Thêm một công ty chứng khoán vay nợ Thế giới Di động trăm tỷ đồng
BÀI LIÊN QUAN
Thế Giới Di Động tạm dừng kinh doanh AVAFashion, AVAJi sau 6 tháng thử nghiệm không hiệu quả, dồn lực vào phát triển chuỗi nhà thuốcThế Giới Di Động công bố kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm: Lãi 2.200 tỷ đồng, biên độ lãi ròng giảm sútDragon Capital hạ lượng nắm giữ tại Thế giới Di động khi bán gần 1,1 triệu cổ phiếu MWGThế giới Di động (MWG) vốn nổi tiếng là doanh nghiệp nắm giữ lượng tiền mặt lớn trên thị trường chứng khoán. Theo báo cáo tài chính hợp nhất Quý I/2022 của MWG, doanh nghiệp này sở hữu lượng tiền mặt và tương đương tiền khoảng 3.259 tỷ đồng (trong đó 508 tỷ tiền mặt và hơn 2.650 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng). Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022, MWG đã thu về gần 211 tỷ lãi tiền gửi.
Bên cạnh tiền gửi ngân hàng, công ty này còn cho các công ty chứng khoán vay ngắn hạn. Theo báo cáo tài chính Quý I/2022, đơn vị vay ngắn hạn MWG có Chứng khoán HSC (765 tỷ đồng), Chứng khoán VPS (158 tỷ đồng). Đây đều là các khoản cho vay với kỳ hạn ngắn từ 3 đến 6 tháng với lãi suất từ 6,4% đến 7% mỗi năm.
HSC và VPS đều nằm trong top 5 thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE). Thậm chí, VPS còn dẫn đầu về môi giới cổ phiếu trên cả 3 sàn HoSE, HNX và UpCOM trong khi HSC chỉ xếp thứ 5 trên sàn HoSE với thị phần môi giới 5,4%.
Đến Quý II/2022, có thêm một công ty chứng khoán khác cũng phát sinh vay nợ ngắn hạn từ MWG là Công ty cổ phần chứng khoán Tiền Phong (TPS). Được biết TPS vay 150 tỷ đồng với lãi suất 8-8,2%/năm. Ngoài ra, đơn vị này còn có khoản vay với Ngân hàng Shinhan – Chi nhánh Singapore, chịu lãi suất 3%/năm.
Mặc dù là chủ nợ của các công ty chứng khoán nhưng MWG cũng đang vay nợ gần 24.500 tỷ đồng (toàn bộ là nợ ngắn hạn) gấp đôi so với số dư khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn. Trong đó, các chủ nợ lớn nhất của MWG bao gồm ngân hàng BNP Paribas, VietinBank, Sumitomo Mitsui, Vietcombank,....
Tuy nhiên, chi phí lãi vay doanh nghiệp bán lẻ phải chi trả trong quý đầu năm chỉ vào khoảng 200 tỷ đồng, thấp hơn số tiền lãi thu về từ cho vay. Do đó, nhiều khả năng MWG được các tổ chức tín dụng cho vay với lãi suất rất thấp.
Về kết quả kinh doanh quý đầu năm, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt kỷ lục 36.467 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ và thực hiện 26% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu online chiếm 16% đạt 5.935 tỷ đồng, tăng 138% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 1.445 tỷ đồng, tăng 8% so với nền rất cao của quý 1/2021 và là mức cao thứ 2 trong lịch sử hoạt động.
Tính đến cuối tháng 3/2022, MWG vận hành 5.497 cửa hàng, bao gồm 985 cửa hàng Thế Giới Di Động (TGDĐ), 2.077 cửa hàng Điện Máy Xanh (ĐMX), 29 cửa hàng Topzone, 2.127 cửa hàng Bách Hoá Xanh (BHX), 211 nhà thuốc An Khang, 44 cửa hàng Bluetronics và 24 cửa hàng AVA độc lập.
Mới đây, MWG đã công bố nghị quyết HĐQT triển khai phương án chia cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt tỷ lệ 10% trong tháng 6 và cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 1:1 trong tháng 6 hoặc 7, sau khi được UBCKNN chấp thuận. Với 732,2 triệu cổ phiếu đang lưu hành, MWG dự kiến chi khoảng 732,2 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt và phát hành 732,2 triệu cổ phiếu, vốn điều lệ theo đó tăng gấp đôi lên 14.644 tỷ đồng.
MWG là một trong số các doanh nghiệp lớn trên thị trường đang áp dụng nghiệp vụ tài chính Corporate Treasury (tạm dịch: Nghiệp vụ ngân quỹ doanh nghiệp) để kiếm lợi nhuận từ các hoạt động tài chính. Dù có khoản vay nợ lớn và từng chạm mốc 1 tỷ USD vào thời điểm cuối năm 2021, nhưng ông lớn bán lẻ này cũng đồng thời có khoản thu đáng kể từ lãi cho vay và lãi tiền gửi.