Thị trường bất động sản Thường Tín không có nhiều biến động trước thông tin về sân bay thứ 2 tại Hà Nội
Theo Tổ quốc, một thời gian trước đó đã xuất hiện thông tin đề xuất sân bay thứ 2 của Hà Nội sẽ triển khai tại Ứng Hòa. Nhưng mới đây, TP. Hà Nội đưa thêm thông tin đề xuất dự án tại huyện Thường Tín.
Thường tín chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km, cách sân bay Nội Bài 60km. Từ khi có phương án xây dựng sân bay tại Thường Tín, các chuyên gia và giới đầu tư đã đổ dồn sự chú ý vào địa phương này. Tuy nhiên, những thông tin về vị trí quy hoạch sân bay thứ 2 Hà Nội vẫn chưa được Bộ Giao thông Vận Tải xác nhận.
Giới đầu tư BĐS nói gì về cơ hội đầu tư khi Hà Nội muốn xây sân bay tại phía Nam?
Thông tin Hà Nội muốn xây dựng sân bay thứ 2 ở khu vực phía Nam khiến giới kinh doanh bất động sản xôn xao. Nhiều người đang tìm hiểu, nghe ngóng để săn đất tại các huyện phía Nam, "bắt sóng" bất động sản.Sân bay thứ 2 của Hà Nội sẽ đặt ở Thường Tín?
Sân bay thứ 2 của Hà Nội có nhiệm vụ giúp giảm tải cho sân bay Nội Bài sau năm 2050.Như những địa phương khác, chỉ cần có thông tin đồn thổi về việc quy hoạch hạ tầng thì thị trường bất động sản nơi đó ngay lập tức sẽ thành tâm điểm chú ý. Bất động sản Thường tín vốn luôn "nằm im" suốt bao năm qua nhưng ngay khi có tin sân bay thứ 2 của Hà Nội về đây thì thị trường này cũng rục rịch "sốt nóng".
Anh Nguyễn Thoại - Môi giới bất động sản tại Thường tín cho hay, từ khi nhận được thông tin khả năng cao Thường Tín sẽ là điểm xây dựng sân bay thứ 2 của Hà Nội thì lượng khách hàng quan tâm địa phương này cũng dần nhiều lên.
"Số người gọi tới để hỏi về đất đai của huyện ngày càng tăng cao. Tuy nhiên họ chỉ hỏi về giá và vị trí, còn lượng giao dịch thì không thay đổi nhiều. Thực tế, giá bất động sản nơi đây vẫn chưa có biến chuyển gì" - anh Thoại nói.
Người này cũng chia sẻ thêm, từ 2 năm đổ lại đây, giá đất Thường Tín cũng tăng gấp 4 - 5 lần, nhất là tại các khu vực có quy hoạch tuyến Vành đai 4 chạy qua.
Chẳng hạn, giá đất tại Hoàng Xá, Khánh Hà, Hà Hồi hiện dao động từ 30 - 35 triệu đồng/m2; Những lô có mặt tiền quốc lộ 1A cũ giá đã lên 60 - 80 triệu đồng/m2; Tại mặt đường Nguyễn Du, gần UBND huyện Thường Tín đang kinh doanh khá sầm uất nên có giá khoảng 80 - 100 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đất nằm trong ngõ vẫn chỉ có giá từ 7 - 15 triệu đồng/m2.
Theo chị Thư - Môi giới bất động sản tại đây cho biết, thực tế lượng người quan tâm và giao dịch đất đai huyện Thường Tín vẫn chưa thay đổi nhiều kể cả sau khi có thông tin quy hoạch Sân Bay. Thời điểm này, các nhà đầu tư chỉ chú ý tới các khu vực quanh tuyến đường Vành đai 4 đi qua huyện.
Hiện tại, giá đất những nơi liên quan tới tuyến cao tốc như Quán Gánh, Sở Ninh đang được rao bán khoảng 30 - 40 triệu đồng/m2, những khu xa hơn có giá khoảng 15 - 25 triệu đồng/m2. So với 1 năm trước thì mức giá này đã tăng đến 50%.
Chị Thư cho biết, vài năm nay, các nhà đầu tư quan tâm nhất là đất đấu giá của Thường Tín. Thông thường, các phiên đấu giá đều thu hút đông đảo hồ sơ tham gia, do đó phân khúc này cũng ghi nhận thanh khoản tốt. Chẳng hạn những phiên đấu giá từ cuối năm 2021, đến nay các nhà đầu tư đã lãi một khoản lớn.
Đơn cử như mảnh đất đấu giá diện tích 110m2, đường rộng 5m, gần trục chính của xã hiện đang giao dịch khoảng 25 triệu đồng/m2, trong khi trước đó chỉ có giá từ 20 - 22 triệu đồng/m2.
Nhìn chung, thị trường này đang khác so với những lần có thông tin quy hoạch sân bay trước đó, dù mới chỉ là thông tin truyền miệng nhưng giới đầu cơ đã lũ lượt đổ về khu vực để thổi giá, giao dịch tăng đột biến.
Vào đợt tháng 3/2021, thông tin về đề xuất quy hoạch sân bay lưỡng dụng Téc-ních 500ha tại huyện Hớn Quản (Bình Phước) được lan truyền. Sau đó, mỗi ngày đều có hàng trăm phương tiện tới xem đất khiến cả đường nông thôn trở nên đông đúc, ùn tắc. Giá đất nơi đây cũng bị nâng lên một mức mới, thậm chí đất nông nghiệp cũng có giá đến vài tỷ đồng/sào, mỗi lô có thể thay tới 3 - 4 đời chủ. Chỉ tới khi UBND huyện Hớn Quản ra văn bản tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự trên địa bàn thì cơn sốt "ảo" mới bắt đầu hạ nhiệt.
Tương tự tại Khánh Hòa, khi một loạt các thông tin trôi nổi về việc phát triển huyện Cam Lâm theo hướng đô thị sân bay, giá đất nơi đây bỗng tăng vùn vụt qua mỗi ngày. Chỉ trong vòng 1 năm từ 2021 - 2022, giá đất Cam Lâm đã tăng lên 10 - 20%. Sau đó lại có thông tin một tập đoàn lớn xin đầu tư 3 siêu dự án BĐS gần 17.000ha thì giá đất khu vực này đã tăng chóng mặt gấp 3 - 5 lần.
Khi đó, Khánh Hòa phải đưa ra các giải pháp để ngăn chặn tình trạng "sốt" đất. Tuy nhiên, việc này khá khó để ngăn chặn được triệt để. Vì vậy, nếu nhà đầu tư quá vội vàng, không tỉnh táo sẽ dễ gặp rủi ro khi đầu tư theo thông tin quy hoạch.
Một nhà đầu tư lâu năm tới từ Hà Nội - anh Nguyễn Văn Hải chia sẻ, từ trước tới nay, giới đầu cơ chủ yếu sẽ tận dụng các địa phương có giá đất còn rẻ để dễ bề thổi và đem về biên lợi nhuận lớn.
"Như đợt trước thì nhóm đầu cơ phải đi gom đủ đất rồi mới bắt đầu tung thông tin quy hoạch và thổi giá. Còn tại Thường Tín, giá đất mấy năm nay tăng lên nhiều, hiện tại một vài khu vực đã tăng khá cao so với các vùng ven khác tại Hà Nội. Vì vậy, việc thổi giá trong thời gian ngắn ở nơi này là khá khó và nhiều rủi ro. Ở những khu vực giá vẫn rẻ thì dễ thổi hơn cho vừa túi tiền của người dân nên cũng dễ thanh khoản và tạo hiệu ứng mạnh". - anh Hải nói.
Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó chủ tịch thường trực Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội nhận định, tình trạng đầu cơ hay "lướt sóng" sẽ không chấm dứt nhưng hạn chế theo từng thời điểm.
Về vấn đề tại thị trường Thường Tín vẫn chưa quá sôi động sau thông tin đề xuất quy hoạch sân bay như những lần trước đó, ông Điệp cho rằng: "Đầu tiên, hiện nay việc quy hoạch sân bay thứ 2 ở Hà Nội là rõ ràng nhưng xây dựng ở Thường Tín hay khu vực nào thì chưa chắc chắn.
Tiếp theo, các ngân hàng có động thái thắt “van” tín dụng bất động sản nên đầu cơ khó tìm dòng tiền. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản thời điểm này khó dự đoán. Còn đến khi bắt đầu vào thực hiện giải phóng mặt bằng thì chắc chắn thị trường khu vực sẽ sôi động”. Ông Điệp cũng đánh giá thêm, hạ tầng khu vực huyện Thường Tín hiện vẫn chưa đồng bộ và giá đất đã tương đối cao.
Theo ý kiến từ TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, xây dựng một sân bay là một quá trình dài hạn. Tính từ lúc địa phương đề xuất lên các Bộ ngành, đến khi Chính phủ phê duyệt có thể mất rất nhiều năm. Do đó, khi một địa phương đề xuất bổ sung hạ tầng sân bay, thêm tuyến giao thông… thì nhà đầu tư cũng không nên vội vàng đi trước đón đầu vì rủi ro là rất lớn.
Trước đó, TS Nguyễn Tùng Bách - Chuyên gia về quy hoạch hàng không, đã nhận định việc đặt sân bay thứ 2 của Hà Nội ở vị trí nào sẽ phải cân nhắc rất cẩn thận. Bởi sân bay vùng Thủ đô không chỉ phục vụ cho riêng Hà Nội mà phải phục vụ cho cả vùng gồm 9 tỉnh khác.
Ông Tùng cũng lưu ý, thông tin đề xuất xây dựng sân bay tại Thường Tín chỉ là một phương án mà Hà Nội đưa ra, chứ chưa được ấn định. Nếu theo quy trình, UBND TP. Hà Nội phải thuê một đơn vị tư vấn để xác định vị trí phù hợp cho sân bay, sau đó thống nhất vị trí với những cơ quan liên quan như Bộ Quốc Phòng, Bộ GTVT, Bộ Công An,... Sau khi xác định xong vị trí mới tiến hành đến các công tác quy hoạch, lập báo cáo tiền khả thi, xin chủ trương đầu tư… và quy trình này mất tới vài năm.