Quảng Ninh sẽ thành thành phố Trung ương với 7 thành phố trực thuộc
BÀI LIÊN QUAN
Nhận diện thị trường bất động sản Quảng Ninh năm 2023Hạ tầng đột phá, bệ đỡ để Quảng Ninh thu hút FDI thế hệ mớiQuảng Ninh thành công với việc chuyển từ "nâu" sang "xanh" nhờ hệ thống hạ tầngTheo Lao Động, Quyết định số 80/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 nêu rõ mục tiêu phát triển của Quảng Ninh đến năm 2030 có 12 đơn vị hành chính với 13 đô thị và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành gồm 7 thành phố là Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Đông Triều, Móng Cái - Hải Hà, Quảng Yên, Vân Đồn cùng với việc tái thiết lập thị xã Tiên Yên.
Quảng Ninh đặt mục tiêu về tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân trong giai đoạn 2021 - 2030 là 10%/năm. Về cơ cấu kinh tế công nghiệp xây dựng chiếm khoảng 47 - 48%; dịch vụ chiếm 38 - 39%; thuế sản phẩm 9 - 10%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 3 - 4%. GRDP bình quân đầu người đạt 19.000 - 20.000 USD.
Giai đoạn 2021 - 2030, tỷ lệ tăng dân số bình quân đạt khoảng 1,9%/năm. Đến năm 2030 dân số toàn tỉnh là 2,64 triệu người, trong đó khoảng 1,63 triệu dân số thường trú; duy trì chỉ số phát triển con người (HDI) của tỉnh ở nhóm 5 tỉnh thành phố đứng đầu cả nước; tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%...
Theo quy hoạch, phương án phát triển mạng lưới giao thông vận tải, bám sát định hướng của quy hoạch cấp quốc gia để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Lạng Sơn, Bắc Giang…), nội vùng (đặc biệt là giữa các khu vực vùng cao, miền núi với các vùng động lực, trung tâm đô thị).
Gắn với các hành lang phát triển kinh tế (hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hành lang kinh tế ven biển từ Móng Cái, Quảng Ninh đến Cà Mau).
Tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn trong giai đoạn phát triển 2021 - 2030, Quảng Ninh sẽ mở rộng nhà ga hành khách, xây dựng thêm đường lăn nổi, khu hàng không dân dụng và sân đỗ máy bay để nâng công suất 5 triệu hành khách/năm; năm 2030 trở thành sân bay "xanh".
Trong giai đoạn 2030 - 2050, xây dựng sân bay chuyên dùng tại huyện đảo Cô Tô. Đồng thời nâng cấp, cải tạo, mở rộng sân bay Hồng Kỳ (phường Ninh Dương, Móng Cái), kết hợp khai thác dân dụng (taxi) và cứu nạn. Quảng Ninh đặt mục tiêu phát triển giao thông là sân bay và vùng nước dành cho thủy phi cơ, trực thăng tại Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, Đông Triều, Uông Bí và tại những khu vực có tiềm năng về du lịch.
Tầm nhìn phát triển đến năm 2050, Quảng Ninh trở thành vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những địa phương đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là du lịch, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao; người dân tại địa phương có mức thu nhập tương đương các nước phát triển; phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn; đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh.
Quy hoạch đã đưa ra 7 nhóm giải pháp chủ yếu để triển khai. Một là vận động, sử dụng nguồn lực, thu hút đầu tư. Hai là giải pháp phát triển nguồn lực đất đai. Ba là giải pháp phát triển nguồn nhân lực. Bốn là giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ. Năm là giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển. Sáu là giải pháp về quản lý và kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn. Bảy là giải pháp tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.