Thị trường bất động sản khi nào sẽ “tan băng”?
Từ khoảng cuối năm 2022 đến đầu năm 2023 thị trường bất động sản Việt Nam đang rơi vào tình trạng khá trầm lắng. Nhiều phân khúc bất động sản đã ghi nhận việc giảm giá, cắt lỗ, bán tháo sản phẩm như đất nền, bất động sản tầng thấp, bất động sản nghỉ dưỡng… Tính thanh khoản sụt giảm mạnh và thậm chí một số loại hình còn phải chịu cảnh đóng băng bán không ai mua.
Tình trạng các doanh nghiệp bất động sản cắt giảm nhân sự, nợ lương, cắt giảm tối đa mọi chi phí đã trở nên phổ biến và bắt gặp tại nhiều doanh nghiệp. Đối với những công ty, doanh nghiệp không còn đủ chi phí để gồng gánh thì bắt buộc phải đóng cửa hoặc chuyển sang một lĩnh vực khác để tồn tại trong bối cảnh khó khăn này.
Đây là một diễn biến đã được dự báo sẵn sau thời gian thị trường tăng trưởng “nóng”. Đồng thời, các chính sách mới của Ngân hàng Nhà nước với các cuộc chạy đua lãi suất giữa hệ thống các ngân hàng đã khiến cho các nhà đầu tư rơi vào tình cảnh lao đao, gánh nợ lãi không kịp. Trong khi đó người vay tăng không ngừng mà nguồn tiền lại trở nên hạn hẹp, lãi suất lại cực kì cao.
Để dẫn đến tình trạng như hiện nay thì có rất nhiều lý do nhưng thị trường đã dần có những dấu hiệu tích cực, nhiều người dự đoán thị trường sẽ dần “tan băng” và có sức bật mạnh vào cuối năm 2023 giúp cho nhiều nhà đầu tư có thêm hi vọng khi đã sẵn sàng xuống tiền để “bắt đáy”.
Trước đó, thị trường bất động sản cũng từng trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong giai đoạn 2011 – 2013, ông Vũ Cương Quyết - Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc đưa ra nhận định thị trường sẽ sớm qua giai đoạn khó khăn này. Theo ông, so với cuộc khủng hoảng trước đó thì năm 2022 nền kinh tế Việt Nam và thị trường nội tại đã tốt hơn rất nhiều.
Nếu như trong giai đoạn 2011 – 2012 tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ đạt khoảng 2-3% thì đến năm 2022 con số này đã tăng lên 7% và được dự đoán sẽ còn tăng trong năm 2023. Về dòng tiền dự trữ quốc gia cũng đang có những dấu hiệu tích cực khi nước ta đã kí rất nhiều hiệp định thương mại toàn cầu với các quốc gia khác trên thế giới.
Theo các chuyên gia dự đoán sự khó khăn sẽ sớm được tháo gỡ khi Chính phủ đã ban hành các Luật định, nguồn room tín dụng mới cùng với động thái chỉ đạo quyết liệt hỗ trợ bình ổn thị trường bất động sản hay dòng tiền FDI đổ mạnh vào Việt Nam…sẽ trở thành động lực góp phần làm “tan băng” bất động sản.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã đưa ra dự đoán bước sang quý II, quý III, thị trường bất động sản sẽ dần phục hồi và đi vào quỹ đạo, hoạt động một cách minh bạch nhờ những bước tiến về môi trường pháp lý, nền kinh tế phục hồi kéo theo đà tăng trưởng của các hoạt động thương mại, đầu tư, tiêu dung, bên cạnh đó, sự phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết hợp cùng xu hướng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ 4.0 sẽ giúp cho thị trường bất động sản trở nên ấm dần.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh đã dự báo và lạc quan vào thị trường địa ốc, đối với cá nhân ông tin rằng thịt trường bất động sản năm 2023 sẽ vẫn có những phân khúc điểm sáng tích cực, giúp cho mọi việc dần trở nên ổn định đi vào quỹ đạo thay vì giữ gam màu xám như hiện tại.
Trước đó, từ cuối quý II/2022, thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu chững lại khi những chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp được đưa ra. Bên cạnh đó, một số lãnh đạo doanh nghiệp vướng vào vòng lao lý cũng khiến cho tâm lý khách hàng trở nên e ngại, không dám liều mình để vay hay đầu tư như trước.
Theo khảo sát thực tế và báo cáo kinh doanh cuối năm của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đã ghi nhận lợi nhuận sụt giảm mạnh, thua lỗ nặng. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán và cổ phiếu bất động sản của một số công ty nằm im khiến cho tính thanh khoản chậm lại hoặc không thể bán ra.
Trên thị trường một số doanh nghiệp bất động sản đã phải thu hẹp quy mô sản xuất, đầu tư, tối giản lực lượng lao động, cắt giảm mọi chi phí không cần thiết khiến cho cuộc sống của người lao động trở nên lao đao hoặc có thể mất việc. Một thực tế nữa xảy ra khiến cho thị trường bất động sản cuối năm 2022 đã phải rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi tắc nguồn vốn tín dụng, tắc nguồn vốn trái phiếu, tắc cả nguồn vốn huy động từ khách hàng để giải quyết trình trạng “đói vốn” nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phải vay vốn ngoài xã hội như tín dụng đen với lãi suất rất cao, trả lại mặt bằng, bán bớt tài sản, hạ giá sản phẩm dự án bất động sản để thúc đẩy khách hàng mua bất động sản cũng như cắt giảm mọi chi phí không cần thiết.
Nhưng điều này cũng đã dẫn đến một số hệ luỵ như các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh thâu tóm toàn bộ vào thời điểm giá thấp còn khi thị trường nóng dần họ sẽ tung ra để bán. Do đó, các chuyên gia dự đoán trong nửa đầu năm 2023 tình hình thị trường bất động sản sẽ vẫn gặp rất nhiều khó khăn mà phải đến cuối năm 2023 mới có thể khắc phục được.