S&P giảm 4 phiên liên tiếp, Dow Jones mất 351 điểm giữa lo ngại suy thoái
BÀI LIÊN QUAN
Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau báo cáo lạm phát quan trọngChứng khoán Mỹ xanh rực sau tín hiệu lãi suất từ Chủ tịch FedChứng khoán Mỹ "đỏ lửa", S&P 500 và Nasdaq giảm phiên thứ ba liên tiếpTheo Doanh nghiệp và Kinh doanh, thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch ngày thứ ba (6/12) lại giảm điểm mạnh, nối tiếp đà bán tháo của phiên trước đó, khi nỗi lo suy thoái kinh tế phủ bóng lên tâm trí nhà đầu tư.
Cụ thể, chỉ số S&P 500 đã giảm 1,44% và đóng cửa ở 3.941 điểm. Đây là phiên giảm thứ 4 liên tiếp của chỉ số này, đồng thời cũng là phiên đi xuống thứ 7 trong 8 phiên gần đây nhất.
Tương tự, Nasdaq Composite cũng mất 2% qua đó dừng ở mức gần 11.015 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm gần 351 điểm, tương ứng 1,03% và đóng cửa ở 33.596 điểm.
Trong đó, cổ phiếu năng lượng, truyền thông và ngân hàng (những nhóm chịu thiệt hại trong suy thoái) dẫn đầu đà giảm trong phiên ngày 6/12. CEO tập đoàn truyền thông Paramount Global cảnh báo về việc doanh thu quảng cáo trong quý IV có thể sẽ giảm so với quý III trước đó, giá cổ phiếu kết phiên giảm 7%.
Cổ phiếu ngân hàng Morgan Stanley giảm 2,6% sau khi thông báo kế hoạch cắt giảm 2% sản lượng lao động, tiếp nối xu hướng giảm nhân viên gần đây của ngành. Ngoài ra, các cổ phiếu công nghệ như Nvidia, Amazon và Meta Platforms cũng đều đóng cửa trong sắc đỏ.
Phiên giao dịch ngày 6/12, cổ phiếu năng lượng là nhóm giảm sâu nhất, 10/11 nhóm ngành thuộc S&P 500 đều đi xuống trong phiên vừa qua.
Ông Adam Sarhan, CEO của công ty đầu tư 50 Park Investments nhận định, một đợt cắt giảm nhân sự nữa đang diễn ra trong tuần này và xu hướng đó chỉ làm gia tăng nguy cơ nền kinh tế hạ cánh cứng trong năm 2023 và rơi vào suy thoái sâu hơn dự báo.
Tỷ phú Jamie Dimon, Chủ tịch kiêm CEO của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan Chase cũng đưa ra cảnh báo về một cuộc suy thoái đang ở phía trước.
Ông Dimon cho rằng, lạm phát đang làm xói mòn tiết kiệm của người dân cũng như làm tăng chi tiêu hàng ngày. Do đó, rất có thể lạm phát sẽ làm chệch hướng nền kinh tế và gây ra một cuộc suy thoái nhẹ hoặc nặng.
Vị CEO cũng bắt đầu bày tỏ quan ngại về nền kinh tế hồi tháng 6 khi ông cho biết Ngân hàng JPMorgan Chase đang chuẩn bị cho một "trận cuồng phong" sắp tới. Một phần là do việc Fed đảo ngược chương trình mua trái phiếu và cuộc xung đột tại Ukraine bùng phát.
Trong khi đó, CEO của Walmart cho biết ông không muốn suy thoái kinh tế, nhưng ông nghĩ rằng đó là điều cần thiết để giảm bớt áp lực lạm phát cho khách hàng của mình. Ông McMillon nói rằng: “Một số khách hàng của chúng tôi đã chi tiêu dè sẻn hơn sau khi chịu áp lực lạm phát trong suốt nhiều tháng nay".
Nếu một cuộc suy thoái nghiêm trọng xảy ra, ông McMillon đảm bảo Walmart sẽ không dùng đến biện pháp cắt giảm nhân sự.
Kể từ đầu năm đến nay, S&P 500 đã giảm 3,2% và Nasdaq sụt 3,9%. Thị trường nói chung đang dự đoán Fed sẽ giảm nhịp độ nâng lãi suất trong cuộc họp vào ngày 13-14/12 xuống còn 50 điểm cơ bản (bps) sau khi đã tăng 75bps trong 4 cuộc họp liên tiếp vừa qua.
Dù vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn lo ngại việc Fed giảm tốc độ thắt chặt sẽ không đủ để ngăn một cuộc suy thoái.
Giá dầu tuột mốc 80 USD/thùng
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 4,03%, đóng cửa ở mức 79,35 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 3,48%, còn 74,26 USD/thùng.
Đây là mức thấp nhất của cả 2 loại dầu trên kể từ đầu năm tới nay. Ngoài ra, phiên vừa qua cũng là phiên có mức giảm phần trăm mạnh nhất của giá dầu Brent kể từ cuối tháng 9.
Chiến lược gia cấp cao Eli Tesfaye của RJO Futures cho biết tâm lý trên thị trường đang trở nên bi quan hơn. Ông cho rằng giá dầu WTI sẽ giảm về vùng 60 USD/thùng. Và vùng 80 USD/thùng sẽ là ngưỡng cao mới.
Bên cạnh mối lo suy thoái kinh tế Mỹ, giá dầu còn chịu áp lực từ số liệu kém khả quan của Trung Quốc cùng tình trạng ảm đạm của kinh tế châu Âu. Cụ thể, hoạt động của ngành dịch vụ ở Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng, trong khi nền kinh tế tại châu Âu ngày ngày càng đuối sức bởi giá năng lượng và lãi suất tăng cao.
Nhiều địa phương của Trung Quốc đang nới dần các quy định chống Covid-19, từ đó làm dấy lên hy vọng rằng quốc gia này đang tiến tới việc mở cửa trở lại và nhu cầu tiêu thị dầu vì thế cũng sẽ khởi sắc. Tuy vậy, hy vọng này không đủ để giúp giá dầu hồi phục.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS nhận định giá dầu sẽ tiếp tục biến động trong ngắn hạn và bị chi phối bởi các thông tin về tình hình dịch Covid tại Trung Quốc cũng như chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ và châu Âu.
Bên cạnh đó, thị trường cũng đang đánh giá lại xem liệu mức trần giá 60 USD/thùng mà nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) áp lên dầu thô bằng đường biển của Nga có ảnh hưởng thế nào đến sản lượng dầu của nước này. Chuyên gia Matth Smith của Kpler cho rằng, đến hiện tại giá trần này "chưa ảnh hưởng đến dòng chảy dầu Nga".
Ông Smith cũng cho biết thêm rằng xuất khẩu dầu Nga bằng đường biển và sản lượng khai thác dầu của Nga hiện chưa giảm sút. Cùng với nỗi lo lãi suất tăng, giá dầu đang chịu áp lực giảm từ tâm lý lo ngại rủi ro nói chung trên toàn thị trường.
Về phía Nga, họ đã tuyên bố sẽ không bán dầu cho bất kỳ khách mua nào tuân thủ giá mà G7 đưa ra. Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ của nước này trong 11 tháng đầu năm tăng 2,25 so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 488 triệu tấn.
Phó thủ tướng cũng dự báo sản lượng dầu của Nga sẽ giảm nhẹ sau khi các biện pháp trừng phạt mới nhất của phương Tây nhằm vào dầu thô của Nga được triển khai. Cùng với trần giá của G7, lệnh cấm vận dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển đã được Liên minh châu Âu (EU) chính thức thực thi kể từ ngày 5/12.