Thị trường BĐS chững lại, nhà đầu tư nên hành động thế nào?
BÀI LIÊN QUAN
Chuyên gia cảnh báo thị trường BĐS dễ mua khó bán, nguy cơ xuất hiện "bong bóng""Bắt mạch" thị trường BĐS vùng ven những tháng cuối năm: "Miền đất hứa" trong tương lai dành cho nhà đầu tưThị trường BĐS đang hạ nhiệt, nhà đầu tư có nên "ôm hàng" vào?Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chậm nhịp
Theo Nhịp sống kinh tế, kể từ cuối tháng 5/2022 đến nay, giao dịch dự án bắt đầu có dấu hiệu chậm lại. Điều này ghi nhận ở hầu hết các phân khúc bất động sản trên thị trường.
Các chuyên gia cho rằng, từ nay đến cuối năm 2022, thị trường bất động sản không mấy lạc quan. Thậm chí, bức tranh có thể diễn biến theo chiều hướng xấu nếu như xuất hiện tình trạng bán tháo ở các nhà đầu tư chịu áp lực ngân hàng, hoặc không vay được vốn để tiếp tục đầu tư.
Trước mắt, tổng thể thị trường bất động sản còn nhiều bất ổn, giá có thể sẽ đi ngang trong vài tháng và dự báo tích cực nhẹ vào cuối năm khi lượng tiền trên thị trường dồi dào hơn.
Đánh giá về vấn đề này, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia bất động sản cho hay, trước những động thái kiểm soát dòng vốn đổ vào bất động sản, thị trường đang bắt đầu chậm lại, giao dịch các sản phẩm cao cấp ít dần. Theo đó, các nhà đầu tư cá nhân lớn đang có xu hướng cơ cấu lại sản phẩm, rút bớt đầu tư ở tỉnh, giữ các sản phẩm gần trung tâm để đảm bảo tính thanh khoản sau này.
Dự báo, giá căn hộ chuẩn ở TP. Hồ Chí Minh trong nửa cuối năm nay sẽ dao động nhẹ. Còn tất cả các phân khúc khác như đất nền, nhà phố... đã đẩy giá tăng quá ảo sẽ mất thanh khoản thời gian dài nếu giá bán tiếp tục neo cao như hiện nay.
Ngoài ra, ông Quang cũng dự báo, giá có thể giảm mạnh để thoát hàng ở các nhà đầu tư ngộp vốn. Dự báo thị trường trong quý 3/2022 sẽ bình lặng, giá không tăng, giao dịch chậm lại. Do đó, nếu chủ đầu tư tái cơ cấu lại sản phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường thì giao dịch từ nay đến cuối năm sẽ ổn định hơn.
Có thể thấy, bên cạnh vấn đề siết nguồn vốn thì thị trường bất động sản trong 3 năm Covid đã bị ảnh hưởng rất nhiều. Thêm vào đó, pháp lý có độ trễ lớn, các chủ đầu tư cũng liên tục "đau đầu" vì bị vướng các thủ tục hành chính, pháp lý. Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường. Theo đó, tâm lý e dè xuống tiền đã bắt đầu xuất hiện ở giai đoạn này.
Giữa bối cảnh thị trường biến động, nhà đầu tư cần làm gì để chờ cơ hội phía trước?
Mới đây, chia sẻ trong Group An Cư, ông Nguyễn Đức Minh, một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường bất động sản cho biết, thời điểm này nhà đầu tư nên xem xét và đánh giá lại danh mục đã đầu tư. Trong đó, cần đánh giá lại mức độ tiềm năng của mỗi sản phẩm. Sản phẩm đó còn động lực tăng trưởng hay không? Nếu tăng trưởng thì trong bao lâu, 1-2 năm, hay 3-5 năm. Với sản phẩm không còn tăng trưởng nữa thì phải thanh khoản bớt đi.
Đồng thời, nhà đầu tư phải xác định, sản phẩm nào sẽ đánh ngắn hạn 1 năm, sản phẩm nào đầu tư cho trung hạn 1-3 năm và sản phẩm nào nên đầu tư trên 3 năm. Để đảm bảo luôn có dòng tiền cũng như tránh rủi ro thì việc cơ cấu và phân bổ nguồn vốn là cực kỳ quan trọng.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần tìm hiểu thị trường và săn các bất động sản giá rẻ. Theo ông Minh, khi hầu hết mọi người đang hoang mang, lo sợ diễn biến thị trường thì nhiều người lại đi tìm hiểu và mua vào. Bất động sản mang tính giai đoạn và chu kỳ. Hiện tại, bất động sản đang bước vào chu kỳ mới của giai đoạn suy thoái, nếu nhà đầu tư vào giai đoạn có thể bắt được giá đáy của chu kỳ tiếp theo. Với những bất động sản của nhà đầu tư ngộp, cần tiền trả Ngân hàng hoặc làm việc khác thì họ sẵn sàng giảm giá để thu tiền về. Hơn thế, khi thị trường một mình một chợ sẽ có nhiều thời gian phân tích, đánh giá, lựa chọn, đàm phán và đưa ra một quyết định đúng đắn nhất.
Còn theo một số chuyên gia nhận định, thời điểm này, các nhà đầu tư mới nên quan sát diễn biến thị trường, không nên nóng vội xuống tiền trong giai đoạn này.
Chuyên gia Trần Khánh Quang cho rằng, thời điểm này, một số nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể tìm được các sản phẩm giá tốt để mua, nhưng các nhà đầu tư F0, ít kinh nghiệm thì "dù hưng phấn đến mấy cũng nên cảnh giác với những rủi ro khi BĐS chững lại".
Theo đó, các nhà đầu tư F0 nên tiếp tục quan sát và chờ đợi các diễn biến tiếp theo của thị trường. Nếu vẫn quyết định mua bất động sản thời điểm này, người mua cần cân nhắc nhiều yếu tố. Thứ nhất, chỉ nên mua các sản phẩm có hiệu quả khai thác, không mua theo số đông. Thứ hai, không nên vay ngân hàng để mua bất động sản lúc này bởi khả năng được duyệt hồ sơ không cao cũng như lãi suất có thể tăng trong thời gian tới.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng, hiện nay có nhiều khu vực thiết lập mặt bằng giá mới rất cao do yếu tố đầu cơ, gây tác hại rất lớn đến sự phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững của thị trường bất động sản, khiến giấc mơ sở hữu nhà của những người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp ở các đô thị ngày càng xa vời.
Ngoài ra, một số chuyên gia cũng nhận định, tuy giá bất động sản vẫn duy trì ở mức cao, nhưng đây cũng chỉ là khoảng trầm xuống tạm thời và dự đoán thị trường bắt đầu tăng mạnh trong những năm tiếp theo. Trong các kênh đầu tư, chiếm ưu thế về mặt an toàn và sinh lời cao thì chung quy vẫn là bất động sản. Dù trong nền kinh tế biến động, đây vẫn là nơi để giữ dòng vốn an toàn, bền vững. Còn trong nền kinh tế bình ổn, thì bất động sản chắc chắn là kênh sinh lời cao trong thời gian ngắn.