Thanh Hóa: Loạt dự án được ưu tiên từ 15.000 tỷ đồng vốn đầu tư công
BÀI LIÊN QUAN
Vingroup động thổ hai dự án nhà ở xã hội tại Thanh Hóa, Quảng TrịThành phố Thanh Hóa sẽ có tên gọi mới?Hải Tiến (Thanh Hoá): "Thủ phủ" giá đất nền mới của tương lai?Tập trung cho các dự án trọng điểm
Theo vneconomy.vn, mới đây, cử tri tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, quyết định chủ trương đầu tư các tuyến đường đi qua địa bàn tỉnh này gồm: tuyến đường Hồ Chí Minh tránh phía Đông Nam thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy; Quốc lộ 16 đoạn đi qua ngã tư chợ Ngàm; đầu tư nâng cấp các tuyến Quốc lộ như Quốc lộ 47 đoạn qua xã Tân khang đi thị trấn Nưa.
Trả lời đề nghị của cử tri, Bộ Giao thông Vận tải cho biết trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, Bộ đã cân đối khoảng 14.893 tỷ đồng để thực hiện các dự án.
Theo đó, đến năm 2025, sẽ triển khai ưu tiên các tuyến đường bộ cao tốc tại tỉnh Thanh Hóa gồm các đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Các dự án thành phần Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Dự án Diễn Châu - Bãi Vọt dự kiến hoàn thành vào năm 2024.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải ưu tiên triển khai các dự án nâng cấp Quốc lộ 15 đoạn qua tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa (tiểu dự án 3), dự án này có tổng mức đầu tư 1.051 tỷ đồng với quy mô đường cấp III miền núi. Hiện nay, các nhà thầu đang phấn đấu thi công để hoàn thành toàn bộ dự án vào tháng 12/2022.
Trong gần 15.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 được “rót” về tỉnh Thanh Hóa cũng sẽ để dành đầu tư cho các dự án thuộc chuyên ngành đường sắt, hàng hải.
Đầu tư dự án phù hợp với ngân sách
Về tuyến đường Hồ Chí Minh tránh phía Đông Nam thị trấn Phong Sơn mà cử tri tỉnh Thanh Hóa đề nghị. Đầu tư tuyến đường này nằm trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021. Theo đó đường Hồ Chí Minh đoạn qua thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy có quy mô quy hoạch cấp III với 2 làn xe.
Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đã đầu tư hoàn thành đường Hồ Chí Minh và tuyến Quốc lộ 217 tránh Cẩm Thủy (nhánh và nhánh Tây) theo quy hoạch được duyệt từ năm 2005 và năm 2014.
Do đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa chuyển kiến nghị của cử tri nêu trên đến UBND tỉnh Thanh Hóa để tiến hành kiểm tra, rà soát và cân đối nguồn vốn đầu tư khi nhu cầu vận tải trên tuyến tăng cao theo quy định tại khoản 3, mục III Điều 1 Quyết định số 1454/QĐ -TTg.
Về đầu tư nâng cấp các tuyến Quốc lộ 47C đoạn qua xã Tân Khang đi thị trấn Nưa, xét theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được duyệt thì Quốc lộ 47C đoạn từ xã Tân Khang, huyện Nông Cống đi thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn có tổng chiều dài khoảng 7,18 km, với quy mô quy hoạch cấp IV, III, 2 - 4 làn xe. Hiện trạng của tuyến đường có quy mô cấp V, 1 làn xe.
Bộ Giao thông Vận tải thống nhất với kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa về việc sớm đầu tư Quốc lộ 47C đoạn đoạn từ xã Tân Khang, huyện Nông Cống đi thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn theo quy hoạch để đảm bảo tính đồng bộ, phát huy hiệu quả của tuyến đường, giải quyết vấn đề về lưu thông hàng hóa và hành khách, đảm bảo an ninh quốc phòng cho tỉnh Thanh Hóa nói riêng và các tỉnh vùng Bắc Trung bộ nói chung.
Tuy nhiên, do Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông vận tải được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 rất hạn hẹp, trong đó, nguồn lực tập trung chủ yếu cho các dự án động lực quan trọng, cấp bách theo các nguyên tắc, tiêu chí của Quốc hội, Chính phủ, nên chưa thể cân đối bố trí vốn cho dự án tuyến Quốc lộ 47C đoạn qua xã Tân Khang đi thị trấn Nưa.
Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải sẽ ghi nhận kiến nghị và nghiên cứu đầu tư dự án vào thời điểm thích hợp, khi đã cân đối được nguồn vốn. Trong thời gian trước mắt, Bộ sẽ giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát đánh giá, tăng cường duy tu, cải tạo mặt đường nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại trên tuyến.
Về việc đầu tư Quốc lộ 16 đoạn đi qua ngã tư chợ Ngàm, theo quy hoạch, tuyến đường nối các huyện Tây Thanh Hóa và Tây Nghệ An được nâng thành Quốc lộ 16.
Bộ Giao thông vận tải cho hay quy định tại Khoản 4, mục III, Điều 1 Quyết định số 1454/QĐ -TTg nêu rõ: "Các tuyến đường địa phương được quy hoạch thành quốc lộ trong quyết định này chỉ nâng lên quốc lộ sau khi được đầu tư bảo đảm quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy hoạch và không thấp hơn quy mô đường cấp IV, 2 làn xe".
Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa căn cứ quy định nêu trên huy động nguồn lực của địa phương để đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường tỉnh này, đảm bảo tiêu chí nâng cấp thành quốc lộ theo quy định, trong đó có việc đầu tư đoạn đi qua ngã tư chợ Ngàm.
Có thể nói, hạ tầng giao thông là một trong những lĩnh vực được tỉnh Thanh Hóa chú trọng, tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định phát triển hạ tầng là 1 trong 3 khâu đột phá trong 5 năm tới. Thanh Hóa xác định trọng tâm đầu tư là các dự án hạ tầng trọng điểm, đặc biệt là hạ tầng giao thông, khu kinh tế, khu công nghiệp và đô thị để khắc phục những điểm nghẽn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Giao thông thông suốt sẽ mở đường thu hút các dự án đầu tư đến với Thanh Hóa. Khi khoảng cách về địa lý được xóa bỏ, bên cạnh đường bộ, nhiều dự án giao thông khác như quy hoạch Sân bay Thọ Xuân, nghiên cứu tuyến đường sắt tốc độ cao đoạn Hà Nội – Vinh, đầu tư phát triển hệ thống cảng biển… sẽ ngày càng hoàn thiện bức tranh giao thông xứ Thanh, thuận lợi cho giao thương giữa tỉnh này với cả nước và quốc tế.