Tận dụng nguồn lực sẵn có, Đà Nẵng đặt mục tiêu thu hút 7 tỷ USD vốn FDI
BÀI LIÊN QUAN
Đang có 1.389 căn nhà ở xã hội ngoài ngân sách nhà nước đủ điều kiện bán tại Đà NẵngGiai đoạn 2021 - 2025, Đà Nẵng chi gần 100.000 tỷ đồng đầu tư nhà ở thương mại Đà Nẵng xác định 7 khu vực trọng điểm phát triển kinh tếHấp dẫn dòng vốn FDI
Theo thoibaonganhang.vn, dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine của Tập đoàn Universal Alloy Corporation (UAC) của Mỹ đầu tư tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng là một trong tám dự án được UBND TP Đà Nẵng trao Giấy chứng nhận đầu tư tại chương trình Tọa đàm mùa xuân 2019 có tổng vốn đầu tư lên đến 170 triệu USD.
Hiện nay, dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 và đi vào vận hành. Trong đó, nhà máy có tổng diện tích 16,7 ha; công suất thiết kế đạt 12.470 tấn hệ mét/năm. Trong giai đoạn 1, nhà máy được xây dựng trên diện tích 10,9 ha với mặt bằng khu sản xuất rộng 4,7 ha; quy hoạch thành các phân khu sản xuất những bộ phận chi tiết dùng trong ngành hàng không vũ trụ, sản xuất nguyên liệu thô và lắp ráp bằng vật liệu hợp kim nhôm.
Đại diện Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Vietnam (UACV) cho biết trong thời gian xây dựng dự án, doanh nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ, hợp tác và kết nối rất tốt từ chính quyền TP Đà Nẵng. Doanh nghiệp rất hài lòng khi chọn Khu Công nghệ cao Đà Nẵng làm nơi đầu tư.
TP Đà Nẵng có những điều kiện rất tốt về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và sự hỗ trợ của chính quyền. Môi trường đầu tư tại thành phố rất thuận lợi để thu hút UAC cũng như các nhà đầu tư khác.
“Chúng tôi đã nhận rất nhiều ưu đãi như miễn tiền thuế đất, thời gian thuê đất, đóng thuế doanh nghiệp, đặc biệt là sự thông thoáng trong thủ tục hành chính. Mặc dù đại dịch gây nhiều khó khăn, tuy nhiên, thời gian qua, công ty vẫn đảm bảo duy trì sản xuất", đại diện UACV nói. Với những ưu điểm này, hiện doanh nghiệp đang tính toán lại tài chính và xem xét đầu tư giai đoạn 2 của dự án trong thời gian tới.
Một dự án có vốn FDI khác tại Đà Nẵng là Khu phức hợp nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp Da Nang Mikazuki của Tập đoàn Mikazuki Nhật Bản được xây dựng tại bãi biển Xuân Thiều (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), được chính thức đưa vào hoạt động từ tháng 6/2022. Đây là dự án đầu tiên của thương hiệu nghỉ dưỡng hàng đầu Nhật Bản đầu tư tại TP Đà Nẵng. Dự án có quy mô 13 ha với tổng vốn đầu tư hơn 150 triệu USD, gồm nhiều hạng mục từ lưu trú, nhà hàng… đến giải trí biển và giải trí trong nhà.
Ông Yoshimune Odaka, Chủ tịch Tập đoàn Mikazuki cho biết, đến thời điểm hiện tại tập đoàn đã rót số vốn vào dự án này vượt xa dự tính ban đầu. “Mikazuki sẽ biến dự án này trở thành minh chứng điển hình cho việc đầu tư thành công của doanh nghiệp Nhật Bản vào Đà Nẵng, cố gắng đưa hình ảnh Đà Nẵng quảng bá rộng rãi tại Nhật Bản", Chủ tịch Yoshimune Odaka nói.
Bên cạnh đó, vị chủ tịch Tập đoàn Mikazuki cam kết sẽ tiếp tục đầu tư và triển khai thêm các dự án tại TP Đà Nẵng như cầu đi bộ, phố đêm tại khu vực quận Liên Chiểu. Doanh nghiệp sẽ phối hợp với thành phố hoàn thiện thủ tục, khởi công các dự án trong năm 2023 nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà nẵng, các dự án FDI đi vào hoạt động tại thành phố đã góp phần bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển, cơ cấu nguồn vốn đầu tư những năm gần dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng của khu vực tư nhân và giảm tỷ trọng đầu tư từ khu vực nhà nước, đóng góp vào tăng trưởng GDP, tăng thu ngân sách nhà nước và gia tăng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu. Các dự án có tác động tích trong lĩnh vực xuất khẩu của những doanh nghiệp có quy mô lớn, tạo ra cú kịch mạnh mẽ tới các doanh nghiệp xuất khẩu vừa và nhỏ khác tại Việt Nam.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong năm 2022, thành phố đã đón tiếp 153 đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc, tăng 108 đoàn so với cùng kỳ năm 2021. Thành phố cũng tổ chức thành công các đoàn công tác của lãnh đạo thành phố và các sở, ban, ngành ở nhiều nước như Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia Châu Âu...
Chỉ riêng trong năm 2022, Đà Nẵng có 50 dự án FDI được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư (tăng 6 dự án so cùng kỳ năm 2021). Mặc dù tăng về số dự án nhưng số vốn đăng ký chỉ đạt 70,24 triệu USD (bằng 46,8% so với cùng kỳ năm 2021). 53 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần, phần vốn góp đạt 58,51 triệu USD; 38 dự án xin điều chỉnh vốn, phần vốn điều chỉnh tăng thêm 6,58 triệu USD. Tổng vốn đăng ký mới và tăng của khu vực FDI đạt 135,3 triệu USD (bằng 78,7% so với cùng kỳ năm 2021). Lũy kế đến 15/11/2022, TP Đà Nẵng đã có 946 dự án FDI đã cấp với tổng vốn đăng ký là 4,063 tỷ USD.
Về thu hút đầu tư trong nước, thành phố đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 33 dự án với tổng vốn đăng ký 13.869 tỷ đồng (tăng 6 dự án và tăng 72,0% số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, có 12 dự án nằm ngoài khu công nghiệp, khu công nghệ cao với tổng vốn đăng ký đạt 9.916 tỷ đồng; 21 dự án trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao với tổng vốn đạt 3.953 tỷ đồng.
Mục tiêu thu hút 7 tỷ USD
Bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng cho biết, thành phố đặt mục tiêu đến năm thu hút vốn đầu tư đạt 7 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 3 tỷ USD; giai đoạn 2026 - 2030 đạt khoảng 4 tỷ USD. Đây là mục tiêu có cơ sở, bởi Đà Nẵng đang sở hữu nhiều dự án lớn kêu gọi đầu tư trong giai đoạn này. Nổi bật là dự án cảng Liên Chiểu giai đoạn 2, đang có 2 nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là Tập đoàn Adani (Ấn Độ) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản). Dự án này dự kiến tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong năm 2023. Một dự án khác là Khu phức hợp trung tâm tài chính, casino, giải trí (dự án này có casino nên tối thiểu vốn đầu tư là 2 tỷ USD, và cả cụm dự án sẽ kỳ vọng nhiều hơn rất nhiều.
Lĩnh vực được TP Đà Nẵng tập trung thu hút đầu tư và lựa chọn các nhà đầu tư là các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác; sản xuất thiết bị y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, du lịch chất lượng cao; đặc biệt định hướng thu hút ngành nghề mới ứng dụng công nghệ nền tảng công nghiệp 4.0…
"Thành phố xác định đa phương hóa, đa dạng hóa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các thị trường và đối tác tiềm năng. Trong đó, coi trọng các thị trường, đối tác hiện tại như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, Đức... Khai thác có hiệu quả mối quan hệ với các đối tác chiến lược, chú trọng vận động và thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn (thuộc Forbes 500) và doanh nghiệp tại các nước phát triển (G7, G8, OECD…)", bà Phương nói.
Liên quan đến vấn đề thu hút FDI, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, thành phố hiện đang tập trung triển khai các giải pháp nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư nhằm đảm bảo phát triển hiệu quả và thực chất. Đà Nẵng tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông và đô thị như mở rộng và nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng gắn với phát triển dịch vụ logistics và trung chuyển quốc tế; Cảng biển Liên Chiểu; đầu tư hệ thống giao thông đường bộ kết nối đường cao tốc, đường quốc lộ với ga đường sắt, cảng biển và cảng hàng không quốc tế.
"TP Đà Nẵng chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, công nghệ thông tin đón dòng vốn dịch chuyển quốc tế vào Việt Nam. Đồng thời, tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố…", Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay.