Sở hữu căn nhà thứ 2 nộp lệ phí lên đến 1 tỷ đồng ở TP.HCM: Dòng tiền chảy về các tỉnh vùng ven?
BÀI LIÊN QUAN
Đánh thuế căn hộ có giá trên 50 triệu đồng/m2: Nên tính toán đến giá trị căn hộĐánh thuế căn hộ trên 50 triệu đồng/m2 tác động thế nào tới thị trường bất động sản?Đánh thuế chung cư trên 50 triệu/m2: Ước mơ sở hữu nhà có thêm xa vời?Đề xuất nhiều tranh cãi
Thời gian gần đây, nhiều chủ đầu tư, nhà đầu tư và người dân tại TP.HCM đang rất quan tâm đến thông tin sở hữu căn nhà thứ 2 sẽ phải nộp thuế cao. Đây là nội dung là UBND TP.HCM gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội. Theo đó, UBND TP đề xuất quản lý thị trường bất động sản bằng phương pháp tăng mức thu thuế liên quan đến nhà và đất thứ 2. Điều đáng quan tâm nữa là mức phí trước bạ có thể lên tới 1 tỷ đồng/hồ sơ.
Với phương án này, TP.HCM sẽ quyết định áp dụng mức tăng, đáng chú ý là tăng tỷ lệ thu lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên từ 0,5% giá trị chuyển nhượng lên 2% và mức tối đa một hồ sơ chuyển nhượng từ 500 triệu đồng/hồ sơ lên 1 tỷ đồng/hồ sơ. UBND TP.HCM kỳ vọn việc áp dụng quy định này có thể điều chỉnh hành vi đầu cơ nhà đất trên địa bàn. Từ đó, làm tiền đề cho việc ban hành sắc thuế mới.
Ngay sau khi đọc được thông tin này, anh Trần Mạnh Tưởng, sinh sống tại Quận 2 chia sẻ: “Nếu Thành phố muốn áp dụng quy định này để giảm đầu cơ thì tôi cho rằng không hiệu quả. Bởi những người có ý định đầu cơ sẵn sàng lách luật bằng cách nhờ người khác đứng tên. Ví dụ, tôi muốn đầu cơ 3 căn chung cư, tôi sẽ nhờ bố mẹ tôi, bố mẹ vợ, các em… đứng tên. Nó chỉ khiến các giao dịch mất thời gian một chút là vì phải nhờ người đi công chứng”.
Cũng theo anh Tưởng, việc đánh thuế sở hữu căn hộ thứ 2 cao là bất công bằng. Nhiều gia đình có 2 người con, muốn sau này các con lập gia đình thì tặng mỗi người một căn nhà lấy chỗ an cư. Vì thế họ mua 2 mảnh đất hoặc 2 căn chung cư. Đó là nhu cầu để ở chứ không phải đầu cơ. Nếu đánh thuế căn hộ thứ 2 như vậy thì gia đình này sẽ bị đánh đồng với việc đầu cơ của những người khác và bị áp mức thuế tương đương. Điều này dẫn đến phản ứng trong dư luận.
“Theo tôi chỉ nên đánh thuế những căn bất động sản bỏ hoang nhiều năm. Đó mới là những đối tượng mua để đầu cơ. Hoặc đánh vào các mua bán giao dịch trong 2 năm. Nghĩa là, người nào mua bất động sản mà bán trong 2 năm sẽ phải chịu thuế cao hơn những người sở hữu lâu. Bởi mua nhanh, bán nhanh thì nhiều khả năng là đầu cơ rất cao ”, anh Tưởng nói.
Khác với anh Tưởng, chị Trần Thu Hoài (42 tuổi), hiện đang làm một công ty du học Singapore cho rằng, việc đánh thuế căn hộ thứ 2 đã được nhiều nước sử dụng, trong đó có đảo quốc sư tử Singapore. Theo chị Hoài, ở đất nước này, người dân mua căn nhà đầu tiên không bị tăng thuế trước bạ. Tuy nhiên, nếu ai sở hữu căn thứ 2, thứ 3 sẽ chịu mức tăng thuế trước bạ là 5%. Thậm chí, đối với bất động sản nhà ở không có chủ sở hữu sinh sống như bất động sản đầu tư, thuế đánh vào hàng năm của nó sẽ tăng lên mức 12-36% mỗi năm. Hiện nay đang giữ ở mức 10-20%.
Cơ hội cho thị trường BĐS các tỉnh vùng ven
Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang đánh giá, thu thuế sở hữu bất động sản thứ 2 là cần thiết nhưng chỉ nên áp dụng khi các cơ sở dữ liệu liên quan đến thị trường địa ốc đầy đủ, minh bạch. Bởi, chúng ta cần phải nghiên cứu giá trị của bất động sản ở mức nào mới phải chịu thuế. Nếu đánh thuế giống nhau việc sở hữu căn hộ thứ 2 căn hộ 20 tỷ đồng với căn hộ chỉ có giá vào trăm triệu đồng thì không hợp lý.
Cũng theo vị này, việc TP.HCM đề xuất đánh thuế nhà ở thứ 2 sẽ là cơ hội cho thị trường bất động sản các tỉnh vùng ven. Khi đó, chắc chắn dòng vốn sẽ chảy về các tỉnh giáp ranh. Hiện nay, nhiều tỉnh lân cận có hệ thống giao thông kết nối rất thuận tiện với TP.HCM. Chắc chắn nhiều người sẽ chọn mua thà xa trung tâm nhưng không bị áp thuế cao.
Cùng quan điểm, ông Tô Ngọc Trường Giang, Giám đốc Phát triển dự án Công ty TNHH Trần Liên Hưng cho rằng, có 2 vấn đề mà TP.HCM cần phải nghiên cứu rất kỹ khi muốn áp dụng quy định này.
Thứ nhất, TP.HCM có thể sẽ thu được số tiền thuế cao hơn ở mỗi giao dịch nhưng họ có thể tổng thu từ nguồn thuế sẽ giảm. Bởi giao dịch chắc chắn sẽ ít đi.
Thứ hai, giá nhà tại TP.HCM chắc chắn sẽ tăng cao hơn. Bởi khi mua bán, người mua, người bán còn phải gánh thêm khoản thuế rất lớn này. Và giá bất động sản cứ thế đẩy cao hơn nữa. “Bên cạnh đó, việc đánh thuế như vậy nhiều khi cũng không thể giải quyết được vấn nạn đầu cơ. Bởi nếu một bất động sản có tỷ suất lợi nhuận tăng 20%-25%/năm thì việc đánh thuế 5% cũng không khiến cho các nhà đầu tư chùn chân. Bên cạnh đó, hiện nay việc sở hữu và mỗi giao dịch bất động sản đã chịu nhiều loại thuế, phí rồi. Giờ đánh thuế sở hữu căn hộ thứ 2 nữa chắc chắn sẽ hứng chịu phản ứng của dư luận cho rằng “thuế chồng thuế”, ông Giang nói.
Cũng theo vị này, việc TP.HCM áp thuế sở hữu nhà đất thứ 2 với mục đích giảm đầu cơ. Tuy nhiên, họ đã vô tình đẩy việc đầu cơ đó bất động sản sang các tỉnh lân cận. Ông Giang nhấn mạnh: “Việc đánh thuế bất động sản thứ hai là điều cần thiết và được nhiều nước áp dụng hiệu quả. Tuy nhiên, thời điểm này nếu đưa ra áp tại TP.HCM là chưa phù hợp. Tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần đưa ra thống kê, khảo sát và nghiên cứu cụ thể. Bên cạnh đó, khi đã khảo sát xong thì cần đưa ra lộ trình cụ thể và phải có các quy định chặt chẽ, đầy đủ mới phát huy được hiệu quả và thuyết phục được người dân”.