Quyết liệt xử lý chiêu trò của “cò đất”
“Cò đất” trở thành nghề “hót”
Ở thời điểm này, có thể nói rằng nhà nhà buôn đất, người người buôn đất, công ty môi giới mọc lên như nấm. Từ nhân viên văn phòng, giáo viên, bác sĩ, đến những người buôn thúng bán mẹt cũng trở thành chuyên gia bất động sản. Có khi chỉ qua một bài đăng trên mạng xã hội cũng “chốt đơn” được vài lô, bỏ túi cả chục triệu đồng. Chinh vì thế mà “cò đất” trở thành cái nghề “hót” hơn bao giờ hết, nó được đánh giá là nghề tay trái có thu nhập chính.
Chị N.T.V.T. hôm nào cũng bán rau ở chợ Vinh (Nghệ An) để kiếm đồng ra đồng vào, nuôi các con ăn học. Nhưng nửa năm nay, chị chỉ bán buổi sáng để chiều còn đi “cò đất” vì theo chị buôn đất “dễ kiếm” hơn nhiều. Chị T. chia sẻ: “Dạo này đất được giá, dễ làm ăn. Chỉ cần đăng lên Facebook kiếm được khách là tiền về hơn cả tháng bán rau, chị còn xây được cả nhà, dư sức nuôi hai đứa đại học”.
Không ít người chia sẻ rằng “duyên đưa mình đến với nghề”, điển hình như chị T.T.H (Thạch Hà, Hà Tĩnh), vốn là một cán bộ xã nhưng lại "đam mê" nghề môi giới - đầu tư đất. Vừa làm cán bộ công chức, vừa tranh thủ đi giới thiệu đất để thêm nguồn thu nhập, song nguồn thu nhập này lại cao gấp nhiều lần so với lương công chức. “Trước đây tôi chả biết gì về đất đai cả, giá cả thị trường cũng không mấy quan tâm, nhưng thấy người này người kia đưa nhau đi giới thiệu đất, thấy họ mua được cả ô tô, nên tôi cũng lân la tìm hiểu. Từ khi bước vào con đường gọi là kinh doanh đất, kinh tế của gia đình cũng ổn định hơn. Nhưng tôi cũng chỉ xác định đây là nghề tay trái thôi”.
Theo chị H. sau nhiều vụ môi giới đất thành công, thấy lợi nhuận ổn, thấy cách làm ăn được, chị bắt đầu bỏ tiền ra "lướt sóng" đất. Vì chưa có nhiều kinh nghiệm nên chị rủ thêm một số người cùng nghề có kinh nghiệm rồi cùng đầu tư: "Chúng tôi góp vốn với nhau, tìm những mảnh đất ưng ý, thấy có tiềm năng sinh lời cao để thì đầu tư sau đó tất cả cùng rao bán kiếm lời, thế mà như có duyên, có khi chúng tôi lời gần 1 tỷ đồng".
Thế nhưng, khi có quá nhiều đối thủ cạnh tranh trong cùng một môi trường, thì bắt buộc các “cò” phải tìm ra hướng đi mới để duy trì công việc và thu nhập. Trong rất nhiều con đường thì một bộ phận đông đảo “cò đất” lại lựa chọn cung cấp những thông tin sai lệch, thông đồng với nhau tạo sức hút cho từng lô đất, lợi dụng lừa lọc lòng tin của người khác chỉ để bán đất kiếm sinh lời, … mà ngắn gọn hơn thì đây gọi là chiêu trò “thổi” bong bóng bất động sản – một tình trạng gây nhiễu loạn thị trường đất rất nghiêm trọng.
Những hợp đồng đặt cọc mua đất hoành tráng được đăng lên facebook, chụp kèm vài cái chứng minh thư, căn cước công dân để khoe mẽ nhưng bất ngời là nhiều người vẫn tin "sái cổ". Những thương vụ bạc tỷ, với rất nhiều cọc tiền, vài chục quyển hợp đồng và không quên chụp ảnh bắt tay “làm kỉ niệm”. Khi rảnh thì thì lấy tiền từ túi áo cho vào túi quần, tự chuyển tiền từ số này sang số kia, một hình thức nhằm khoe số dư tài khoản hoặc tài khoản nhận cọc của khách hàng chuyển tới.
Đều đặn mỗi ngày là khoe thành quả đã chốt được 5 -7 lô đất cho “khách yêu” mà giọng điệu quen thuộc vẫn là “lời tình cảm với cốc cà phê”, “không còn đất mà bán”, “có người trả cao hơn mà chưa muốn bán”, “không xuống tiền nhanh lại có người đặt cọc mất”, “sang tuần đất này có tiền cũng chả mua được”…
“Cò” tạo “sốt đất” ảo
Đầu tháng 3/2022, mạng xã hội xuất hiện dậy sóng khi xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh hàng trăm người tụ tập ở một khu đất trống nằm sâu trong rừng với xung quanh là đồi núi và rải rác những lăng mộ xã Triệu Ái (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) tham gia đấu giá đất.
Chỉ trong thời gian ngắn, các lô đất được “cò” đẩy mức giá hàng trăm triệu đồng rồi chốt đơn trong vòng vài phút. Nhưng đáng nói ở đây là theo lãnh đạo xã Triệu Ái: “Khu đất này không hề nằm trong khu quy hoạch dân cư, vì ở đây nguồn nước không đảm bảo”
Trước đó, vào tháng 2/2022, mạng xã hội cũng xôn xao clip ghi lại cảnh một dự án đất nền “ma” được giao dịch, chốt cọc một cách nhộn nhịp không khác gì một cuộc đấu giá được tổ chức bài bản. Theo tìm hiểu thì những lô đất này thuộc xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Và cũng được xác nhận là trên địa bàn không có bất kỳ dự án khu dân cư nào được cấp phép để mang ra mua bán giao dịch.
Cách đây không lâu, sau khi có thông tin sẽ có khảo sát và quy hoạch dự án Tổ hợp khu đô thị nghỉ dưỡng, sân gofl và Dự án VSIP tại hai xã Yên Hoà (Cẩm Xuyên) và xã Việt Tiến (Thạch Hà) tỉnh Hà Tĩnh, người dân hoang mang khi từng đoàn xe nối dài, người mua đất đông như trẩy hội, họ về từng ngõ, gõ cửa từng nhà hỏi mua bán đất. Các nhà môi giới thu hút người mua đón đầu, đầu tư lấy lời bằng cách bàn tán, nói quá lên về dự án, hỏi mua với giá cao, rồi sau đó diễn nhiều tình huống mua đi bán lại với giá sinh lời hấp dẫn. Nhưng sau vài ngày khuấy động thị trường, đạt được mục đích. Những “con buôn” lại nhanh chóng rời đi, sạch sẽ - không còn một ai giống như cách mà chúng đến.
Có nhiều ý kiến lo ngại rằng, chính “cò đất” sẽ phá nát nền kinh tế. Và số lượng “cò” đông đúc khó kiểm soát như bây giờ thì chính xác vấn đề này cần được giải quyết một cách triệt để.
Phải mạnh tay để giải quyết triệt để
Liên quan đến vấn đề này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 16 “Quy định xử phạt hành chính về xây dựng”, từ ngày 28/1/2022, các cá nhân, doanh nghiệp hành nghề môi giới bất động sản có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính.
Theo đó, các hành vi vi phạm liên quan đến chính chỉ hành nghề môi giới bất động sản như: không có; hết thời hạn sử dụng; tẩy xoá, chỉnh sửa làm sai lệch nội dung; thuê, mượn chứng chỉ hoặc cho thuê, cho mượn chứng chỉ sẽ bị phạt từ 40-60 triệu đồng. Đồng thời cũng áp dụng mức phạt này cho tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản nhưng vừa là nhà môi giới vừa là một bên thực hiện hợp đồng trong một giao dịch kinh doanh bất động sản.
Mức phạt tiền từ 120 - 160 triệu đồng sẽ được áp dụng đối với các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động môi giới bất động sản mà không thành lập doanh nghiệp, văn phòng theo quy định hoặc số người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản theo quy định hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định không đủ số lượng. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản hoặc cá nhân kinh doanh bất động sản độc lập không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định. Sàn giao dịch bất động sản không có các quy chế hoạt động, hoạt động sai quy chế, hoạt động không có tên, địa chỉ theo quy định hoặc thay đổi tên, địa chỉ hoạt động nhưng không thông báo đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Bất động sản được đưa lên sàn giao dịch nhưng không đủ điều kiện theo quy định; Hồ sơ, thông tin về loại hình bất động sản môi giới không được cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc cung cấp không trung thực thì áp dụng mức phạt từ 200 – 250 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các hình thức xử phạt bổ sung, cũng được quy định tại khoản 4 điều 59 của Nghị định.
Nhưng với tình hình diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây, thì tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác Công an quý I và triển khai công tác quý II ngày 24/3, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã nhấn mạnh và yêu cầu các đơn vị, địa phương phải năm chắc tình hình thị trường bất động sản, ngăn chặn các vi phạm, không để hình thành "bong bóng" bất động sản.
Trước đó nhiều ý kiến cũng bày tỏ mong muốn rằng phải quyết liệt hơn trong vấn nạn "cò đất". Theo ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Các địa phương phải mạnh tay xử lý tình trạng “cò đất, cò nhà” gây nhiễu loạn thị trường, từ đó mới ngăn chặn được những yếu tố tiêu cực gây ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản”
Qua phân tích ông Trần Đăng Minh, Luật sư Công ty Luật TNHH Thiên Định (Đoàn Luật sư TP HCM) đề nghị làm tới cùng những chiêu trò của các cá nhân môi giới đất tự do và công ty Bất động sản nhằm ngăn ngừa và răn đe chung về tình trạng “cò đất”. Ông cho rằng: “Việc các công ty, đơn vị cá nhân cố tình thực hiện rao bán và truyền tải thông tin sai sự thật về các dự án, tập trung đông người để mua bán giao dịch thì ngoài việc bị xử lý về hành vi gây rối an ninh trật tự, còn phải mạnh tay hơn bằng cách vào cuộc điều tra nhằm tìm các yếu tố hình sự, để có căn cứ xét xử lý hình sự về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chúng ta cần chứng minh các đối tượng có hành vi lừa lọc, chiếm được lòng tin rồi chiếm đoạt tài sản qua phương thức đặt cọc đối với các lô đất chưa có đủ điều kiện chuyển nhượng theo luật định".