Quý 2/2022: "Vua tôm" Minh Phú báo lãi sau thuế gấp 2,5 lần cùng kỳ, triển vọng thị trường cuối năm liệu còn thuận lợi?
BÀI LIÊN QUAN
5 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu của Minh Phú tăng 25,7% so với cùng kỳVì sao Minh Phú, Sao Ta có lớn đến mấy cũng không thể tự chủ 100% về tôm nguyên liệu?"Vua tôm" Minh Phú giảm tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Mỹ: Lợi nhuận gần như không có thì sao phải bám trụ?Lợi nhuận của "Vua tôm" Minh Phú tăng gấp đôi nhờ thị trường thuận lợi
Mới đây, CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú đã công bố báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ trong quý 2 năm nay với nhiều kết quả ấn tượng. Theo như báo cáo này, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ trong quý 2 là 196 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước đã cao gấp 2,5 lần. Trong khi đó, doanh thu thuần đã giảm 7% so với cùng kỳ và xuống chỉ còn 2.701 tỷ đồng.
Theo Minh Phú, lợi nhuận kỳ này năng cao một phần là nhờ giá vốn bán hàng so với cùng kỳ năm trước đã giảm 10%, xuống còn 2.297 tỷ đồng. Điều này giúp cho biên lợi nhuận gộp của công ty mẹ tăng 21%, trong khi đó biên lợi nhuận gộp đã được cải thiện 4,4 điểm phần trăm và lên mức 14,5%. Việc công ty đẩy mạnh sản xuất mặt hàng giá trị gia tăng đã giúp cho biên lãi gộp trong quý này tăng lên đáng kể.
Trong quý 2 năm nay, doanh thu tài chính của Minh Phú cũng ghi nhận mức tăng đột biến lên 205 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2021 đã cao gấp 10 lần, chủ yếu là nhờ việc nhận cổ tức của các công ty thành viên.
Sau khi lũy kế 6 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần của công ty mẹ Minh Phú là 4.850 tỷ đồng, so với cùng kỳ đã tăng 7,2%. Bên cạnh đó, lợi nhuận sau thuế cũng tăng 63% so với cùng kỳ, lên mức 291 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm nay, thị trường tôm khá thuận lợi được thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), xuất khẩu tôm tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt 2,3 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước đã tăng 31%.
Việc kim ngạch xuất khẩu tôm tăng mạnh bất thường là do nhiều doanh nghiệp đã giảm chế biến trong nửa cuối năm 2021 vì Covid-19, đến đầu năm nay, các doanh nghiệp này đã đẩy mạnh việc trả nợ đơn hàng. Đồng thời, tình trạng lạm phát tăng cao cũng đã tác động phần nào đến việc tăng giá tiêu thụ tôm. Bên cạnh đó, giá bán tôm tăng còn do chi phí cước tàu tăng mạnh trong thời gian qua.
Theo như đánh giá của ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC), chi phí cước tàu tăng mạnh đã khiến giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng “ảo” thêm khoảng 10%. Những tháng đầu năm nay tại thị trường Mỹ, nhu cầu nhập khẩu tôm đã tăng cao đột biến. Điều đáng nói, đây là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam và cũng là thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Minh Phú.
Tại Trung Quốc, sau khi các quy định phòng chống dịch Covid-19 được nới lỏng đã khiến thị trường nước này dần mở cửa trở lại. Theo đó, Trung Quốc cũng đã xóa bỏ chính sách đình chỉ nhập khẩu thực phẩm đông lạnh có nhiễm virus Sars-CoV-2 sau gần 2 năm thực thi. Đây được coi là tin vui cho những doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, năm nay thị trường EU cũng ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Dù chi phí vận tải tăng cao chóng mặt, các doanh nghiệp vẫn nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này. Chiếm tỷ trọng 11,4% (năm 2021), khối EU chính là thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ 3 của Minh Phú.
Nửa còn lại của năm 2022 liệu còn khả quan?
Có thể thấy trong nửa đầu năm nay, Minh Phú đã có một khởi đầu khá thuận lợi. Tuy nhiên các chuyên gia dự báo, trong nửa còn lại của năm 2022, thị trường tôm có lẽ sẽ không còn suôn sẻ như trước. Kể từ tháng 6, những tín hiệu xấu đã bắt đầu nhen nhóm. Đây chính là tháng đầu tiên của năm nay xuất khẩu tôm ghi nhận mức tăng trưởng âm sau 5 tháng trước đó liên tục tăng trưởng dương ở mức 2 con số. Các số liệu cho thấy, giá trị xuất khẩu tôm trong tháng 6 đạt gần 416 triệu USD và giảm nhẹ 1%.
Một trong những nguyên nhân khiến cho kết quả xuất khẩu tôm trong tháng 6 năm nay không được như kỳ vọng là do nguồn cung tôm nguyên liệu trong nước hạn chế trong khi nhu cầu tiêu thụ từ các thị trường Mỹ và EU đang có phần chững lại. Điều đáng nói, đây đều là hai thị trường lớn và quan trọng của Minh Phú. Đặc biệt tại thị trường Mỹ, kim ngạch xuất khẩu của Minh Phú đã giảm xuống chỉ còn 93 triệu USD, giảm 36% so với cùng kỳ. Giới chuyên gia cho rằng phải đến tháng 9, nhu cầu nhập hàng tại thị trường Mỹ mới có thể phục hồi nhẹ trở lại, chủ yếu phục phụ nhu cầu của lễ hội cuối năm.
Theo như lý giải của VASEP, lạm phát tăng cao đã ảnh hưởng tới hành vi chi tiêu của người dân. Người dân sẽ có xu hướng chi tiêu tiết kiệm, cắt giảm những món đồ đắt đỏ, trong đó có cả tôm. Những tháng đầu năm, sản lượng tôm nhập khẩu ở Mỹ tăng mạnh nên lượng tồn kho nhiều, cộng thêm những ách tắc về hậu cần như chi phí vận chuyển cao, việc vận chuyển chậm trễ và thiếu container kéo dài cũng khiến người dân mua hàng dè dặt hơn.
Đối với thị trường EU, trong tháng 6 xuất khẩu tôm vẫn ở mức tăng trưởng dương là 37%, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU trong các tháng của quý 2 đã thấp hơn quý 1 khá nhiều. Trong những tháng tới, việc xuất khẩu này sẽ phải chịu thêm tác động lạm phát của châu Âu cùng với việc đồng EURO mất giá so với USD. Chưa kể, nền kinh tế của các nước này cũng đang phải đối phó với khủng hoảng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã đẩy giá xăng dầu và hàng hóa tăng cao chóng mặt. Theo như dự báo, nhu cầu nhập khẩu tôm trong những tháng tiếp theo của EU có thể sẽ tăng trở lại.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cũng dự báo về những khó khăn trong 6 tháng cuối năm. Ông cho biết: “Năm nay, tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp hơn mọi năm. Thời tiết lại mưa khá nhiều khiến bà con phải thu hoạch tôm sớm và cũng hạn chế thả giống. Đặc biệt, tình hình lạm phát ở các nước cao nên thị trường tiêu thụ từ nay đến cuối năm sẽ khó khăn”.
Vì thế, ông Quang khẳng định, lượng và giá trị xuất khẩu năm nay của Minh Phú có thể thấp hơn kế hoạch nhưng lợi nhuận vẫn đạt chỉ tiêu đề ra. Năm 2022, Minh Phú đặt mục tiêu doanh thu gần là 19.000 tỷ đồng (tương đương 817 triệu USD) cùng với 1.266 tỷ đồng (tương đương 54,6 triệu USD) lợi nhuận sau thuế.
Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, trong 6 tháng đầu năm nay, sản lượng tôm thẻ chân trắng của Việt Nam là 299,7 nghìn tấn, so với cùng kỳ đã tăng 16,3%; sản lượng tôm sú đạt 117,9 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước.
Sẽ giảm tỷ trọng tại thị trường Mỹ
Mỹ là thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Minh Phú suốt nhiều năm liền. Năm 2021, sản lượng tôm của Minh Phú xuất khẩu sang thị trường này chiếm 34% tỷ trọng, có những thời điểm con số này lên tới gần 41%. Tuy nhiên, Mỹ cũng là thị trường nhiều thách thức và sóng gió nhất với “vua tôm” này. Thời điểm bùng phát đại dịch, Minh Phú phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như: Giá cước vận tải tăng cao chóng mặt, hàng loạt vụ kiện chống bán phá giá trước đó, vụ chống lẩn tránh thuế…
Trong cuộc họp thường niên với các cổ đông diễn ra mới đây, ông Lê Văn Quang bất ngờ tuyên bố về việc sẽ giảm tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Mỹ do chi phí quá cao khiến cho lợi nhuận của doanh nghiệp bị giảm sút trầm trọng. Một trong những vấn đề mà Minh Phú không thể giải quyết được liên quan đến việc xuất khẩu tôm sang Mỹ đó là chi phí logistics tăng quá cao. Theo dữ liệu từ trang Intrafish, năm 2019 - thời điểm trước đại dịch Covid-19, giá cước vận tải của 1 container từ Việt Nam chỉ 3.800 USD; thế nhưng đến năm 2022, giá cước vận tải đã tăng vọt lên tận 6 lần, lên mức 21.000 USD/container.
Không chỉ giá cước tàu cao, số lượng container khan hiếm, hệ thống kho và cảng biển bên Mỹ còn đang trong tình trạng quá tải. Điều này khiến việc xử lý các đơn hàng càng thêm tốn thời gian, hàng vào được bên trong cũng phải rất lâu mới có thể cập bến. Chưa kể, tình trạng thiếu hụt xe tải chở hàng từ bãi về đến kho cũng ngày càng trầm trọng, thời gian chuyển hàng hóa từ bãi về kho cũng rất lâu.
Trước những khó khăn này, ông Quang khẳng định Minh Phú cần phải thay đổi chiến lược khi việc xuất khẩu sang Mỹ đang ngày càng thua lỗ. Vị doanh nhân này khẳng định: “Nhiều khi khách có nhu cầu mua hàng để xuất đi luôn nhưng không có người đến lấy để giao cho khách. Thế nên, chúng tôi thấy rằng đã đến lúc giảm tỷ trọng thị trường Mỹ xuống và tăng thị trường khác lên. Bán hàng sang Mỹ lúc đầu thấy lời đấy, thế nhưng tính toán chi phí vào cũng hết lời luôn, thậm chí còn lỗ. Thế nên, Minh Phú cần thay đổi chiến lược”.
Trước đây, Minh Phú từng cùng đối tác chiến lược Nhật Bản là Mitsui có ý định hợp tác với Công ty Cổ phần Gemadept để đầu tư cảng ở Mỹ. Thế nhưng dự án không được Mỹ cấp phép vì liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia. Sau đó, Minh Phú còn dính phải những rắc rối từ các vụ kiện chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế. Mới đầu năm 2020, Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) thông báo áp dụng các biện pháp điều tra lẩn tránh thuế về việc chống bán phá giá, đồng thời áp dụng ký quỹ tạm thời ở mức 10% với các lô hàng xuất khẩu vào nước này.
Khi đó, Minh Phú bị cáo buộc lẩn tránh thuế chống bán phá giá khi tiến hành xuất khẩu tôm nguyên liệu của Ấn Độ vào Mỹ. Đầu năm 2021, Minh Phú mới được “minh oan”, hưởng mức thuế chống bán phá giá trở về 0%. Tuy nhiên, vụ kiện này khiến Minh Phú “trầy trật” suốt thời gian dài, chịu áp lực vô cùng lớn về truyền thông trong nước và ngoài nước. Công ty cũng phải dồn hết mọi nguồn lực để xử lý những công việc phát sinh từ vụ kiện này.