“Chật vật” chống lạm phát, Fed sắp được cứu cánh bởi đại gia bán lẻ
Hiệu ứng BullWhip
Mới đây, huyền thoại bán khống Michael Burry đã đưa ra cảnh báo trên nền tảng Twitter rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đảo ngược tiến trình tăng lãi suất và thắt chặt chính sách nếu “hiệu ứng bullwhip” xảy ra trong lĩnh vực bán lẻ.
Cụ thể, bài đăng tweet của Burry vào ngày 27/6 như sau: “Hiện tượng Bullwhip là tình trạng thừa nguồn cung tại các chuỗi bán lẻ hiện nay. Nếu không biết đây là gì, hãy tra Google”.
Michael Burry nói về khái niệm này như là tác động giảm phát khi các nhà bán lẻ tích trữ quá nhiều hàng tồn kho. Về mặt lý thuyết, sau cùng, các nhà bán lẻ sẽ phải hạ giá những sản phẩm để có thể giải phóng lượng hàng tồn kho khổng lồ đó.
Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ, tất cả các doanh nghiệp trong nước đều có lượng tồn kho hàng hóa tăng mạnh vào tháng tư khi mà doanh số bán hàng đang chững lại.
Reuters đưa tin rằng lượng hàng tồn kho của tháng tư tăng khoảng 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức hơn 2.345 tỉ USD. Mức tăng của tháng tư cũng trùng khớp với dự đoán của các nhà kinh tế.
Trong đó, so với cùng kỳ năm 2021, tồn kho hàng hóa của các nhà bán lẻ cao hơn khoảng 15,2% đạt giá trị hơn 692 tỉ USD. Con số này đã tăng liên tiếp tính từ cuối năm ngoái. Đây là thời điểm nền kinh tế đang dần hồi phục sau đại dịch covid-19.
Gom hàng quá lố? Vì sao?
Fed đã chi hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế ở giai đoạn đầu của đại dịch để đảm bảo không khiến thị trường tài chính sụp đổ. Các gói cứu trợ covid có giá trị hàng nghìn tỷ USD cũng được chính phủ Mỹ tung ra.
Người tiêu dùng có tiền hỗ trợ trong tay đã chi mạnh tay vào một loạt các hàng hóa vật chất từ tủ lạnh, tivi, quần áo đến máy chơi game. Trong thời gian này, hoạt động mua sắm trực tuyến cũng đã bùng nổ.
Theo số liệu từ Cục Thống kê Dân số Mỹ, doanh số e-commerce nếu chỉ tính riêng trong năm 2020 (tức năm đầu đại dịch bùng phát) đã tăng hơn 43%, từ mức 571,2 tỷ USD năm 2019 lên 815,4 tỷ USD.
Tại cùng một thời điểm, việc sản xuất hàng hóa tại Mỹ và Trung Quốc đều bị dừng lại hoặc gián đoạn trầm trọng. Sản lượng hạn chế và tiêu dùng tăng cao khiến lượng tồn kho hàng hóa sụt giảm nhanh chóng.
Hệ quả là các nhà bán lẻ phải mua thêm hàng vì nhu cầu quá cao ở thời điểm đó. Hệ thống bán buôn và sản xuất cũng bắt tay vào guồng. Các nhà bán lẻ tại Mỹ lại đặt nhiều hàng hơn khi những đơn đặt hàng không đến theo như kế hoạch.
Người tiêu dùng tiếp tục mua sắm nhiều hơn vì họ vốn đang lạc quan và dư thừa tiền mặt trong bối cảnh thị trường việc làm ổn định và nền kinh tế có những dấu hiệu khởi sắc. Dù có độ chậm trễ nhất định nhưng những hàng hóa từ nhà sản xuất đến các kho chứa của nhà bán lẻ ngày càng nhiều hơn.
Tuy nhiên, vào đầu năm nay, người tiêu dùng lại đột ngột chùn bước vì những sức ép từ lạm phát tăng phi mã cũng như triển vọng kinh tế xấu đi khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, hành vi người tiêu dùng cũng thay đổi, từ việc tiêu thụ hàng hóa vật chất chuyển sang những dịch vụ như du lịch và ăn uống ngoài nhà hàng.
Những kho hàng của những đại gia bán lẻ như Target hay Walmart vẫn đầy ắp hàng hóa đổ về, chất thành đống. Mức chênh lệch lớn giữa nhu cầu thực tế của người dân Mỹ và số lượng hàng tồn kho đã xảy đến chính vì các tập đoàn bán lẻ có tâm lý quá lạc quan. Và rồi số lượng tồn kho tăng vọt lên mức cao như hiện nay.
Cứu cánh của Fed
Ngân hàng Trung ương Mỹ trong những tháng qua đã liên tục cố gắng hạ nhiệt lạm phát tiêu dùng đang ở mức đỉnh điểm của hơn 40 năm. Họ đã có 3 lần tăng lãi suất liên tiếp vào tháng 3, 5 và 6.
Fed đã ra tín hiệu tiếp tục nâng lãi suất vào cuối tháng 7 này, thêm 75 điểm cơ bản. Đây là mức tăng lớn lặp lại như hồi tháng 6. Theo dữ liệu từ CME Group, dự đoán của thị trường cho thấy Fed sẽ tăng lãi suất từ mức 1,6% hiện nay lên khoảng 3,5% vào cuối năm 2022.
Thế nhưng, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải đối mặt với thách thức lớn rằng họ có thể đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái một khi nâng lãi suất quá mạnh tay. Đây là một kịch bản vô cùng tồi tệ trong bối cảnh hiện nay.
Dẫu vậy, Chủ tịch Jerome Powell hay các quan chức của cơ quan hoạch định chính sách của Fed có quyền biểu quyết trong Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đều tỏ ra sự quyết tâm trong việc khống chế giá cả leo thang.
Mới đây, một số nhà phân tích cho rằng lạm phát có thể sẽ đạt đỉnh khoảng 8,8% trong tháng 6 rồi hạ nhiệt dần từ tháng 7. Thế nhưng, sự sụt giảm này có thể không phải do nỗ lực của Cục dự trữ liên bang Mỹ mà là do lượng hàng hóa tồn kho bán lẻ đang ở mức khủng.
Hiện tại, như cảnh báo của huyền thoại bán khống Michael Burry, ngân hàng Trung ương Mỹ còn có thể thay đổi kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ. Điều này cũng có thể hiểu rằng Fed có thể giảm bớt tốc độ nâng lãi suất trong những tháng cuối năm nhằm giúp rủi ro suy thoái của nền kinh tế Mỹ dịu đi.
Để giải phóng hàng tồn kho, các nhà bán lẻ như Target, Walmart và Bed, Bath & Beyond đã có ý tưởng hạ giá thành của sản phẩm. Bởi lẽ hàng tồn kho đã tốn cả đống tiền của doanh nghiệp để cất trữ.
Theo đưa tin từ CNN, thậm chí một số nhà bán lẻ còn xem xét việc hoàn lại tiền cho những hàng hóa mà khách đã mua và muốn trả lại chỉ cần khách hàng không mang chúng quay trở lại cửa hàng của họ.
Trong rổ hàng hóa mà chính phủ Mỹ sử dụng để tính toán mức lạm phát, hàng tiêu dùng chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ. Thế nhưng một khi tồn kho bán lẻ trở nên quá thừa thãi, thị trường ô tô và nhà ở đều có thể sẽ bắt đầu chững lại, điều đó góp phần giúp tình trạng lạm phát dịu bớt đi.
“Chúng tôi có thể thấy rằng các nút thắt trong chuỗi cung ứng đang được nới lỏng, giá gỗ xẻ giảm, giá cước vận tải đi xuống và nhiều chi phí khác trên diện rộng cũng đang có dấu hiệu hạ nhiệt”, theo bà Quincy Krosby - chiến lược gia cấp cao của công ty tài chính LPL Financial.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed có thể điều chỉnh kế hoạch thắt chặt tiền tệ là tăng lãi suất. Vậy việc này sẽ diễn ra vào thời điểm nào nếu theo lời của ông Burry? Theo khẳng định của Chủ tịch Jerome Powell, Fed cần nhìn nhận bằng chứng đáng kể rằng lạm phát đã có phần chậm lại trước khi đi đến thực hiện biện pháp tiếp theo.
Hiện tay, theo ước tính, số liệu CPI sẽ giảm dần từ tháng 7. Bởi vậy, rất có thể FOMC sẽ tạm ngừng việc nâng lãi suất vào cuối tháng 9. “Tạm ngừng” cũng có nghĩa rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed chỉ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản thay vì 50 hay 75 điểm cơ bản trong bối cảnh như hiện tại.