Thị trường chứng khoán hôm nay 14/4: Cổ phiếu bất động sản tiếp tục lao dốc, VN-Index giảm 11 điểm phiên cuối tuần
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán hôm nay 12/4: Cổ phiếu bất động sản hút tiền, VN-Index vẫn giảm nhẹThị trường chứng khoán hôm nay 7/4: Nhóm chứng khoán khởi sắc, VN-Index thu hẹp đà giảmThị trường chứng khoán hôm nay 4/4: VN-Index quay đầu giảm, chứng khoán đứt mạch 10 phiên tăngVN-Index "bốc hơi" 11 điểm
Theo Tin nhanh chứng khoán, mặc dù phần lớn phiên sáng ngày 14/4 giao dịch trong biên độ hẹp trên mốc tham chiếu, nhưng áp lực bán gia tăng về cuối phiên đã khiến thị trường trở lại kịch bản cũ khi VN-Index quay đầu điều chỉnh với sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện. Tuy nhiên, điểm tích cực vẫn là lực cầu khá tốt giúp chỉ số chung không giảm quá sâu.
Bước sang phiên chiều, thị trường giằng co nhẹ quanh mốc tham chiếu trong hơn nửa thời gian mở cửa. Tuy nhiên, áp lực bán gia tăng và lan rộng trong khoảng hơn 30 phút cuối phiên, đặc biệt là gánh nặng ở nhóm bluechips đã khiến chỉ số chính lùi sâu hơn dưới mốc tham chiếu.
Chốt phiên cuối tuần, VN-Index giảm 11,41 điểm (-1,07%), xuống 1.052,89 điểm với 95 mã tăng, trong khi có tới 303 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 671,5 triệu đơn vị, giá trị 11.351,6 tỷ đồng, đều tăng hơn 17% cả về khối lượng và giá trị so với phiên giao dịch hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 62,05 triệu đơn vị, giá trị 1.342,17 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, áp lực gia tăng trong thời gian cuối phiên cũng khiến HNX-Index giảm 2,59 điểm (-1,23%), xuống 207,25 điểm với 57 mã tăng, trong khi có tới 121 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 109,45 triệu đơn vị, giá trị 1.542,54 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,29 triệu đơn vị, giá trị 43,5 tỷ đồng.
Trên UPCoM, thị trường cũng giảm sâu hơn. Chỉ số UPCoM-Index giảm 0,66 điểm (-0,83%) xuống 78,69 điểm với 126 mã tăng và 174 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 48,27 triệu đơn vị, giá trị 449,13 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,95 triệu đơn vị, giá trị 23,6 tỷ đồng.
Áp lực bán lan rộng trên toàn thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch cuối tuần này, từ cổ phiếu nhỏ đến cổ phiếu vốn hóa lớn đều chìm trong sắc đỏ. Toàn sản chỉ có 93 mã tăng, 44 mã đứng giá và 303 mã giảm. Rổ VN30 thậm chí chỉ ghi nhận 3 mã tăng giá, 3 mã đứng giá còn lại 24 mã giảm giá.
3 blue-chips hiếm hoi tăng giá trong phiên hôm nay là HPG, VCB và VRE. Đây là 3 đại diện của ngành thép, ngân hàng và bất động sản. Trong đó, HPG tăng 1% lên 20.650 đồng/cổ phiếu; VCB tăng 0,2% lên 88.400 đồng/cổ phiếu và VRE có thêm 0,7% lên 28.600 đồng/cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đa phần giảm điểm, trong đó một số mã lao dốc khá mạnh như TCB giảm 4,3%, STB giảm 2,84%, SHB giảm 1,66%, VIB giảm 1,65%, MBB giảm 1,35%, BID giảm 1,11%, CTG giảm 1,02%. Ở chiều ngược lại, VCB, EIB và LPB đều tăng nhẹ, thậm chí MSB tăng khá mạnh 2,01%.
Hàng loạt cổ phiếu bất động sản bị bán mạnh và giảm sâu, thậm chí trắng sàn bên mua. Đơn cử, cổ phiếu KBC - đại diện nhóm bất động sản khu công nghiệp cũng giảm hết biên độ xuống mức 24.650 đồng/cổ phiếu, tương tự DIG cũng giảm hết biên độ 6,9% xuống 16.200 đồng, trắng bên mua. Chung tình cảnh, HDC, TDC, NHA đóng cửa trong sắc "xanh lơ", DXG và NLG giảm sàn, lần lượt còn 12.750 đồng/cp và 29.600 đồng/cp.
Bên cạnh đó, các mã LDG, NBB, PDR, HPX, CII, NVL… cũng đồng loạt chìm sâu trong sắc đỏ, hầu hết đều tại mức giá thấp nhất ghi nhận trong phiên. Những trụ lớn như VIC và VHM cũng đồng loạt giảm 0,2% và 1%. Trên sàn HNX ghi nhận CEO giảm 7,2% xuống 23.100 đồng/cổ phiếu, IDJ cũng mất 6,8%, rơi xuống mức 11.000 đồng/cp…
Phiên hôm nay tiếp tục chứng kiến cổ phiếu chứng khoán điều chỉnh. Cụ thể, SSI mất 2,53% giá trị, VND giảm 2,3%, VCI giảm 2,84%, HCM giảm 1,75%, VIX giảm 5,06%, TVS giảm 4,22%. Tuy nhiên, vẫn có FTS tăng 1,33%.
Nhóm sản xuất diễn biến phân hóa. Mặc dù sắc xanh bị sắc đỏ lấn áp nhưng cũng không quá lép vế, một số mã tăng đáng kể như: DHG tăng 1,41%, VHC tăng 2,14%, HSG tăng 1,66%, PAN tăng 2,25%, PTB tăng 3,3%. Với các cổ phiếu giảm có GVR mất 4,08% giá trị, GEX giảm 4,53%, PHR giảm 4,4%, DPM giảm 2,42%, DCM giảm 2,38%, TLG giảm 2,26%.
Cổ phiếu năng lượng và bán lẻ cũng phân hóa nhưng nghiêng nhiều về sắc đỏ. Trong đó, GAS giảm 1,9%, POW giảm 2,6%, PLX giảm 1,88%, trong khi đó PGV tăng 1,3%; MWG và FRT lần lượt mất đi 2,56% và 2,55% giá trị nhưng PNJ tăng 0,78%.
Thanh khoản trên sàn HoSE hôm nay tăng tốt vượt 13.300 tỷ đồng, tăng 17% so với phiên trước đó.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 200 tỷ
Trên HoSE, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng với giá trị xấp xỉ 216 tỷ đồng. Trong đó, VRE được mua ròng mạnh nhất với 26 tỷ đồng, PNJ xếp tiếp theo trong danh sách mua ròng mạnh với 25 tỷ đồng. Ngoài ra, khối này cũng mua ròng MSN và HDB lần lượt 17 và 16 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, STB chịu áp lực bán ròng mạnh nhất với giá trị 46 tỷ đồng, theo sau đó là VND, VNM bị bán khoảng 39 và 35 tỷ đồng mỗi cổ phiếu.
Trên sàn HNX, nhà đầu tư ngoại mua ròng 14 tỷ đồng. Ở chiều mua, IDC là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng 10 tỷ đồng. Tương tự, các mã PVS, CEO, HUT cũng được mua đồng loạt mỗi cổ phiếu từ vài tỷ đồng. Hôm nay, khối ngoại bán ròng MBS khoảng gần 3 tỷ đồng, ngoài ra họ cũng xả tại các mã SHS, IDJ, NVB,...
Trên UPCoM, khối ngoại hôm nay mua ròng 9 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu QNS được mua 9 tỷ đồng, tương tự, LTG, MPC, OIL cũng đồng loạt được mua ròng từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng mỗi cổ phiếu. Ngược chiều, VTP bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khoảng 3 tỷ đồng, ngoài ra họ cũng bán ròng tại các cổ phiếu ACV, VEA, BSR,...