Phạt 120 triệu đồng đối với chủ đầu tư sử dụng nhà thầu nước ngoài chưa có giấy phép xây dựng
BÀI LIÊN QUAN
Bộ Xây dựng kiến nghị xử lý nghiêm việc trục lợi đấu giá đấtMôi giới không có chứng chỉ hành nghề bị phạt lên đến 60 triệu đồng: Chuyên nghiệp, minh bạch hơnPhạt 1 tỷ đồng đối với chủ đầu tư huy động vốn trái phépNhiều mức phạt đối với chủ đầu tư vi phạm quy định về lựa chọn tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng
Cụ thể tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 100 - 120 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Để nhà thầu nước ngoài tham gia hoạt động xây dựng khi chưa được cấp giấy phép hoạt động xây dựng theo quy định; Để nhà thầu nước ngoài không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc không sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam theo quy định;
Để nhà thầu nước ngoài tạm nhập - tái xuất đối với những máy móc, thiết bị thi công xây dựng mà trong nước đáp ứng được theo quy định; Để nhà thầu nước ngoài sử dụng lao động là người nước ngoài thực hiện các công việc về xây dựng mà thị trường lao động Việt Nam đáp ứng được theo quy định; Không thông báo cho các nhà thầu liên quan và cơ quan chuyên môn về xây dựng khi sử dụng nhà thầu nước ngoài thực hiện công việc tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng hoặc giám sát chất lượng xây dựng.
Ngoài ra tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này cũng quy định mức xử phạt hành chính do vi phạm quy định về lựa chọn tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng.
Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng công trình sẽ bị phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng với hành vi lựa chọn tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện năng lực khi tham gia một trong các hoạt động sau: Khảo sát xây dựng; Lập thiết kế quy hoạch xây dựng; Quản lý dự án đầu tư xây dựng; Thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng; Thiết kế kiến trúc, thẩm tra thiết kế kiến trúc;
Thi công xây dựng công trình; Giám sát thi công xây dựng công trình; Quản lý chi phí đầu tư xây dựng; Kiểm định xây dựng; Thí nghiệm chuyên ngành xây dựng.
Khoản 3, Điều 7, Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định hình phạt bổ sung. Bên cạnh việc xử phạt hành chính thì các dự án, công trình, hạng mục có thể sẽ bị đình chỉ hoạt động xây dựng từ 3 - 6 tháng. Nếu chủ đầu tư dự án lựa chọn tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện năng lực khi tham gia quản lý dự án đầu tư xây dựng; thi công xây dựng công trình.
Vi phạm quy định khảo sát xây dựng bị phạt cao nhất lên tới 80 triệu đồng
Tại Điều 8 Nghị định 16/2022/NĐ-CP có nêu rõ các mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về khảo sát xây dựng. Cụ thể, đối với hành vi không lưu trữ hoặc lưu trữ không đầy đủ báo cáo kết quả khảo sát xây dựng theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.
Phạt từ 40 - 60 triệu đồng đối với hành vi không phê duyệt hoặc phê duyệt báo cáo kết quả khảo sát xây dựng không đúng, không đầy đủ nội dung theo quy định.
Phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng đối với một trong tám hành vi sau đây:
Thứ nhất không tổ chức lập hoặc phê duyệt nhiệm vụ khảo sát xây dựng.
Thứ hai không tổ chức lập hoặc phê duyệt phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng.
Thứ ba không tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ khảo sát xây dựng sửa đổi, bổ sung trước khi nhà thầu thực hiện khảo sát xây dựng đối với các phần việc phải sửa đổi, bổ sung theo quy định.
Thứ tư tổ chức lập hoặc phê duyệt nhiệm vụ khảo sát xây dựng khô không đúng nội dung theo quy định.
Thứ năm phê duyệt phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng khi chưa có nhiệm vụ khảo sát xây dựng được duyệt hoặc không phù hợp với các nội dung của nhiệm vụ khảo sát xây dựng được duyệt.
Thứ sáu không tổ chức giám sát khảo sát xây dựng hoặc giám sát khảo sát xây dựng không đầy đủ, không đúng nội dung theo quy định.
Thứ bảy không phê duyệt hoặc phê duyệt không đúng dự toán chi phí khảo sát đối với công trình sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, dự án PPP.
Thứ tám để năng lực thực tế về nhân lực, thiết bị khảo sát tại hiện trường hoặc phòng thí nghiệm (nếu có) của nhà thầu khảo sát xây dựng không đảm bảo so với phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng được duyệt.
Phạt 150 - 200 triệu đồng do vi phạm quy định về lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị
Quy định tại Điều 9 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, khi thực hiện một trong các hành vi dưới đây người quyết định đầu tư, chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng công trình có thể bị xử phạt hành chính từ 150 - 200 triệu đồng.
Tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch, đồ án quy hoạch, nhiệm vụ quy hoạch điều chỉnh hoặc đồ án điều chỉnh quy hoạch không đúng yêu cầu, nguyên tắc, nội dung và thời gian quy định.
Không lấy ý kiến hoặc lấy ý kiến không đúng quy định của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ quy hoạch, đồ án quy hoạch, nhiệm vụ quy hoạch xây dựng điều chỉnh, đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng theo quy định.
Tổ chức lập bản vẽ tổng mặt bằng, phương án kiến trúc công trình, giải pháp về hạ tầng kỹ thuật trong nội dung thiết kế cơ sở đối với dự án đầu tư xây dựng có quy mô nhỏ hơn 5 ha (nhỏ hơn 2 ha đối với dự án đầu tư xây dựng nhà chung cư) không phù hợp với quy hoạch phân khu xây dựng.
Mức phạt đối với một số hành vi vi phạm về điều chỉnh quy hoạch xây dựng
Điều 10 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định mức phạt từ 250 - 300 triệu đồng đối một trong 3 hành vi về điều chỉnh quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch đô thị sau:
Thứ nhất, điều chỉnh quy hoạch không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn áp dụng.
Thứ hai, điều chỉnh quy hoạch không đúng căn cứ, điều kiện, nguyên tắc, trình tự điều chỉnh;
Thứ ba, điều chỉnh bản vẽ tổng mặt bằng, phương án kiến trúc công trình, giải pháp về hạ tầng kỹ thuật trong nội dung thiết kế cơ sở đối với dự án đầu tư xây dựng có quy mô nhỏ hơn 5 ha (nhỏ hơn 2 ha đối với dự án đầu tư xây dựng nhà chung cư) không phù hợp với quy hoạch phân khu xây dựng.
Bên cạnh những mức xử phạt hành chính, Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định rõ các biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng trường hợp vi phạm của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng công trình.