Theo chân nhà đầu tư Hà Nội: Cát Bà Đảo Ngọc mua một nhân ba?
Nhà đầu tư Hà Nội đang đầu tư bất động sản ở khắp nơi, đâu cũng thấy nhà đầu tư Hà Nội, thậm chí đi đến đâu thấy nói giọng Bắc là hay được hỏi “có mua đất không?”. Vậy khẩu vị, cách đầu tư của những nhà đầu tư Hà Nội đang như thế nào?”.
6h sáng ăn phở Hà Nội, 9h uống cafe ở Cát Bà
“Mai anh đi Cát Bà vợ nhé, lâu lắm rồi mới quay trở lại Cát Bà”
“Cát Bà à, đi rõ xa, qua cầu qua phà đến mệt, mấy cái bãi tắm thì bé tẹo, dịch vụ thì chán. Đi một lần rồi, giờ có cho thêm tiền cũng chẳng đi...”
Đó là đoạn hội thoại của tôi và vợ trước ngày lên đường xuống Cát Bà. Nói đến Cát Bà – trong “tâm thức” của nhiều người vẫn cứ là phải qua phà, di chuyển từ Hà Nội tới phải mất đến 5-6 tiếng. Trước đây hồi mới cưới, 2 vợ chồng tôi có chuyến đi Cát Bà, đợi để qua được phà tới nơi mất hơn 1 tiếng đồng hồ. Khách sạn trên đảo thì như nhà nghỉ, không mấy tiện nghi, đồ ăn thì vừa không ngon vừa đắt đỏ. Quanh đi quẩn lại chỉ ra tắm ở bãi tắm Cát Cò, buổi tối đi dạo bộ vài bước chân dọc con đường ven biển ở trung tâm thị trấn, xong rồi về, chẳng có gì hay ho hơn cho 1 chuyến du lịch. Thực chất cho đến tận bây giờ, rất nhiều người vẫn còn ấn tượng như vậy về Cát Bà – còn có tên gọi khác là Đảo Ngọc.
Mới đây, dịp nghỉ lễ 30/4, rất nhiều khách du lịch đã kêu than trên các trang mạng xã hội về việc phà Gót quá tải, thậm chí có gia đình còn phải qua đêm ngay trên ô tô vì không thể qua phà. Chuyến du lịch trở thành “cực hình”.
“Đúng là với Cát Bà, cái ngán nhất vẫn là việc phải qua phà, thế nên phải căn giờ để tiện di chuyển, và đừng đi vào những ngày cao điểm. Cát Bà giờ có thể đi về trong ngày. Đúng 6h sáng tập trung xuất phát nhé, tránh được cả tắc đường tại Hà Nội. Vẫn cứ làm bát phở cho ấm bụng được, tớ đảm bảo đúng 9h anh em có thể uống cafe tại trung tâm đảo Cát Bà”, anh Đỗ Huấn khẳng định. Mấy anh em trên 1 chiếc xe 7 chỗ, bắt đầu từ điểm đi là đường Giải Phóng, xuôi cao tốc hướng về Hải Phòng. Chỉ mất chưa đầy 2 tiếng trên đường cao tốc, cộng thời gian qua phà Gót, đúng chuẩn 9h sáng chúng tôi đã ngồi cafe tại đảo Cát Bà.
- Anh có mấy mảnh ở Cát Bà rồi đấy?
- Cứ tò mò thế nhỉ, hỏi toàn cái thiên cơ bất khả lộ. Thôi được rồi, nói thật là 3 mảnh, tớ mới lấy thêm một mảnh đấy. Giờ đi đầu tư ở Cát Bà thì cũng hơi muộn rồi đấy, nhưng tiềm năng vẫn tốt mà. Mảnh tớ mua cách đây 5 năm là 2 tỉ, sau lên 4 tỉ rồi giờ có người trả đến 5,5 tỉ rồi. Tớ không bán, cứ để đấy đã. Nhiều năm trước, từ hồi đi lại còn khó, tớ đã đi mòn chân ở Cát Bà rồi. Đảo tuy diện tích lớn, nhưng đa phần toàn rừng, đất ở của dân không phải dự án, pháp lý chuẩn, thuộc diện đầu tư sinh lời được ngon lành thì có mấy đâu, người ta mua gần hết rồi, giờ đều nhân ba cả, giá giờ lên cao hơn so với trước độ 3 lần rồi...
Anh Huấn tuổi đã qua trung niên, với 1 sự nghiệp kinh doanh khá thành công, tích lũy đủ để giờ có thể tự do tài chính. Nhiều năm gần đây, anh giao công việc kinh doanh của nhà cho vợ quản lý, chủ yếu là “lượn” rồi đầu tư bất động sản. Chẳng có chỗ nào khắp Việt Nam anh chưa đặt chân đến, đến nhiều lần và tìm hiểu rất kĩ, và bất động sản của anh trải dài từ Bắc vào Nam, con số cụ thể như thế nào thì chỉ mình anh biết. Anh không làm “cò” mà chỉ giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm cho những người thân thiết. Chuyến đi Cát Bà này là anh đưa những người bạn là nhà đầu tư đi kiểu vừa du lịch vừa thử tìm hiểu để đầu tư.
Chưa đặt chân đến đảo đã thấy rõ sự đổi thay
Với đường cao tốc, thời gian di chuyển rút ngắn lại rất nhiều, còn đến phà Gót bây giờ, cho xe lên phà xong, lên đứng hóng gió biển, thì sẽ lập tức có thể cảm nhận được Đảo Ngọc thay đổi mạnh mẽ.. Những trụ cột lớn sừng sững của tuyến cáp treo vượt biển là dấu hiệu nhận thấy ngay “chỗ này có dự án của Sun”. Khu đất lớn phía ngoài đảo sát bến phà có 1 dự án lớn, và đương nhiên, giá đất xung quanh đó đã lên từ lâu, các nhà đầu tư lâu năm nhiều kinh nghiệm đã “mua xong từ lâu rồi”.
Không chỉ ở Cát Bà, các dự án bất động sản ở các khu vực khác tại Hải Phòng cũng đang được giới đầu tư quan tâm, săn đón. Tham khảo ngay Mua nhà Hải Phòng để tìm hiểu và nắm bắt thông tin thị trường nhà đất tại Hải Phòng.
Với sự phát triển hoàn thiện của cơ sở hạ tầng, Cát Bà giờ không chỉ có con đường xuyên đảo duy nhất dài hơn 20 km như xưa nữa. Con đường di chuyển vào trung tâm thị trấn Cát Bà giờ là cung đường ven biển đẹp như mơ với những bông hoa giấy rực rỡ sắc màu, khiến các nhà đầu tư cũng phải xuống xe để “chụp ảnh check-in post Facebook sống ảo”.
“Căn này của một anh bạn tớ, cũng mua lâu rồi, giờ làm khách sạn. Trước đây mua được mảnh này rất rẻ, chỉ tầm 5 triệu 1 mét, giờ thì đất kiểu này ít ra cũng tầm 20 triệu 1 mét hoặc hơn”, anh Huấn chỉ vào một tòa nhà 6 tầng rất lớn ngay sau khi bắt đầu hết cung đường ven biển và vào khu dân cư.
Cát Bà chẳng có mấy bãi tắm, lại ngắn, quanh quanh có cái bãi Tùng Thu này thôi”, “Ông lại nhầm, có những bài mới rất hay nhé, đây, đoạn này, để tôi đưa các ông vào...”.
Qủa thật nếu không phải kiểu “còn hơn thổ địa, đi nhiều sẽ biết” đúng như lời anh Huấn nói thì sẽ khó biết được nhiều những khu đất rất đẹp và độc đáo. Đi sâu vào đảo, qua một con ngõ đã được hoàn thiện thành con đường bê tông đẹp xe ô tô vào được xuyên qua khu dân cư, chúng tôi gặp một bãi tắm nhỏ và biệt lập. Ngay đầu vào là một khu đất chủ đang rao bán, đi lên dốc lại là một mảnh nữa mới được san nền đẹp, tựa núi hướng biển rất đẹp về phong thủy. Đôi chỗ kiểu này, nhà đầu tư nào kĩ tính sẽ chỉ hơi lăn tăn vì thường có các ngôi mộ cũ vẫn còn lại từ xưa. Đi xuống tiếp lại là một khu đất đã có vài căn nhà bê tông chưa được hoàn thiện nằm ngay cạnh một góc bãi tắm được quây quanh bởi núi. “Qúa đẹp về mặt cảnh quan, giờ mới biết Cát Bà lại có những chỗ hay ho như vậy, thế mà trước đây chẳng bao giờ tôi có ý định đầu tư xuống đây”, một nhà đầu tư đi cùng đã phải thốt lên như vậy khi qua những khu đất này.
Ra xã đảo vẫn cứ thấy dấu ấn nhà đầu tư Hà Nội
Đi tiếp con đường dẫn vào trung tâm đảo, nhìn rõ đại dự án Cát Bà Amatina của Vinaconex ITC đang được hoàn thiện. “Khu trung tâm thương mại Hoa Cát – tinh hoa tiện ích thương lưu” được quảng bá, ai cũng thấy. Theo tìm hiểu, dự án bao gồm quần thể biệt thự, shophouse này có tốc độ bán rất tốt, “đa phần khách mua là người Hà Nội” là thông tin từ một sale của dự án này.
“Tùy mục đích, sở thích đầu tư thôi. Ai tiềm lực tài chính tốt, thích dự án hoàn thiện thì sẽ mua ở Amatina, nhiều người mua lắm. Còn lại, có thể mua khách sạn trung tâm, cũng có 1 vài khách sạn hoặc xây sẵn kiểu có thể khai thác dịch vụ lưu trú. Đất thích hợp để làm nghỉ dưỡng, home stay thì vào khu sát vườn Quốc gia, cách trung tâm khoảng 5 đến 7 km, đang có 1 mảnh đẹp, 1500 mét có 300 mét thổ cư ở xã Trân Châu. Giá đất ở Cát Bà có đặc trưng riêng” là thông tin tôi thu được. Về cơ bản, khu trung tâm có giá 50-60 triệu 1 mét vuông, đất thổ cư khu vực xa hơn thì 15-20 triệu 1 mét vuông. Cá biệt có những lô đất vị trí mặt đường ven biển trung tâm đẹp, cạnh bến du thuyền thì được rao bán lên tới 100 triệu/1 mét vuông.
Sau khi xem vài mảnh đất, nhóm chúng tôi tiếp tục hành trình theo kiểu vừa du lịch khám phá vừa tìm hiểu đầu tư. Bữa trưa hải sản bên bè không được ngon miệng lắm, với hóa đơn cho 6 người là 3 triệu đồng. Cả nhóm thuê trọn gói 1 chuyến tàu làm 1 tour đi ngắm cảnh đẹp trên vịnh Lan Hạ, rồi đáp vào Việt Hải.
Việt Hải là 1 xã khá đặc biệt, một ốc đảo vẫn còn nhiều nét nguyên sơ với chỉ khoảng 80 hộ dân. Các dịch vụ du lịch bao gồm có xe đón đi xuyên qua con đường rất đẹp với những vòm cây vào sâu trong đảo. Một vài hộ dân đã làm dịch vụ home stay, người dân đảo sẵn lòng mời khách đến một bữa cơm gia đình. “Một anh bạn mình sau khi đến đây, mê quá, rồi quay trở lại và đã xuống tiền mua 1 mảnh 2000m rồi. Hiện đang có 1 mảnh 1000m bán...”. Với tính chất ốc đảo như thế này, việc đầu tư xây dựng một công trình nhà ở là khá khó khăn và tốn kém, dù tiềm năng lâu dài thì ai cũng thấy. Đúng là các nhà đầu tư Hà Nội đi khắp nơi, ở những chỗ xa xôi biệt lập mà vẫn cứ bắt gặp thông tin nhà đầu tư Hà Nội xuống mua đất.
Hiện tại, ở Cát Bà, dự án thành công nhất là của Flamingo Cát Bà Beach Resort. Ba tòa nhà khách sạn view biển tựa vào núi rất đẹp nếu xét về mặt cảnh quan kiến trúc. Kể từ khi đi vào hoạt động, Flamingo Cát Bà Beach Resort luôn trong tình trạng kín phòng, dù giá phòng không thấp so với mặt bằng chung. Có những công trình có thể thúc đẩy sự phát triển của cả một địa phương, và ở Cát Bà, có thể coi Flamingo Cát Bà Beach Resort là công trình kiểu này. Hiện tại, ở Cát Bà, nhiều khách sạn đã được xây mới, rất đẹp, đánh giá tổng quan thì đã hơn xưa rất nhiều về mọi mặt. Đảo Ngọc với vịnh Lan Hạ - 1 trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới còn rất nhiều tiềm năng mà chưa được khai thác hết, chưa được khai thác du lịch đủ đầy và chuyên nghiệp mà vẫn đang phát triển.
Sau chuyến hành trình ngắn kiểu “tìm hiểu đầu tư” thì tôi được biệt một thành viên của nhóm - 1 nhà đầu tư đã tiếp tục “lặng lẽ” quay trở lại Cát Bà. Với phong cách đúng kiểu "nhà đầu tư Hà Nội" này, khả năng cao là anh sẽ sắp thông báo rằng “anh cũng vừa mua một mảnh ở Cát Bà rồi”.