Quảng Ninh chuyển đổi trở thành trung tâm công nghiệp, sản xuất mới của miền Bắc
BÀI LIÊN QUAN
Quảng Ninh: Nhiều cơ hội đến với bất động sản Uông BíTại sao BĐS Quảng Ninh là “gà đẻ trứng vàng” trong mắt nhà đầu tư?Quảng Ninh: Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận nhờ bất động sản Phương Đông Vân ĐồnThiên thời, địa lợi, nhân hòa
Theo baodautu.vn, báo cáo của đơn vị tư vấn và nghiên cứu thị trường CBRE cho thấy, trong nửa đầu năm 2022, nhu cầu thuê bất động sản công nghiệp tại Việt Nam tăng cả về số lượng và quy mô. Nhu cầu thuê đất có mức tăng trưởng 10%, nhu cầu thuê nhà xưởng, nhà kho xây sẵn tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021. Diện tích trung bình khách thuê yêu cầu đối với đất tăng lên mức 9,4ha so với mức 9,2ha so với cùng kỳ năm trước. Ở loại hình nhà xưởng/nhà kho xây sẵn tăng lên mức 6.700m2 so với 6.100m2 vào năm 2021.
Thị trường khu công nghiệp giữa miền Bắc và miền Nam có sự phân hóa rõ rệt, trong đó khu vực phía Bắc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cao hơn phía Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2022, bất động sản công nghiệp miền Bắc thu hút 6,7 tỷ USD, ở miền Nam chỉ khoảng 6,5 tỷ USD.
Một trong những địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp là tỉnh Quảng Ninh. Các chuyên gia từ CBRE cho rằng, địa phương ven biển miền Bắc này sở hữu cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ. Đặc biệt, vào ngày 1/9/2022, tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sẽ chính thức đi vào khai thác, đây là tuyến cao tốc thứ 3 của tỉnh Quảng Ninh. Tuyến đường giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Móng Cái và ngược lại chỉ còn 3 giờ thay vì 6 giờ như hiện nay.
Như vậy, tuyến cao tốc này sẽ kết nối đồng bộ với cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn tạo thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam, gần 600 km. Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh sẽ là tỉnh có tổng số km đường cao tốc lớn nhất cả nước là 176km. Đây là động lực phát triển quan trọng cho địa phương này và phát triển liên vùng.
Hệ thống đường cao tốc không chỉ kết nối các cực tăng trưởng phía Bắc với nhau gồm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh mà còn kết nối các khu kinh tế ven biển của Hải Phòng, Quảng Ninh và các khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, tăng cường kết nối miền Bắc Việt Nam với miền Nam Trung Quốc.
Ông Koen Soenens, Giám đốc Kinh doanh và Marketing, Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C cho biết: “Quảng Ninh có những điểm khác biệt so với các tỉnh, thành trên cả nước. Đó là khoảng cách địa lý với Trung Quốc, bởi Quảng Ninh là tỉnh tiếp xúc khá nhiều về biên giới đường biển cũng như biên giới đường bộ với Trung Quốc. Điều này sẽ giúp cho các công ty hiện nay đang sản xuất tại Trung Quốc muốn mở rộng với chiến lược Trung Quốc +1 thì họ sẽ dễ dàng mở rộng thêm hoạt động sản xuất kinh doanh mà không làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng. Quảng Ninh cũng là tỉnh, thành duy nhất có hệ thống giao thông vô cùng phát triển. Đặc biệt là cơ sở hạ tầng, đường sá, cảng biển tại đây vô cùng tốt so với các tỉnh, thành phía Nam”.
Tỉnh Quảng Ninh cũng được đánh giá là địa phương có nguồn lao động dồi dào. Bà Ngô Thị Ngọc Lan - Giám đốc khu vực Miền Bắc của Navigos Group cho biết, lực lượng lao động tại Quảng Ninh được đánh giá là dồi dào với cơ cấu lao động trẻ (dân số trong độ tuổi lao động 15 - 64 tuổi chiếm 67%) và năng suất lao động cao. Trong những năm gần đây, chất lượng lao động tại đây cũng đã được cải thiện nhiều. Lao động có đào tạo đã đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Trong vài năm tới, nhu cầu lao động tại tỉnh Quảng Ninh dự kiến sẽ tăng do nhiều công ty sản xuất đi vào hoạt động. Cơ cấu lao động sẽ có sự thay đổi do dịch chuyển ngành kinh tế mũi nhọn từ du lịch sang công nghiệp, sản xuất.
Dịch chuyển ngành kinh tế mũi nhọn
Trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp trên thế giới, tỉnh Quảng Ninh đã có những thích ứng kịp thời. Từ một tỉnh lấy du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh đã có những động thái chuyển dịch lấy các ngành công nghiệp công nghệ cao như sản xuất ô tô, thiết bị điện tử làm trọng tâm.
Mới đây, tại hội thảo Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh do Khu công nghiệp DEEP C tổ chức vào ngày 24/8/2022, ông Châu Thành Hưng, Phó trưởng ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh cho biết, hiện đã có 10 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp thuộc 8 khu công nghiệp được cấp có thẩm quyền quyết định, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập với tổng diện tích 4.632,29 ha. Trong đó, khu công nghiệp Nam Tiền Phong và Bắc Tiền Phong tại Khu kinh tế ven biển Quảng Yên nên được hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất theo quy định hiện nay. Hai khu công nghiệp này có dư địa phát triển rất lớn và nằm ở vị trí rất thuận lợi trong kết nối giao thông, cả đường bộ, đường biển và đường hàng không.
Hiện tỉnh Quảng Ninh đang phát triển các tổ hợp cảng biển - khu công nghiệp đồng bộ hạ tầng với 2 khu công nghiệp trên. Các cảng biển xây dựng trong DEEP C Quảng Ninh sẽ kết nối trực tiếp với cảng biển nước sâu Lạch Huyện tại Hải Phòng, thông qua sông Chanh với dự án nạo vét sông Chanh.
Ông Hưng nói: “Các tổ hợp cảng biển-khu công nghiệp này sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển nội địa, thúc đẩy phát triển logistics tại khu vực và được kỳ vọng là chìa khóa để nâng cao năng lực cạnh tranh của Quảng Ninh đối với nhà đầu tư”.
Tại hội nghị, Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Core5 Quảng Ninh tại DEEP C Quảng Ninh. Chủ đầu tư dự án là Indochina Kajima, liên doanh giữa Indochina Capital và Tập đoàn Kajima (Nhật Bản). Dự án phát triển nhà xưởng, nhà kho xây sẵn đạt tiêu chuẩn quốc tế nhằm đón đầu sóng đầu tư vào sản xuất tại tỉnh Quảng Ninh.
Nhằm bắt kịp xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, tỉnh Quảng Ninh đang tận dụng những tiềm năng sẵn có để chuyển đổi ngành kinh tế mũi nhọn từ du lịch sang trung tâm công nghiệp, đặc biệt chú trọng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao như sản xuất ô tô, thiết bị điện tử. Dự báo hướng đi mới này sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh.