Samsung đầu tư thêm gần 1 tỷ USD vào Thái Nguyên
BÀI LIÊN QUAN
Tiềm năng đầu tư bất động sản đô thị vệ tinh Đông Nam BộTỉnh Lâm Đồng đề xuất chuyển đổi 486 ha rừng làm dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương Nhà đầu tư đổ xô “săn” biệt thự, nhà liền kề tại thị trường phía NamMở rộng nguồn vốn đầu tư nhà máy Samsung Electro-Mechanics
Ngày 16/2, UBND tỉnh Thái Nguyên đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (Samsung Điện cơ). Đây là kết quả của chuyến công tác mà Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên tháp tùng cùng Chủ tịch Quốc hội thăm chính thức Hàn Quốc.
Theo đó, Samsung sẽ thêm 920 triệu USD để nâng cấp vốn đầu tư của dự án nhà máy Samsung Electro-Mechanics. Dự án này đã được cấp chứng nhận đầu tư lần đầu vào tháng 9/2013 với vốn đăng ký ban đầu là 1,2 tỷ USD, chỉ 6 tháng sau khi Tập đoàn Samsung khởi công xây dựng Tổ hợp Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT), vốn đầu tư 2 tỷ USD.
Sau 7 lần điều chỉnh vốn, dự án nhà máy Samsung Electro-Mechanics đã nâng lên 1,35 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, số vốn này đã được giải ngân hết. Do đó, Samsung quyết định tăng vốn, đưa tổng mức vốn đầu tư cho dự án này lên 2,27 tỷ USD.
Nhà máy Samsung Electro-Mechanics ở Thái Nguyên nhằm sản xuất và lắp ráp bản mạch in kết nối mật độ cao HDI (bao gồm Mainboard – bo mạch chủ và FPCB - bảng mạch in linh hoạt), các linh kiện, phụ tùng (như camera module, bộ nắn điện,...) cho các loại thiết bị viễn thông, thiết bị di động công nghệ cao, các loại sản phẩm điện và điện tử khác.
Việc tăng vốn sẽ giúp Samsung tiếp tục tập trung sản xuất và lắp ráp các loại sản phẩm này. Đồng thời dự án sau khi được phát triển đã góp phần quan trọng giúp Samsung hình thành hệ thống sản xuất toàn cầu hoàn chỉnh tại Việt Nam.
Bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 2/2015, nhà máy Samsung Electro-Mechanics đã duy trì sản xuất - kinh doanh ổn định, giải quyết nhu cầu việc làm cho hơn 6.500 lao động trong khu vực, đóng góp lớn cho kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường, những ngày cuối cùng của năm 2021, Samsung Electro-Mechanics đã nộp hồ sơ đề nghị tăng vốn đầu tư. Và đã được các cơ quan chức năng của Việt Nam đồng ý nhanh chóng.
Với số vốn đầu tư lớn lên tới gần 1 tỷ USD, Samsung một lần nữa khẳng định cam kết đầu tư lâu dài của tập đoàn tại Việt Nam. Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam khẳng định: “Samsung luôn tin tưởng vào môi trường đầu tư ưu việt của Việt Nam và sẽ không thay đổi chiến lược kinh doanh tại Việt Nam”.
Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho rằng Việt Nam là một trong những thị trường đầu tư hấp dẫn với hệ thống chính trị, xã hội ổn định, nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào, cơ sở hạ tầng thuận lợi.
Tổng vốn đầu tư lũy kế của Samsung Việt Nam tính đến cuối năm 2021 là 18 tỷ USD, đạt 102% so với vốn đầu tư được phê duyệt vào năm 2020 là 17,7 tỷ USD. Như vậy, sau khi thêm 920 triệu USD, tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam tăng lên 19,2 tỷ USD, tiếp tục là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Ông Choi Joo Ho cho biết dự định sắp tới của Samsung tại Việt Nam. Trước đây, công ty tập trung đầu tư chủ yếu vào dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên trong thời gian tới, Samsung sẽ nâng cao vị thế của Việt Nam lên một tầm cao mới, trở thành cứ điểm nghiên cứu và phát triển chiến lược thông qua việc đầu tư 220 triệu USD để xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mới (R&D) tại Hà Nội. Dự kiến đến cuối năm 2022 trung tâm mới sẽ được hoàn thành và tập trung nghiên cứu những xu hướng công nghệ mới của thế giới như AI, Big Data, IoT..., đóng góp vào việc phát triển nguồn nhân lực về công nghệ thông tin của Việt Nam.
Doanh thu của Samsung Việt Nam đạt 74,2 tỷ USD năm 2021
Trong năm 2021, với hai lần bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 3 và thứ 4 rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, trong đó có Samsung Việt Nam. Tuy nhiên công ty vẫn ghi nhận sự tăng trưởng về doanh thu và xuất khẩu so với năm 2020.
Doanh thu đạt 74,2 tỷ USD tăng 14% so với năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 65,5 tỷ USD tăng 16% so với năm 2020. Đạt được kết quả thành công này các nhà máy của Samsung tại Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, đặc biệt khi làn sóng dịch lần thứ 4 diễn ra từ ngày 27/4/2021.
Từ tháng 4 - 6/2021, các nhà máy của Samsung Việt Nam và các nhà cung ứng ở các địa phương ghi nhận sự bùng phát dịch mạnh mẽ. Nên đã phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch mạnh mẽ khiến việc cung cấp linh kiện, phụ kiện cho hoạt động sản xuất gặp khó khăn.
Hơn 50% sản lượng điện thoại Samsung trên toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam. Các sản phẩm di động thông minh được sản xuất tại nhiều nhà máy Samsung tại Việt Nam được xuất khẩu đi 128 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Samsung Việt Nam hiện tại đang vận hành 6 nhà máy sản xuất tại các tỉnh. Đó là Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP Hồ Chí Minh, một trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) tại Hà Nội và một pháp nhân bán hàng.
Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất thông qua Nghị quyết về việc thành lập các phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Nơi đặt nhà máy của Samsung Việt Nam tại Thái Nguyên. Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cho biết: "Sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Phổ Yên trở thành nơi rất hấp dẫn với các nhà đầu tư".
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cam kết sẽ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, chỉ tiêu, giữ cho Phổ Yên sẽ là cực tăng trưởng cho tỉnh trong thời gian tới. Tạo điều kiện thúc đẩy Thái Nguyên trong thời gian tới có thể nhanh chóng thực hiện mong muốn của Bác Hồ, khi Người về thăm Thái Nguyên năm 1964. Đó là xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất miền Bắc nước ta.