Sức mạnh của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán
“Cá con” làm nên chuyện
Trong năm 2023, các cá nhân trong nước đóng góp 385.700 tài khoản mới gia nhập thị trường chứng khoán. Như vậy, Việt Nam đã có gần 7,4 triệu tài khoản trong nước tính đến cuối năm 2023, tăng 6,6% so với cuối năm 2022. Trong đó, tài khoản cá nhân chiếm tới 99,7%.
Theo dữ liệu thống kê, số lượng nhà đầu tư cá nhân mở mới tài khoản đã tăng trở lại kể từ tháng 5/2023; Tới tháng 9/2023, số lượng mở mới chậm mốc cao nhất trong hơn 1 năm. Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, mức mở mới này là “khá kinh ngạc” khi cao hơn đáng kể so nhiều tháng trong năm 2021 - giai đoạn chỉ số VN-Index tăng trưởng ấn tượng.
Sau khi VN-Index lao dốc, để mất gần 33% vào năm 2022, nhiều dự báo lo ngại rằng một lượng lớn nhà đầu tư cá nhân thua lỗ nặng sẽ rút khỏi thị trường chứng khoán. Đáng chú ý, cùng với sự trở lại của các nhà đầu tư cá nhân, một dòng vốn lớn chảy vào thị trường. Dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước phần nào giải tỏa áp lực bán ròng từ các nhà đầu tư nước ngoài. Trong cả năm 2023, các nhà đầu tư nội chi khoảng 18.000 tỷ đồng gom ròng cổ phiếu, khiến giao dịch trên thị trường sôi động hơn.
Khối ngoại bán ròng dù triển vọng nâng hạng chứng khoán Việt Nam ngày càng rõ ràng
Giai đoạn 2023 - 2024 được giới đầu tư Việt Nam kỳ vọng là thời điểm vàng để đón đầu dòng vốn ngoại, nhưng thực tế diễn ra lại không như mong đợi.Xúc tiến đầu tư tại Mỹ: Việt Nam quyết nâng hạng thị trường chứng khoán
Hội nghị Xúc tiến đầu tư tài chính tổ chức ở Los Angeles (Mỹ) do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì, với sự tham gia của lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Công tác nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi được nhiều nhà đầu tư quan tâm.Nếu trong quý I/2023, giá trị giao dịch bình quân/phiên trên toàn thị trường rơi vào khoảng 11.300 tỷ đồng (giảm 44% so với trung bình năm 2022), thì từ quý II trở đi, giá trị giao dịch đã vượt 20.000 tỷ đồng/phiên, thậm chí liên tiếp cán ngưỡng tỷ đô.
Đáng chú ý, ngày 18/8/2023, 1,65 tỷ cổ phiếu được trao tay trên sàn HoSE, đây là mức cao nhất trong suốt hơn 23 năm lịch sử sàn chứng khoán Việt Nam; Giao dịch khớp lệnh đạt giá trị 36.000 tỷ đồng (1,5 tỷ USD).
Dòng tiền nội trở thành động lực dẫn dắt toàn thị trường. Chỉ số VN-Index đạt 1.129,93 điểm, tăng 12,2% khi kết thúc năm 2023. Con số này đưa TTCK Việt Nam vào top các thị trường tăng mạnh nhất châu Á, bất chấp những rủi ro lớn từ khối ngoại.
Chia sẻ về hiện tượng trên, Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset - Ông Huỳnh Minh Tuấn cho biết: “Trên thị trường, nhà đầu tư hay có câu nói rất nôm na là “Ra đường sợ nhất công nông, chứng khoán sợ nhất là Tây bán ròng"".
Nhìn từ tháng 8/2023 - 12/2023, có thể thất thị trường có cú gồng quá tốt ở dòng tiền nội địa, đặc biệt trong bối cảnh thị trường trải qua 2 năm với chính sách đảo chiều kể từ tháng 4/2022, nhiều kênh đầu tư rơi vào khó khăn, như chứng khoán liên tục trồi sụt hậu Covid - 19, bất động sản gần như đóng băng…
Trên thị trường chứng khoán, vì những tác động đến từ ngoài và trong khiến khối ngoại liên tục bán ròng, trong khi dòng tiền nội góp phần cân bằng lượng bán.
Kỳ vọng mới trong năm Giáp Thìn
Năm 2023, nền kinh tế Việt Nam với độ mở cao đã chịu tác động rõ rệt từ những biến động vĩ mô trên thế giới như lạm phát nei cao, xung đột địa chính phức tạp, sức mua yếu… Tăng trưởng kinh tế của các đối tác thương mại lớn giảm tốc, thậm chí khủng hoảng khiến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước ngày càng trầm lắng. Những yếu tố tiêu cực này đã phản ánh phần nào lên diễn biến của TTCK trong những tháng đầu năm 2023.
Song, nhờ hàng loạt biện pháp quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương trong tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đóng góp lớn vào quá trình phục hồi của doanh nghiệp. Qua đó, củng cố niềm tin của giới đầu tư, phản ánh trực tiếp vào quá trình đi lên của thị trường.
Dữ liệu còn cho thấy tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đã được cải thiện. Cụ thể, trong quý I/2023, lợi nhuận toàn thị trường giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Sang quý II và III, mức giảm thu hẹp chỉ còn lần lượt là 14% và 6%.
“Sự hồi phục của kết quả kinh doanh cho thấy thị trường đang đi khá sát với diễn biến nền kinh tế, khi tốc độ tăng trưởng GDP cải thiện qua từng quý” - Giám đốc nghiên cứu và tư vấn đầu tư thuộc Công ty Chứng khoán DNSE - Ông Hồ Sỹ Hòa nói.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng, chỉ số sản xuất công nghiệp… cũng đồng thời tăng lên; Dòng vốn đầu tư FDI đạt kỷ lục; Lạm phát và biến động tỷ giá được kiểm soát tốt; Dòng vốn ngân sách vẫn được đẩy mạnh vào nền kinh tế.
Từ đó, bức tranh kinh tế vĩ mô Việt Nam trong năm 2024 được nhiều tổ chức trong và ngoài nước nhận định sẽ có nhiều điểm sáng tích cực, trở thành bệ đỡ cho TTCK Việt Nam.
Ngoài ra, việc Ngân hàng Nhà nước nỗ lực hạ mặt bằng lãi suất cũng là một nhân tố tác động tới diễn biến thị trường chứng khoán. Hầu hết lãi suất huy động tại các ngân hàng đã về dưới 5% cho các kỳ hạn 12 tháng trở lên - mức thấp nhất lịch sử.
Việc này một mặt tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc mở rộng sản xuất kinh doanh; Cũng giúp cho kênh chứng khoán tăng thêm sức hấp dẫn với các nhà đầu tư.
Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, sẽ không đặt vấn đề tăng lãi suất trong năm 2024, mà tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất cho vay xuống thấp hơn nữa. Bên cạnh đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức 15%, tương đương 2 triệu tỷ đồng sẽ cung ứng thêm cho nền kinh tế.
Mặt khác, nhiều dự báo của các định chế tài chính cho thấy Fed có thể sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ giữa năm nay, thậm chí sớm nhất vào tháng 3 tới đây. Điều này cũng góp phần thúc đẩy và hỗ trợ tích cực cho thị trường tài chính toàn cầu.
Chưa kể còn kế hoạch sớm đưa vào vận hành chính thức hệ thống giao dịch KRX. Hệ thống này được đánh giá là tiền đề cho việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ “cận biên” lên “mới nổi”, củng cố lại niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo một số dự báo, sẽ có khoảng 3,5 - 4 tỷ USD rót vào để mua mới cổ phiếu Việt Nam ngay khi TTCK được nâng hạng.
Nhìn vào hoạt động của các cơ quan quản lý, thấy được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trong thời gian qua liên tục phối hợp với các bên để chuẩn bị kỹ càng cho mục tiêu nâng hạng thị trường.
Với bối cảnh vĩ mô đang dần thuận lợi, “sức khỏe” của doanh nghiệp dần phục hồi, sự nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước là những yếu tố giúp thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2024 sẽ phát triển và mở rộng hơn nữa.
Một số dự báo của các công ty chứng khoán
Chứng khoán VNDirect: Dự báo VN-Index trong năm 2024 có thể đạt vùng 1.400 - 1.450 điểm. Theo đội ngũ phân tích, đây là thời điểm thích hợp nhất để đầu tư trung và dài hạn vào kênh chứng khoán, bởi định giá thị trường khá hấp dẫn trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động giảm thấp, cùng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết có thể cải thiện hơn từ quý IV/2023.
Chứng khoán KBSV: Dự báo VN-Index có thể cán mốc 1.330 điểm dựa trên động lực tăng trưởng kinh tế quay lại mốc quanh 6%, mặt bằng lãi suất vẫn ở mức thấp, tiếp tục duy trì chính sách tài khoá mở rộng, và Fed xoay chiều chính sách. Ngoài ra, TTCK còn được hỗ trợ với kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết có thể tăng 16,4% trong năm 2024.
Quỹ đầu tư Pyn Elite Fund: Dự báo doanh thu của các doanh nghiệp niêm yết sẽ có mức tăng trưởng kỷ lục trong năm nay, đạt 20%. Thị trường chứng khoán hiện nay đang chưa phản ánh đúng tiềm năng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp và câu chuyện giảm lãi suất của Việt Nam.