Sẽ kiểm tra định kỳ tiến độ giải ngân vốn của hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
BÀI LIÊN QUAN
Đà Nẵng: Gần 8.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển thành phốĐà Nẵng: Đặt mục tiêu thu hút 4 tỷ USD giai đoạn 2021 - 2025Nghịch lý giá đất Đà Nẵng thấp hơn các tỉnh lẻ trong khu vực miền TrungThẩm quyền giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư nước ngoài
Theo Thông tư 02/2022/TT-BKHĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có chức năng, nhiệm vụ giám sát và đánh giá chung công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài. Trong đó, giám sát và đánh giá tổng thể dự án có vốn đầu tư nước ngoài (gọi tắt là dự án).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có chức năng, nhiệm vụ kiểm tra các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các dự án có quy mô lớn, tác động sâu rộng đến kinh tế - xã hội hoặc các dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Đối với các cơ quan quản lý chuyên ngành, chủ trì giám sát, đánh giá tình hình thực hiện đối với dự án liên quan trong lĩnh vực quản lý theo thẩm quyền đã được quy định.
Việc ủy quyền được các bộ và cơ quan ngang bộ ủy quyền cho cơ quan chuyên ngành tại địa phương giám sát, đánh giá. Theo đó, các cơ quan chuyên ngành tại địa phương phải có trách nhiệm báo cáo kết quả giám sát, đánh giá dự án về cho cơ quan cấp bộ và cơ quan đăng ký đầu tư trên địa bàn.
Đối với các dự án thuộc lĩnh vực chuyên ngành được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ các bộ, cơ quan ngang bộ, sẽ chịu giám sát của các cơ quan này và các cơ quan này phải gửi báo cáo về kết quả giám sát, đánh giá cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định.
Đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thực hiện giám sát, đánh giá tổng thể về hoạt động của dự án trong phạm vi của địa phương mình theo hình thức trực tiếp hoặc giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh việc phối hợp với các cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc.
Các cơ quan đăng ký đầu tư giám sát, đánh giá các dự án, tổ chức kinh tế thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư, tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài tự giám sát, đánh giá dự án theo các quy định pháp luật đã được ban hành.
8 nội dung kiểm tra hoạt động đầu tư nước ngoài
Nội dung kiểm tra hoạt động đầu tư nước ngoài, các tổ chức kinh tế được quy định như sau:
Thứ nhất là, tiến độ góp vốn, tiến độ giải ngân vốn đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền; tổng vốn đầu tư đã thực hiện và tỷ lệ so với tổng vốn đăng ký.
Thứ hai là, tiến độ triển khai, việc thực hiện các mục tiêu của dự án; việc ứng dụng công nghệ; chuyển giao công nghệ; cam kết và đáp ứng điều kiện đầu tư; tiếp cận thị trường; điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư, hỗ trợ khi dự án đi vào hoạt động.
Thứ ba là, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của dự án đối với nhà nước.
Thứ tư là việc thực hiện quy định về pháp luật lao động, ngoại hối, môi trường, đất đai và xây dựng… cũng như các quy định pháp luật chuyên ngành khác đã được quy định.
Thứ năm là, tình hình tài chính của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Bao gồm: giá trị tài sản góp vốn của các bên; việc sử dụng đúng mục đích của máy móc thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định, nguyên vật liệu, linh kiện nhập khẩu thuộc đối tượng miễn thuế nhập khẩu; Kiểm tra kết quả xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị cổ phiếu tại thời điểm trước khi lên sàn chứng khoán trong một số trường hợp đặc biệt có dấu hiệu nâng khống giá trị doanh nghiệp;Các giao dịch với công ty mẹ ở nước ngoài hoặc các công ty có quan hệ liên kết; Tình hình thực hiện các khoản nợ (vay ngân hàng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp và các khoản vay nợ khác); Trích lập, sử dụng các quỹ dự phòng, khấu hao tài sản cố định, hạch toán chênh lệch tỷ giá hối đoái; Việc chia lợi nhuận đối với phần vốn góp của nhà nước trong tổ chức kinh tế, dự án có vốn đầu tư nước ngoài; Tình hình bảo toàn vốn góp của tổ chức kinh tế, dự án có vốn nhà nước (bao gồm đầu tư ra ngoài doanh nghiệp và tiếp nhận đối tác vào góp vốn liên doanh, liên kết trong tổ chức kinh tế).
Thứ sáu là các nội dung khác liên quan tới việc triển khai dự án, bao gồm việc chấp hành quy định về giám sát, đánh giá dự án, việc báo cáo và thống kê; Việc chấp hành các biện pháp xử phạt các vi phạm.
Thứ bảy là ngoài các nội dung được quy định ở trên, việc kiểm tra còn tiến hành đối với vấn đề thực hiện nội dung quy định tại quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Cuối cùng, nội dung kiểm tra còn có thể gồm toàn bộ hay một phần các nội dung đã được quy định ở trên.
Nội dung kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý nhà nước
Theo Thông tư này, nội dung kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài bao gồm: Sự phù hợp của dự án với quy hoạch; Việc thực hiện các quy định về cấp, điều chỉnh hoặc ngừng hoạt động của dự án; Các quy định về ưu đãi, hỗ trợ đối với dự án; Giám sát, đánh giá và hỗ trợ đầu tư sau khi cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Kiểm tra công tác báo cáo; Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi, bàn giao đất; Các nội dung khác được quy định tại khoản 2 Điều 71 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP.
Hinh thức kiểm tra được quy định tại Thông tư này bao gồm: Kiểm tra định kỳ; Kiểm tra đột xuất; Kiểm tra chuyên ngành.
Trong đó, kiểm tra định kỳ được tiến hành trên cơ sở kiểm tra hằng năm, được quy định tại điều 4 của Thông tư.
Đối với kiểm tra đột xuất, cơ quan kiểm tra sẽ thực hiện theo từng sự việc, dựa trên cơ sở yêu cầu của tình hình thực tế hoặc đề nghị phản ánh từ cơ quan, tổ chức, cá nhân…
Kiểm tra chuyên ngành sẽ được tiến hành theo quy định của pháp luật chuyên ngành và trên cơ sở yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành nhằm đánh giá tình hình thực hiện các quy định của pháp luật liên quan tới lĩnh vực quản lý theo thẩm quyền.
Cách thức kiểm tra được thực hiện qua hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư; qua báo cáo hoặc qua tổ chức đoàn kiểm tra, đoàn công tác. Cơ quan có thẩm quyền có thể thực hiện theo cách thức kết hợp hoặc riêng rẽ các hình thức kiểm tra, tùy nhiệm vụ cụ thể.
Việc báo cáo kết quả kiểm tra được thực hiện trong vòng 20 ngày làm việc.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2022. Thông tư này thay thế cho Thông tư số 09/2016/TT-BKHĐT ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về công tác theo dõi, kiểm tra và đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.