Tăng trưởng lợi nhuận đạt đỉnh, các nhóm doanh nghiệp bán lẻ sẽ chịu sức ép từ lạm phát?
BÀI LIÊN QUAN
Giám đốc IMF: Lạm phát có thể sẽ được kiềm chế vào năm tớiTổng thống Mỹ nói số liệu lạm phát mới "đã cũ" nhưng dân Mỹ không tin“Chật vật” chống lạm phát, Fed sắp được cứu cánh bởi đại gia bán lẻLạm phát toàn cầu đang ở mức kỷ lục. Với riêng Việt Nam dù rằng nền kinh tế có sức chống chịu khá tốt, song áp lực lạm phát cũng ngày càng gia tăng. Theo đánh giá từ SSI Research, lạm phát sẽ làm ảnh hưởng đến sức mua, buộc người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu đối với các mặt hàng không thiết yếu từ quý II/2022.
Lạm phát tác động lớn đến ngành bán lẻ
Các mảng ICT & CE, DGW đã công bố lợi nhuận ròng quý II/2022 tăng trưởng 20% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mức lợi nhuận này lại chậm hơn nhiều so với mức tăng trưởng 97% so với cùng kỳ quý I/2022. Với MWG, tăng trưởng doanh thu từ mảng ICT & CE trong tháng 5 là 2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 20- 22% từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2022.
Trong 6 tháng cuối năm 2022, tăng trưởng doanh thu của mảng ICT& CE được dự đoán sẽ lớn hơn mức tăng trong 6 tháng đầu năm do nền cơ sở thấp trong nửa cuối năm 2021. Đối với các công ty có tỷ trọng doanh thu máy tính xách tay trong tổng doanh thu cao như FRT và DGW, mức doanh thu có thể ở mức một con số do nền cơ sở cao hơn 6 tháng cuối năm 2021. Ngoài ra, vấn đề thiếu chip toàn cầu cũng ảnh hưởng.
Năm 2023, giới phân tích dự đoán tăng trưởng doanh thu sẽ thấp hơn so với mức tăng trưởng trước dịch COVID-19 do tỷ lệ sở hữu thiết bị di động và đồ gia dụng lớn hiện nay cao hơn trước. Với thị trường các thiết bị gia dụng nhỏ, nhu cầu vẫn có thể tăng trưởng do mức độ thâm nhập thị trường hiện nay của các sản phẩm vẫn còn ở mức thấp.
Với những điều trên, SSI Research dự báo doanh thu đi ngang đối với mảng ICT và tăng trưởng ở mức một con số đối với mảng CE. Diễn biến ngành sẽ tiếp tục theo mô hình chữ K. Các công ty lớn sẽ giành được nhiều thị phần hơn nhờ khả năng thương lượng với các nhà cung cấp, cho phép họ giảm thiểu tác động của giá vốn tăng cao và từ đó đưa ra được nhiều chiết khấu hơn để hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh áp lực lạm phát.
Với mảng trang sức, môi trường lạm phát khiến mảng kinh doanh này xuất hiện đầy thách thức. Tuy nhiên mức tăng trưởng doanh thu của các công ty kinh doanh trang sức vẫn sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi sau COVID-19 vì mức nền so sánh thấp trong 6 tháng cuối năm 2021 do tình trạng giãn cách xã hội kéo dài.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới, năm 2023, tổng nhu cầu của ngành kinh doanh trang sức với vàng và vàng trang sức tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 43 tấn. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn so với mức trước COVID-19 là 56 tấn vào năm 2019.
Năm 2023, dự báo suy giảm kinh tế trên diện rộng sẽ gây áp lực lên nhu cầu tiêu dùng vàng, tuy nhiên tác động và mức độ kéo dài của lạm phát ở Việt Nam sẽ là những yếu tố quyết định đến chi tiêu của người có thu nhập cao đối với hàng hóa không thiết yếu như đồ trang sức. Bởi vậy, các nhà đầu tư không quá kỳ vọng vào nhu cầu vàng trong năm 2023 sẽ vượt mức trước COVID-19. Tuy nhiên, lĩnh vực bán lẻ trang sức vẫn đang trong giai đoạn phục hồi theo hình chữ K trong 2 năm qua. Do đó, các công ty hàng đầu như PNJ đã ghi nhận doanh thu vượt xa mức năm 2019. Năm 2023, doanh thu của PNJ vẫn sẽ tăng trưởng so với giai đoạn trước đại dịch, mặc dù sẽ chậm lại so với mức tăng trưởng năm 2022.
Rủi ro giảm giá là lạm phát và suy thoái sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mức chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu. Người thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên, trong khi chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu của người thu nhập cao vẫn ổn định. Tuy nhiên, nếu tình trạng lạm phát và suy thoái kéo dài, chi tiêu của những người thu nhập cao cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp đã đạt đỉnh
Theo đánh giá từ SSI Research, lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp ngành bán lẻ đã đạt đỉnh. Cụ thể, lợi nhuận cả giá trị tuyệt đối và % tăng trưởng so với cùng kỳ của DWG đã đạt đỉnh vào quý IV/ 2021 nhờ doanh thu máy tính xách tay tăng cao bất thường, do đó tăng trưởng lợi nhuận quý IV/2022 có thể sẽ âm.
Năm 2023, lợi nhuận của DGW có thể vẫn tăng nhờ vào sự đóng góp nhiều hơn từ các hợp đồng mới được ký kết (hợp đồng phân phối thiết bị gia dụng thương hiệu Whirlpool và Joyoung), và doanh thu từ các hợp đồng hiện tại có thể vẫn tăng lên (điện thoại di động Xiaomi tiếp tục chiếm thị phần, giá bán iPhone tiếp tục tăng hàng năm).
Lợi nhuận (cả giá trị tuyệt đối và % tăng trưởng so với cùng kỳ) của FRT đạt đỉnh trong quý IV/2021 nhờ doanh thu máy tính xách tay cao bất thường. Do đó lợi nhuận quý IV/2022 sẽ giảm so với mức cao của năm ngoái. FRT vẫn có thể tăng lợi nhuận vào năm 2023 (dù rất ít) nhờ thị phần trong ngành bán lẻ ICT tăng lên.
Lợi nhuận năm 2023 của FRT cũng sẽ được hỗ trợ từ lợi nhuận của chuỗi nhà thuốc. Nhờ có kinh nghiệm lâu đời trong kinh doanh bán lẻ dược phẩm, Long Châu sẽ tiếp tục giành thị phần từ các cửa hàng thuốc nhỏ lẻ.
MWG vẫn có thể tăng lợi nhuận nhờ tăng thị phần trong mảng ICT và CE, mặc dù tăng trưởng từ mảng này sẽ thấp. Tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 của MWG còn phụ thuộc vào thành công của hoạt động tái cơ cấu BHX được thực hiện trong Quý II và Quý III/2022.
Nếu quá trình tái cấu trúc thành công, tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai có thể bắt kịp mức tăng trưởng trước đại dịch mức tăng trưởng 30-40% trong giai đoạn 2017-2019. Trong ngắn hạn, lạm phát gia tăng và chi phí đóng cửa các cửa hàng BHX có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu MWG, vì vậy không khuyến nghị mở vị thế vào thời điểm hiện tại. SSI Research cho biết sẽ đánh giá lại cổ phiếu khi hoạt động tái cơ cấu BHX cho kết quả khả quan.
Cuối cùng, dự báo PNJ sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất về lợi nhuận trong quý III/2022 do công ty đã lỗ trong quý III/2021 vì phải đóng cửa nhiều cửa hàng do các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt.