Sốt đất nền, cơ hội để các nhà đầu tư "lướt sóng" kiếm tiền tỷ
BÀI LIÊN QUAN
Vùng ven Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đua nhau tăng giá đất nền, đã có nơi lên tới hơn 200 triệu đồng/m2Các cơn “sốt giá đất” bị kiểm soát gắt gao, đầu tư đất nền không còn dễ kiếm lời như trước?Sốt đất nền trên diện rộng, nhà đầu cơ dễ dàng kiếm tiền tỷ
Sốt đất tại một số các tỉnh, thành phố trong thời gian qua khiến nhiều nhà đầu cơ lướt sóng dễ dàng kiếm tiền tỷ, nhưng cũng có không ít người không tìm hiểu kỹ, chạy theo sốt ảo rồi ngậm trái đắng do không tìm được người mua.
Kể từ thời điểm sau Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022, tình trạng nhiều dòng tiền liên tục đổ dồn vào bất động sản đã làm cho giá đất ở nhiều địa phương trên cả nước tăng lên chóng mặt. Cơn sốt đất bây giờ xuất hiện ở các tỉnh như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Nghệ An… và nhiều khu vực xung quanh TP.HCM.
Theo báo cáo thị trường của trang Batdongsan.com.vn, quý I/2022 thị trường liên tục ghi nhận giá đất nền thổ cư tăng mạnh tại nhiều địa phương kèm theo nhu cầu giao dịch gia tăng. Tại Hà Nội, giá đất liền thổ các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Quốc Oai, ghi nhận tăng 20-26%. Giá đất thổ cư tại Bắc Giang tăng 35%, Hải Phòng tăng 29%, Bắc Ninh, Quảng Ninh lần lượt ghi nhận giá đất đội lên 16-20%. Khu vực miền Trung, đất thổ cư tại Bình Thuận tăng giá 13%, Khánh Hòa tăng 26% và Thanh Hóa tăng 35%. Các tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đà Nẵng có lượng tìm kiếm đất nền tăng lần lượt là 41%, 35% và 32%. Riêng khu vực Đông Nam Bộ ghi nhận đất nền tại Đồng Nai, Tây Ninh và Long An đội giá 7-13%, còn tại Bình Phước và Bình Dương leo thang 23-27%.
Trong khi đó, số liệu từ DKRA Việt Nam cũng cho thấy, giao dịch đất nền tại TP.HCM và các vùng phụ cận đạt 1.240 nền trong quý đầu năm 2020, tăng mạnh so với quý 4/2021. Giá đất nền trên thị trường sơ cấp tăng phổ biến ở mức 3-7%, sôi động nhất là giao dịch ở các địa bàn Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh.
Ở khu vực miền Trung, do có thông tin các dự án lớn được chấp thuận chủ trương đầu tư đã khiến cho sốt đất diễn ra tại nhiều địa phương như Hà Tĩnh, Thanh Hóa...Tại Hà Tĩnh, đặc biệt là tại các huyện Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Vũ quang… giá đất tăng chóng mặt, văn phòng nhà đất đua nhau mọc lên như nấm sau mưa tại các địa phương này.
Trong khi đó tại Nghệ An, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã thống nhất chủ trương ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng huyện Đô Lương thành thị xã trước năm 2030. Điều này đã kéo theo một cơn sốt đất diện rộng diễn ra trên địa bàn tỉnh này.
Tại Khánh Hòa, đất nền nhiều địa bàn như huyện Cam Lâm cũng đang nhảy múa sau thông tin một tập đoàn đến chuẩn bị làm dự án đô thị. Tại Đắk Lắk, cơn sốt đất tại TP Buôn Ma Thuột diễn ra từ đầu năm đến nay và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tỉnh Bình Phước là một ví dụ điển hình nhất của hiện tượng sốt đất đang lan rộng. Sau thông tin tỉnh Bình Phước đề xuất chính phủ làm cầu qua sông Mã Đà hướng về sân bay quốc tế Long Thành, đã khiến tình trạng sốt đất xuất hiện trên dọc tuyến đường tỉnh 735, giá đất nơi đây tăng chóng mặt.
Đầu tư lướt sóng chỉ dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp
Ông Phan Công Chánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư Phú Vinh - chuyên gia bất động sản cá nhân chia sẻ, đầu tư khi sốt đất thì chỉ có khoảng 20% là nhà đầu tư có tầm nhìn trung và dài hạn, còn lại 80% là các nhà đầu cơ với mong muốn thu được biên độ lợi nhuận tốt trong thời gian ngắn, hoặc thậm chí là lướt sóng từ lúc thị trường bắt đầu lên đến lúc chạm đỉnh.
Theo ông Chánh, xu hướng lướt sóng khi thị trường nóng hổi hay bắt đáy để chờ thời cơ chỉ dành cho những đầu tư chuyên nghiệp, thành thạo thị trường. Các nhà đầu tư chết vì sốt đất thường là những tay mới, đầu tư chạy theo đám đông, nắm thông tin chậm, ít kiến thức và non kinh nghiệm.
Đồng quan điểm trên, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc C&W Việt Nam cho rằng, đầu cơ hay đầu tư kiếm lợi nhuận nhanh chóng cũng có thể mang lại lợi nhuận cao thực sự, nhưng đó là số ít may mắn, không phải số đông. Người mua phải tỉnh táo về công năng sử dụng đất khi mua.
Bà này khẳng định, đất tỉnh lẻ được rao bán giá 600-800 triệu đồng với diện tích lớn tuy rất hấp dẫn, nhưng là đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm. Người mua cần xem xét thật kỹ về hành lang pháp lý, có được chuyển đổi mục đích sử dụng đất không.
Theo bà Trang, người mua nên so sánh với các khu vực tương tự hoặc giá các năm trước và cẩn trọng nếu mức tăng là 50%, 100% thậm chí hơn, vì cuộc đua biến động giá đó có khả năng là tăng giá ảo.
Trong khi đó, Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam Võ Huỳnh Tuất Kiệt cho rằng, hiện nay tình trạng sốt đất đã lan rộng ra nhiều địa phương, có xu thế chạy theo các thông tin về quy hoạch hạ tầng. Điều đáng nói, giờ đây sốt đất không chỉ loanh quanh những khu vực lân cận Sài Gòn hay Hà Nội mà đã len lỏi về nông thôn, thậm chí là miền núi cũng sốt đất mạnh mẽ.
Theo vị chuyên gia bất động sản này, mặt bằng giá đất hiện tại lên khá cao, có nơi tăng 2 đến 3 lần so với thời điểm mua vào. Bất ngờ hơn nữa là các khu vực miền núi vùng cao cũng hòa chung với cơn sốt đất tăng giá.
Ông Kiệt cho biết, hiện tượng sốt đất đang có dấu hiệu lan rộng mạnh mẽ là bởi nguồn tiền đầu tư còn rất lớn, xu hướng các nhà đầu tư, cá nhân đổ xô vào mua đất diễn ra hối hả ở thời điểm bình thường mới, những tác động xấu của đại dịch Covid -19 đang dần lùi xa.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt phân tích, một trong những nguyên nhân khiến cơn sốt đất lan rộng trong thời gian qua, kinh tế chung của Việt Nam mặc dù vẫn bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid-19 nhưng vẫn có sự tăng trưởng. Bên cạnh đó là nhiều thông tin quy hoạch mới được công bố. Những khu vực nào xuất hiện những thông tin quy hoạch dự kiến triển khai thì các nhà đầu tư lại đổ vào, theo đó giá đất được đẩy lên cao do tình trạng mua đi bán lại nhanh.
Nhiều chuyên gia cho rằng, sốt đất chủ yếu xuất phát từ yếu tố tâm lý muốn đón đầu thị trường, họ muốn tập trung vào các khu vực dự báo có khả năng phát triển tốt. Tuy nhiên có không ít những tiềm năng về dự án đầu tư không rõ ràng, chưa chắc chắn mà các nhà đầu tư đã nhảy vào. Hậu quả là tạo ra những cơn sốt đất ảo, không ít nhà đầu tư đã bị mắc kẹt.