Thép mạ từ Hàn Quốc, Trung Quốc không còn bị áp thuế chống bán phá giá
BÀI LIÊN QUAN
Giá thép trong nước đồng loạt "hạ nhiệt" sau đà tăng liên tiếp từ đầu năm 2022Quý 1/2022, lợi nhuận tôn thép ổn định ngoại trừ một doanh nghiệp lớn "sụt giảm"Được "vua thép" rót vốn, bất động sản những tỉnh này chắc chắn tăng giáDừng áp thuế chống bán phá giá
Theo Vietnamnet, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 924/QĐ-BCT về việc chấm dứt việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số mặt hàng thép mạ có xuất xứ từ Hàn Quốc và Trung Quốc. Mã vụ việc ER01.AD02.
Từ tháng 6/2021, Bộ Công Thương đã bắt đầu tiến hành rà soát cuối kỳ theo quy định của Luật Quản lý Ngoại thương và trên cơ sở Hồ sơ đề nghị rà soát của đại diện ngành sản xuất trong nước. Công tác điều tra đã được thực hiện theo đúng quy trình của Tổ chức Thương mại thế giới, Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã thu thập thông tin, tổng hợp ý kiến các bên liên quan, xem xét, đánh giá kỹ lưỡng về những tác động của sản phẩm thép mạ nhập khẩu với ngành sản xuất trong nước và mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Hàn Quốc và Trung Quốc.
Kết quả của cuộc điều tra cho thấy, sau 5 năm áp dụng biện chống bán phá giá, ngành sản xuất thép trong nước không còn chịu thiệt hại đáng kể. Đồng thời, trước mắt hàng hóa nhập khẩu từ Hàn Quốc và Trung Quốc cũng không có khả năng tái diễn thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.
Vì vậy, dựa trên cơ sở kết quả điều tra, thực hiện quy định của WTO, Luật Quản lý ngoại thương, các văn bản hướng dẫn và ý kiến của các bên liên quan, Bộ Công Thương quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Hàn Quốc và Trung Quốc.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi sát tình hình nhập khẩu một số mặt hàng thép mạ từ các nguồn vào Việt Nam để kịp thời có biện pháp phù hợp, theo đúng cam kết quốc tế và pháp luật trong nước nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước cũng như của người tiêu dùng.
Giá thép trong nước “hạ nhiệt”
Từ đầu năm tới nay, giá thép trong nước đã có 7 lần tăng giá liên tiếp, tổng mức tăng tới 2,4 triệu đồng/tấn, từ 16,5 triệu đồng/tấn lên hơn 19 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, đến giữa tháng 5/2022, giá thép đã có xu hướng giảm khi hàng loạt doanh nghiệp sản xuất thép trong nước thông báo điều chỉnh, đặc biệt là thép xây dựng.
Cụ thể, giảm nhiều nhất là thép thanh vằn và thép cuộn tròn trơn của Công ty Thép Tung Ho Việt Nam. Từ trung tuần tháng 5, những loại thép này giảm 500.000 đồng/tấn, giá giảm chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT).
Tiếp theo là thép cây và thép cuộn xây dựng của Công ty Thép Hòa Phát Hưng Yên, có mức giảm lần lượt là 300.000 đồng/tấn và 450.000 đồng/tấn (chưa bao gồm thuế VAT). Như vậy, thép cuộn Hòa Phát đã giảm hơn 310.000 đồng/tấn so với mức giá đỉnh hơn 19 triệu đồng/tấn trong 3 tháng qua.
Giá thép tại Công ty Cổ phần sản xuất Thép Việt Đức cũng có mức giảm tương tự. Như vậy, thép cuộn của doanh nghiệp này là 18,88 triệu đồng/tấn, giá thép thanh là 19,18 triệu đồng/tấn.
Tại Công ty Thép Việt Mỹ, giá thép cuộn giảm 350.000 đồng/tấn, các loại thép cây hạ 200.000 đồng/tấn, giá giảm chưa bao gồm thuế VAT.
Thép Thái Nguyên giảm 350.000-400.000 đồng/tấn thép trơn CB240 D8 và D6 (đường kính 8 mm, 6 mm) và thép vằn CB400. Sau giảm giá, thép trơn của doanh nghiệp này về còn 18,75-18,87 triệu đồng/tấn. Thép thanh vằn đường kính 10mm là 19,1-19,2 triệu đồng/tấn, còn đường kính 12 mm dao động 18,95 - 19,07 triệu đồng/tấn. Các mức giá phụ thuộc vào phía người mua thanh toán nhanh hay chậm, và chưa gồm thuế VAT.
Cùng chung xu hướng, thương hiệu thép Kyoei, thép thanh vằn D10 CB300 giảm 300.000 đồng/tấn, thép cuộn CB240 giảm 310.000 đồng/tấn. Sau khi giảm giá của hai loại thép này lần lượt là 18,78 triệu đồng/tấn và 18,57 triệu đồng/tấn.
Tại Tổng Công ty Thép Việt Nam giá thép cũng giảm còn 18,75 - 19,1 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm thuế VAT).
Như vậy, sau đợt điều chỉnh, giá thép trong nước bình quân là 18,5 - 19,7 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên mức giá này vẫn cao hơn từ 1,5 -1,7 triệu đồng/tấn so với thời điểm giữa năm 2021. Một số doanh nghiệp cho biết nguyên nhân của lần giảm giá thép này là do giá phôi thép và nguyên liệu đầu vào có xu hướng giảm. Ngày 9/5, giá quặng sắt tại cảng Thiên Tân (Trung Quốc) là 139 USD/tấn, giảm 16 USD/tấn so với hồi tháng 4. Các nguyên liệu khác như thép cuộn cán nóng (HRC), điện cực graphite... cũng trong xu hướng giảm so với cách đây một tháng.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 4 tháng đầu năm ngành thép trong nước đã sản xuất hơn 11,4 triệu tấn thép thành phẩm, tăng hơn 2% so với cùng kỳ năm 2021. Lượng thép tiêu thụ đạt gần 10,6 triệu tấn, trong đó xuất khẩu gần 2,5 triệu tấn (tăng trên 9% so với năm 2021).
VSA đánh giá, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp thép Việt Nam đã đáp ứng đủ nhu cầu cho thị trường nội địa. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu trong nước mới đáp ứng 20 - 30% nhu cầu sản xuất, 70 - 80% nguyên liệu vẫn phụ thuộc nhập khẩu. Như vậy, giá nguyên liệu thế giới chi phối giá thép tại Việt Nam.
Có thể thấy, việc giảm giá thép sẽ giảm bớt áp lực về chi phí đối với các nhà thầu công trình hạ tầng giao thông, đầu tư công hay xây dựng dân dụng công nghiệp, bởi chi phí dành cho thép chiếm 20 - 30% chi phí xây dựng công trình của các nhà thầu thi công. Do đó, cần có những biện pháp từ phía Bộ Công Thương và các doanh nghiệp sản xuất để bình ổn giá đối với loại mặt hàng đặc biệt này.