiên bán ròng khớp lệnh mạnh nhất từ đầu năm với 1.170 tỷ đồng
Nhà đầu tư nước ngoài cũng có một phiên tiêu cực khi bán ra lượng cổ phiếu 2.275 tỷ và mua vào 1.105 tỷ, tương đương bán ròng đến 1.170 tỷ đồng trên HoSE, lực bán tập trung vào HDB, HPG, CTG, KBC... Đây là phiên nhà đầu tư ngoại bán ròng khớp lệnh có giá trị lớn nhất tính từ đầu năm 2022 đến nay.
Trên HoSE, khối ngoại phiên hôm nay đẩy mạnh bán ròng hơn 27 triệu cổ phiếu, giá trị bán ròng ghi nhận đột biến 1.170 tỷ đồng.
Cổ phiếu ngân hàng HDB và ngành thép HPG hôm nay là hai cổ phiếu chịu áp lực bán ròng mạnh nhất của khối ngoại bán ròng với giá trị 154 và 131 tỷ đồng. Xếp tiếp theo danh sách bán ròng còn có CTG (105 tỷ đồng), KBC (77 tỷ đồng), VIC (67 tỷ đồng).
Tại chiều mua, DGC hôm nay được khối ngoại mua ròng 23 tỷ đồng. Ngoài ra, danh sách mua ròng còn có VCB (11 tỷ đồng), PVD (11 tỷ đồng), NKG (9 tỷ đồng).
Trên HNX, khối ngoại bán ròng hơn 120 nghìn cổ phiếu, giá trị bán ròng gần 5 tỷ đồng.
IDC hôm nay được mua ròng 17 tỷ đồng, ngoài ra danh sách mua ròng còn có PLC, SCI, PVS...
Tại chiều bán, TNG hôm nay tiếp tục bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với khoảng 16 tỷ đồng, ngoài ra PVI bị bán ròng khoảng 2 tỷ đồng.
Trên sàn UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng với giá trị ghi nhận gần 10 tỷ đồng
MCM hôm nay bị khối ngoại bán ròng khoảng 1 tỷ đồng; ngoài ra họ cũng bán ròng tại BSR, TRS, TIN, MFS...
Ngược chiều, cổ phiếu QNS hôm nay được khối ngoại mua ròng hơn 3 tỷ đồng. Danh sách mua ròng trên 1 tỷ đồng còn có VEA và VTP.