Chứng khoán Mỹ "đỏ lửa", S&P 500 và Nasdaq giảm phiên thứ ba liên tiếp
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm phiên đầu tuần vì mối lo ngại Covid ở Trung QuốcChứng khoán Mỹ giảm điểm phiên thứ 2 liên tiếp sau khi quan chức Fed ra tín hiệu lãi suất sẽ còn tăng mạnhChứng khoán Mỹ giảm điểm sau cảnh báo ảm đạm của đại gia bán lẻ TargetTheo Doanh nghiệp và Kinh doanh, thị trường chứng khoán Mỹ phiên giao dịch ngày 29/11 đa phần đi xuống khi nhà đầu tư chờ đợi thêm các tín hiệu kinh tế trong tuần này bao gồm số liệu việc làm, giá cả cũng như phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell.
Cụ thể, chỉ số Nasdaq Composite đã giảm 0,59% còn gần 10.984 điểm, S&P 500 mất 0,16% và dừng ở gần 3.958 điểm. Trong khi đó, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones nhích 0,01% lên gần 33.853 điểm.
CNBC đưa tin, nhà đầu tư đang sợi các số liệu kinh tế trong những ngày còn lại của tuần này, bao gồm số liệu việc làm cần tuyển dụng vào hôm nay 30/11, báo cáo chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 10 công bố ngày 1/12 tới đây và báo cáo việc làm tháng 11 thông báo vào ngày 2/12.
Những số liệu trên sẽ giúp nhà đầu tư có cái nhìn rõ nét hơn về tình hình hoạt động của nền kinh tế lớn nhất thế giới
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng đang hướng sự chú ý đến bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Trung tâm Hutchins về Chính sách Tài khóa và Tiền tệ hôm nay để có thêm căn cứ phán đoán định hướng lãi suất trong thời gian tới của Ngân hàng trung ương Mỹ.
Ông Bill Northey, Giám đốc đầu tư cao cấp tại U.S. Bank nhận định thị trường đã chuyển sự tập trung từ mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý III sang các nhân tố khác có khả năng sẽ tác động tới Fed trong cuộc họp tháng 12. Rõ ràng nhà đầu tư đang chú ý vào con đường phía trước hơn là những gì xảy ra phía sau.
Còn theo ông Ross Mayfield, nhà phân tích chiến lược tại ngân hàng đầu tư Baird nhận xét đây là một tuần có nhiều số liệu kinh tế được ông bố. Thông thường, khi có nhiều tin tức mới được công bố trong tương lai gần, thị trường sẽ chỉ đi ngang và khá ổn định cho tới khi các ẩn số lộ diện.
Vị chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư, đặc biệt là những người quan tâm đến các chiến lược dài hạn hãy tập trung vào các mục tiêu đầu tư lớn, đồng thời không nao núng vì những phiên lên xuống trong ngắn hạn. Theo ông Mayfield, nếu bạn là một nhà đầu tư dài hạn thì hãy cứ kiên định vào chiến lược của mình.
Dù thị trường đã nỗ lực nhưng vẫn không thể hồi phục sau phiên "đỏ lửa" hôm thứ Hai. Ngay từ đầu tuần, cổ phiếu đã bị bán tháo trên toàn cầu do nhà đầu tư lo ngại về những diễn biến phức tạp liên quan đến đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc.
Trong phiên giao dịch ngày thứ 3, mối lo của nhà đầu tư về Trung Quốc đã được giải tỏa phần nào khi một quan chức nước này cho biết 65,8% số người trên 80 tuổi đã được tiêm vaccine Covid mũi tăng cường. Bên cạnh đó, số liệu của Chính phủ Trung Quốc cũng cho thấy số ca nhiễm Covid mới ở đại lục đã giảm lần đầu tiên trong hơn 1 tuần, đây là một động lực cho phiên hồi phục trên cả hai sàn chứng khoán Hong Kong và Thượng Hải.
Có thể thấy, mối lo về Covid tại Trung Quốc tiếp tục gây áp lực giảm giá lên cổ phiếu Apple - hãng công nghệ có cơ sở sản xuất lớn ở Trung Quốc. Cụ thể, cổ phiếu Apple đã giảm phiên thứ 4 liên tiếp, với mức giảm là 2,1%.
Giá dầu tăng nhờ tin về Trung Quốc
Ở diễn biến khác, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường london đã giảm 0,16 USD/thùng, tương đương giảm 0,2%, còn 83,03 USD/thùng. Ngược lại, giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,96 USD/thùng, tương đương tăng 1,2%, đạt 78,2 USD/thùng.
Việc Trung Quốc tuyên bố đẩy mạnh việc tiêm vaccine Covid cho người cao tuổi nhằm tiến tới việc nới lỏng các hạn chế chống dịch đã phần nào khiến giới đầu tư trên thị trường dầu lửa lạc quan hơn. Tuy nhiên, giá dầu cũng đang phải đối mặt với áp lực giảm khi thị trường cho rằng OPEC+ sẽ không thay đổi hạn ngạch sản lượng trong cuộc họp tới đây, thay vì cắt giảm sản lượng như một số đồn đoán gần đây.
Chia sẻ với Reuter, 5 nguồn tin OPEC+ cho biết liên minh này có thể giữ nguyên sản lượng trong cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày Chủ nhật tuần này. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cùng với một số thành viên ngoài khối bao gồm Nga.
Bên cạnh đó, thị trường cũng đang xem nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) và Liên minh châu Âu (EU)sẽ thống nhất thế nào về trần giá dầu Nga. Được biết, các nước đang thảo luận áp trần giá 65-70 USD/thùng lên dầu Nga, nhưng tới ngày thứ 3 vẫn chưa đạt thỏa thuận. Dự kiến, trần giá sẽ có hiệu lực từ ngày 5/12, cùng ngày với lệnh cấm vận dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển được EU chính thức thực thi.
Giá dầu gần đây được hỗ trợ khi đồng USD giảm giá khỏi mức đỉnh của 20 năm, trong bối cảnh có những dấu hiệu cho thấy lạm phát tại Mỹ có thể đã qua đỉnh. Tuy nhiên, nỗi lo về khả năng kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái đang gây áp lực giảm lên giá dầu, khiến giá mặt hàng "vàng đen" có thời điểm đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm.
Những diễn biến liên quan đến đại dịch tại Trung Quốc - "công xưởng" lớn nhất thế giới trong những ngày gần đây đã làm gia tăng mức độ bất ổn đối với nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh các quốc gia đang chật vật ứng phó với những ảnh hưởng của cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine, hay khủng hoảng năng lượng và lạm phát. Có thể thấy, vai trò của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 toàn cầu, đối với sức khỏe kinh tế thế giới khiến cho giới quan sát không khỏi lo ngại về những diễn biến này.