Thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm 2022: Sẽ còn nhiều biến động
Thị trường bất động sản 5 tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận sự khởi sắc đáng mừng. Nếu như 2 năm đại dịch, không chỉ bất động sản mà nhiều ngành nghề khác cũng bị đóng băng thế nhưng kể từ đầu năm 2022, khi Việt Nam chính thức chuyển sang giai đoạn bình thường mới, bất động sản đã chứng tỏ sự “vươn lên” của mình.
Mới đây tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Xây dựng, Phó Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường bất động sản đã đưa ra nhiều đánh giá khách quan. Theo đó, trong năm 2021, phân khúc đất nền có giá tăng đột biến, nhất là những khu vực có quy hoạch hoặc sát nhập, đầu tư hệ thống giao thông… Không những ở phân khúc đất nền, chung cư cũng là một trong những phân khúc tăng. Nhà riêng lẻ (nhà đất) cũng ghi nhận sự tăng đột biến khi có nơi lên tận 30%.
Một trong những nguyên nhân khiến bất động sản tăng cao được cho là do nguôn cung hạn chế. Không những thế, những thông tin để tiếp cận thị trường chưa thực sự kịp thời cũng như chính xác khiến tình trạng “thổi giá” vẫn còn nhiều. Được biết, đứng trước tình trạng này, phía Bộ Xây dựng cũng đã có nhiều văn bản để đôn đốc cũng như xử lý kịp thời để mong rằng có thể chấn chỉnh kịp thời. Giá bất động sản thời điểm hiện tại so với cùng kì năm 2021 đã có dấu hiệu hạ nhiệt, tuy nhiên có thể thấy rằng giá bất động sản vẫn còn cao. Theo nhận định trong 6 tháng cuối năm, thị trường bất động sản vẫn sẽ phát triển. Thế nhưng cần có những biện pháp xiết chặt để tránh những “làn sóng bất ổn” đã từng xảy ra như năm 2021.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh các nguồn cung, nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội là một trong những điều cần lưu ý. Có thể thấy rằng, trong hai năm đại dịch Covid, nguồn cung bất động sản giảm mạnh. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, năm 2021, nguồn cung nhà ở đã giảm tận 34% so với năm 2020. Và năm 2020, nguồn cung đã giảm tận ½ so với năm 2019. Trong hai năm 2020 – 2021, hầu như không có dự án nhà ở xã hội nào được cấp phép mới.
Thực tế đã chỉ ra rằng, nhà ở xã hội là phân khúc có nhu cầu cao nhất. Theo báo cáo từ phía Bộ Xây dựng, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đến nay mới đạt 7,3 triệu m2/12,5 triệu m2 theo như kế hoạch; trong đó nhà ở công nhân là 2,7 triệu m2 với 54.000 căn hộ, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị đạt khoảng 4,6 triệu m2 với 92.500 căn hộ. Cả nước hiện có 339 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai thế nhưng tốc độ chậm. Tính ra 6 tháng đầu năm, đã có 11 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân ở các địa phương được khởi công. Thế nhưng nguồn cung thấp cũng như các chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội còn chậm khiến nhiều người thu nhập thấp vô cùng hoang mang.
Cũng theo số liệu báo cáo của batdongsan.com, trong tháng 5 vừa qua thị trường bất động sản cả nước cũng có dấu hiệu hạ nhiệt. Mức độ quan tâm của người dân đối với thị trường đã giảm 7% so với cùng kì. Mức độ quan tâm bất động sản ở các loại hình cũng đã ghi nhận sự giảm sút. Đất nền giảm 12%, đất nền dự án giảm 20%. Bất động sản cho thuê lại là phân khúc được ghi nhận quan tâm nhiều nhất. Theo đó, phân khúc văn phòng cho thuê tăng hơn 100%, nhà mặt phố cho thuê tăng 64%, cửa hàng – ki-ot cho thuê tăng 48%, chung cư cho thuê tăng 9%.
Theo Batdongsan.com nhận định, sự sụt giảm mức độ quan tâm được cho là bắt nguồn từ nguyên nhân phía ngân hàng đang siết tín dụng cho vay cũng như thuế chuyển nhượng bất động sản. Nhiều ngân hàng cũng đã nâng lãi suất tiết kiệm khiến cho nhiều người dè chừng. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp bắt đầu khắt khe hơn, e dè hơn sau nhiều vi phạm từ các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Thị trường bất động sản có nhiều biến động trong những tháng đầu năm 2022 đã khiến nhiều người lo lắng. Thực tế nguồn cung bất động sản trên thị trường đang có dấu hiệu khan hiếm. Ngoài ra, quy định của pháp luật vẫn chưa thực sự cởi mở.
Thế nhưng một trong những điểm nhấn ấn tượng chính là các Bộ, ban ngành cũng đã có những động thái tháo gỡ các nút thắt để có thể theo kịp xu hướng cũng như tạo nên bước đệm bùng nổ của thị trường. Và câu chuyện thực tế đã chỉ ra rằng, những dự án mới ở thời điểm này chính là điểm nhấn ấn tượng của thị trường và điều này đã chỉ rõ ra nguyên do vì sao giá bất động sản ở Hà Nội và TP.HCM đã tăng phi mã trong thời gian vừa qua.
Và một “hiện tượng” có thể thấy rõ rằng, việc gom đất, ôm đất, ôm dự án rồi phân lô, tách thửa để bán cũng đã xảy ra rất nhiều ở các địa phương. Quá trình “sang tay”, mua đi bán lại nhiều nghiễm nhiên khiến giá tăng cao. Cũng không thể phủ nhận điều này đã tạo “đòn bẩy” cho việc bất động sản phát triển trở lại nhưng vô hình chung đã khiến giá đất “sốt ảo”, bong bóng thị trường ở khu vực đó làm nhiều người hoang mang. Không những thế, hệ luỵ của việc phục vụ lợi ích nhóm (nhỏ), đầu tư cục bộ sẽ khiến thị trường nhiễu loạn, nhất là nhiễu loạn về thông tin chính thống và có cơ sở.
Theo nhiều chuyên gia đánh giá, mặc dù năm 2022, thị trường bất động sản đã có nhiều sự phục hồi thế nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, đây cũng sẽ là một năm có rất nhiều khó khăn. Khó khăn từ nguồn cung các sản phẩm tới những chính sách tháo gỡ cho tới việc “đẩy giá”. Thế nhưng điều này cũng không thể nào “ngăn” được sự vận động của thị trường vì bất động sản vẫn là một trong những ngành đang trong chu kì thanh khoản cũng như đi lên trong một thời gian dài. Và chắc chắn, tâm lý của các nhà đầu tư sẽ tốt lên sau khi có nhiều sự khởi sắc của nhiều hướng.