Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp và dịch vụ công nghệ cao
BÀI LIÊN QUAN
Thực hư chuyện môi giới bất động sản Bắc Ninh "khoe" chốt giao dịch thời "ngủ đông"Bắc Ninh tiếp đà phục hồi, sẵn sàng lên thành phố trực thuộc Trung ươngBất động sản Bắc Ninh: Giá cao nhưng "nhiệt độ" suy giảmMột cực tăng trưởng của Vùng Thủ đô
Theo Báo Đấu thầu, mới đây, Hội nghị Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức. Tỉnh Bắc Ninh có vị trí cửa ngõ phía Bắc và hội tụ các tuyến giao thông chính lan tỏa từ Thủ đô Hà Nội liên kết với khu vực Bắc - Đông Bắc. Không những vậy, Bắc Ninh còn được biết đến là một trong những cực tăng trưởng của Vùng Thủ đô, khu vực động lực của Vùng đồng bằng sông Hồng có sức hút về kinh tế, xã hội, giá trị lịch sử văn hóa. Tỉnh cũng là nơi cung cấp thông tin, chuyển giao công nghệ và tiếp thị thuận lợi đối với mọi miền đất nước.
Vị trí địa lý thuận lợi về mặt tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội giúp tỉnh Bắc Ninh có lợi thế trong sự phát triển kinh tế - xã hội và mở rộng hợp tác, giao lưu kinh tế với các địa phương trong cả nước nói riêng và quốc tế nói chung.
Mặc dù có nhiều thuận lợi như vậy, tuy nhiên trong quá trình lên phương án quy hoạch tỉnh Bắc Ninh xuất hiện không ít các điểm nghẽn. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thông tin một số khó khăn còn tồn tại như Quỹ đất sử dụng nhỏ; Hệ thống các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề phát triển đan xen với các khu vực dân cư, dẫn tới nhiều nguy cơ về ô nhiễm môi trường; Sông Đuống và các tuyến đường cao tốc, các tuyến điện cao thế và nhiều khu dân cư đan xen đã tạo sự chia cắt về không gian phát triển; Tỷ lệ nhập cư cao và xu hướng đô thị hóa mạnh, tạo áp lực lên cơ sở hạ tầng, các dịch vụ xã hội; Việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khó khăn.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh cho biết trong thời gian qua, tỉnh luôn xác định công tác lập quy hoạch tỉnh là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm và xuyên suốt, có vai trò quan trọng trong việc hoạch định phương hướng, điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Do đó, việc quy hoạch tỉnh Bắc Ninh phải đảm bảo tính kết nối đồng bộ, liên kết vùng và phát huy lợi thế so sánh mới. Đồng thời, khai thác tối đa tiềm năng vốn có của tỉnh, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực đưa tỉnh Bắc Ninh phát triển toàn diện, hài hòa, hiệu quả theo hướng xanh và bền vững. Tiếp tục phát triển tỉnh Bắc Ninh với vị thế là một trong những cực phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng, một trong những nền kinh tế dẫn đầu cả nước và là trung tâm logistics liên kết các vùng, trung tâm dịch vụ số quốc tế. Đặc biệt sớm đạt được toàn bộ các tiêu chí của Đô thị loại I trực thuộc Trung ương.
Trở thành thành phố thông minh, đổi mới sáng tạo
Dự thảo quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ định hướng 5 quan điểm phát triển.
Một là phát triển bền vững, tỉnh Bắc Ninh trở thành một trong những cực phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng và là một trong những nền kinh tế đứng đầu cả nước. Tỉnh Bắc Ninh sớm trở thành Đô thị loại I trực thuộc Trung ương và là hình mẫu về thành phố thông minh, đổi mới sáng tạo, sinh thái, giữ gìn và phát huy các bản sắc văn hóa, có chất lượng cuộc sống cao.
Hai là phấn đấu tỉnh Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp và dịch vụ công nghệ cao, trung tâm sản xuất thông minh của Việt Nam và vùng Đông Nam Á, trung tâm logistics của vùng.
Ba là phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh Bắc Ninh phát triển đồng bộ, hiện đại, kết nối nội tỉnh và liên tỉnh thông suốt.
Bốn là bản sắc văn hóa và con người Bắc Ninh được phát huy và trở thành động lực phát triển.
Năm là ưu tiên sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên và nâng cao chất lượng môi trường, đảm bảo ứng phó biến đổi khí hậu.
Nhằm thực hiện 5 quan điểm phát triển trên, tỉnh Bắc Ninh cũng đề ra 5 khâu đột phá phát triển gồm Huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; Tổ chức không gian kinh tế và đô thị trên phạm vi toàn tỉnh theo quy hoạch, gia tăng hiệu quả tụ hội đô thị, phát huy lợi thế so sánh, nâng cao năng lực cạnh tranh; Đẩy nhanh quá trình phát triển và hoàn thiện hạ tầng; Nâng cao chất lượng quản trị; Phát huy bản sắc văn hoá truyền thống.
Tỉnh Bắc Ninh ưu tiên thu hút đầu tư vào 7 nhóm ngành gồm sản xuất công nghệ cao, sản xuất thiết bị điện tử, du lịch, logistics, thương mại, dịch vụ công nghệ thông tin, sản xuất dược phẩm.
Theo dự thảo quy hoạch, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bắc Ninh sẽ trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, nghiên cứu & thiết kế (R&D) hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Tại tỉnh sẽ tập trung sản xuất thông minh, sản xuất công nghệ cao và cung cấp các dịch vụ giải trí cao như dịch vụ đổi mới, nghiên cứu & thiết kế (R&D). Tỉnh Bắc Ninh hướng tới phát triển thành một trung tâm dịch vụ số quốc tế có giá trị cao dựa trên các dịch vụ số hóa và các dịch vụ toàn cầu có thể thực hiện từ xa; là thành phố thông minh với khả năng tiếp cận và tích hợp toàn cầu, với các dịch vụ giáo dục đào tạo và chăm sóc y tế dẫn đầu.
Tại Hội nghị, các chuyên gia, đại diện các bộ, ngành đã thống nhất thông qua Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với điều kiện phải có chỉnh sửa, bổ sung.