meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Ô tô khan hiếm, giá tăng cao vì ảnh hưởng từ chiến sự ở Ukraine

Thứ ba, 05/04/2022-10:04
Chiến tranh giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, điều này đã gây ra hàng loạt vấn đề mới cho ngành công nghiệp sản xuất ô tô trên thế giới. Nhất là hiện tại, ngành này đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch và đối mặt với tình trạng thiếu chip máy tính.

Theo AP, nhu cầu sử dụng ô tô toàn cầu là rất cao, trong khi nguyên liệu sản xuất khan hiếm và nhiều giai đoạn mới do cuộc xung đột gây ra. Vì vậy, các chuyên gia đang cảnh báo giá ô tô sẽ còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới. 

Trước khi ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, thị trường sản xuất ô tô toàn cầu đã phải đối mặt với tình trạng thiếu chip và các bộ phận sản xuất một cách trầm trọng. Theo đó, hãng sản xuất ô tô BMW đã ngừng sản xuất 2 nhà máy tại Đức. Các nhà máy lắp ráp của Mercedes cũng đang hoạt động một cách cầm chừng. Ngoài ra, Volkswagen đã thông báo về việc ngừng sản xuất, tìm kiếm nguồn thay thế cho các bộ phận. Như vậy, quy mô sản xuất ô tô đang bị thu hẹp, việc giao hàng chậm trễ và giá ô tô bị đẩy lên cao cả xe cũ và xe mới, vượt quá nguồn tài chính của hàng triệu người tiêu dùng. 

Hiện tại, cuộc chiến xảy ra tại Ukraine đã tạo ra những vấn đề mới. Cụ thể là hệ thống dây điện - một thành phần quan trọng để chế tạo ô tô đang được làm tại Ukraine đã bị gián đoạn đột ngột. Như vậy, cộng với nhu cầu tăng cao, nguyên liệu ngày càng khan hiếm và nhiều vấn đề từ cuộc chiến gây ra sẽ làm cho giá ô tô tăng mạnh trong những năm tới.

Hạn chế sản xuất xe mới đến năm 2023

Có thể thấy, chiến tranh đã tác động rất tiêu cực đến ngành công nghiệp sản xuất ô tô, nhất là tại Châu Âu. Những nhà sản xuất ô tô của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nếu xuất khẩu kim loại của Nga, nhất là palladium cho bộ chuyển đổi xúc tác và niken cho pin ô tô điện bị cắt đứt.

Ông Mark Wakefield - Đồng lãnh đạo mảng ô tô toàn cầu của hãng luật Alix Partners cho biết, “Bạn chỉ cần thiếu một thành phần là cả quá trình sản xuất một chiếc xe hơi đều bị gián đoạn. Bất cứ “khúc cua” nào trên "đường đua" đều có nguy cơ tạo nên sự gián đoạn cho việc sản xuất hoặc khiến giá tăng mà không báo trước”. 


Nguồn cung ô tô mới ngày càng khan hiếm
Nguồn cung ô tô mới ngày càng khan hiếm

Kể từ đợt dịch đầu tiên cách đây 2 năm, các nhà sản xuất ô tô đã điêu đứng vì vấn đề thiếu hụt nguồn cung. Thậm chí nhiều nhà máy sản xuất phải đóng cửa và càng làm tăng sự khan hiếm nguồn cung. Trên thị trường, sau khi phục hồi mạnh mẽ từ cuộc suy thoái đã khiến nhu cầu sử dụng ô tô của người dân toàn cầu tăng mạnh, con số vượt xa cả nguồn cung khiến cho giá xe cũ lẫn mới tăng vọt, vượt qua cả mức tăng của lạm phát. 

Theo Edmunds.com, mức giá bán trung bình của một chiếc xe hơi ở Mỹ là 45.596 USD, đã tăng 13% trong năm qua. Giá xe đã qua sử dụng tăng trung bình ở mức 29% trong vòng 2 tháng, hiện đang bán khoảng 29.646 USD.

S&P Global dự đoán từ trước khi cuộc chiến xảy ra, các nhà sản xuất ô tô toàn cầu sẽ sản xuất được 84 triệu chiếc trong năm 2022 và 91 triệu chiếc trong năm 2023. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, S&P Global đã dự đoán con số thấp hơn là 82 triệu chiếc trong năm nay và 88 triệu chiếc trong năm tới. Theo ông Mark Fulthorpe - Giám đốc điều hành của S&P, nguồn cung xe mới tại Bắc Mỹ và Châu Âu tiếp tục khan hiếm và có giá tăng cao từ nay đến năm 2023. Theo đó, giá xe mới sẽ tăng vượt tầm kiểm soát khiến cho nhu cầu mua xe cũ tăng cao và bị đẩy giá. 

Ông Mark cho biết, vì tình trạng lạm phát đang tăng mạnh toàn nền kinh tế thế giới, từ xăng dầu, thực phẩm, giá bất động sản đến những nhu cầu thiết yếu khác sẽ dẫn đến tình trạng một lượng lớn người dân không đủ khả năng chi trả cho cả xe mới lẫn xe cũ. Từ đó, nhu cầu bị suy giảm và cuối cùng giá sản phẩm được hạ xuống. 

Ảnh hưởng từ chiến tranh tại Ukraine

Một trong những yếu tố làm triển vọng sản xuất ô tô trở nên mờ nhạt là việc hàng loạt các nhà máy ô tô tại Nga bị đóng cửa. Cụ thể, nhà máy sản xuất ô tô Pháp Renault - Một trong những nhà máy sản xuất ô tô cuối cùng được hoạt động tại Nga đã thông báo sẽ tạm ngừng hoạt động ở Moscow.

Thực tế, những tổn thất mà chiến sự tại Ukraine gây ra cho ngành sản xuất ô tô là không kể hết. Theo ước tình của Wells Fargo, khoảng 10 - 15% hệ thống dây điện quan trọng cung cấp cho các nhà máy sản xuất ô tô của Liên minh Châu Âu đều từ Ukraine. Suốt nhiều năm qua, các nhà máy sản xuất ô tô và các công ty phụ tùng đã dành rất nhiều tiền để đầu tư vào các nhà máy ở Ukraine nhằm hạn chế chi phí sản xuất cũng như ở gần hơn các nhà máy Châu Âu.


Các nhà máy sản xuất linh kiện tại Ukraine dừng hoạt động vì chiến tranh
Các nhà máy sản xuất linh kiện tại Ukraine dừng hoạt động vì chiến tranh

Trong đó, các nhà nhà máy ở Đức, Ba Lan, Cộng hòa Séc và một số nơi khác đang chịu ảnh hưởng mạnh từ sự thiếu hụt hệ thống dây điện. Do đó, S&P tiếp tục hạ dự báo nguồn cung ô tô mới trên toàn thế giới sẽ giảm 2,6 triệu xe cho năm nay và năm tiếp theo. Sự thiếu hụt này sẽ tác động lên việc xuất khẩu xe từ Đức sang Mỹ và các quốc gia khác.  

Hệ thống dây điện này rất quan trọng và không thể tái cung cấp ở một nhà máy sản xuất linh kiện khác. Vì vậy, các nhà sản xuất dây điện như Aptiv hay Leoni đang rất nỗ lực mở lại và duy trì hoạt động của các nhà máy khu vực miền Tây Ukraine. Tuy nhiên, ông Joseph Massaro - Giám đốc tài chính của Aptiv chia sẻ, “Quốc gia không mở cửa cho bất kỳ loại hoạt động thương mại thông thương nào".

Công ty Aptiv, trụ sở tại Dublin đang cố gắng chuyển các hoạt động sản xuất của mình sang Ba Lan, Serbia, Romania, Maroc. Dự kiến, quá trình này phải trải qua từ 6 - 7 tuần. Như vậy, một số nhà sản xuất ô tô sẽ đối mặt với tình cảnh thiếu phụ tùng trong suốt thời gian đó. 

Ông Massaro cho biết, “Về dài hạn, chúng tôi sẽ đánh giá có nên quay trở lại hoạt động tại Ukraine hay không?”. Ngoài ra, BMW đang đẩy mạnh phối hợp với các nhà cung cấp của mình tại Ukraine và mở rộng mạng lưới hơn cho các linh kiện. Tương tự, hãng xe Mercedes và Volkswagen cũng nỗ lực để khắc phục những thiếu hụt này trong thời gian tới. 

Dự báo thời gian trở lại hoạt động bình thường

Tuy nhiên, không dễ dàng để tìm kiếm nguồn cung cấp thay thế. Bởi, hầu hết các nhà máy sản xuất linh kiện ô tô đều đã hoạt động hết công suất, vì vậy, các công ty phải có thêm vài tháng để thuê thêm lao động và tăng ca làm việc. Theo ông Fulthorpe, việc này không thể giải quyết trong thời gian nhanh chóng, hơn nữa nguồn cung các nguyên liệu từ Nga và Ukraine vẫn đang bị thắt chặt.


Các nhà sản xuất ô tô cần khoảng thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất
Các nhà sản xuất ô tô cần khoảng thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất

Được biết, Ukraine là quốc gia xuất khẩu neon lớn nhất thế giới. Neon là một loại khí sử dụng trong laser để khắc mạch lên chip máy tính. Các nhà sản xuất chip hiện nay chỉ còn nguồn cung cấp trong vòng 6 tháng và nguy cơ thiếu hụt đợt cuối năm là rất cao. Việc này sẽ tăng thêm tính cấp bách của tình trạng thiếu chip. Điều này càng khiến việc sản xuất của các nhà máy ô tô bị trì hoãn. 

Nga đang là nhà cung cấp lớn về nguyên liệu thô như palladium, bạch kim. Các nguyên liệu này thường được sử dụng trong các bộ chuyển đổi xúc tác để giảm ô nhiễm môi trường. Nga cũng chiếm 10% tổng sản xuất niken toàn thế giới, đây là thành phần quan trọng chế tạo pin xe điện. 

Nga cũng là một trong những nhà sản xuất nhôm lớn và xuất khẩu gang để sản xuất gang thép của thế giới. Theo Alix Partners, Mỹ nhập khẩu gần 70% gang của Nga. Như vậy, hiện tại, các nhà sản xuất thép của Mỹ phải nhập khẩu gang từ Brazil hoặc sử dụng những nguyên liệu thay thế. Trong khi đó, giá thép toàn cầu tăng trưởng đột biến, từ mức 900 USD/ tấn lên 1.500 USD/ tấn chỉ trong vài tuần. 

Thời điểm hiện tại, cuộc chiến ở Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hòa hoãn, giao tranh vẫn tiếp diễn. Bên cạnh đó, các đợt bùng phát dịch bệnh tại Trung Quốc có thể dẫn đến cắt giảm nguồn cung linh kiện. Chưa có nhà phân tích nào có thể dự báo về tình hình nguồn cung linh kiện, nguyên liệu thô và hoạt động sản xuất ô tô trong thời gian tới. Tuy nhiên, kể cả trong trường hợp đạt được thỏa thuận ngừng bắn thì các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vẫn được thực hiện. Vì vậy, nguồn cung chắc chắn không thể trở lại bình thường trong thời gian ngắn.

Ông Wakefield cũng cho biết, nhu cầu về phương tiện di chuyển trên toàn cầu đang bị dồn nén dữ dội, nên ngay cả khi các nhà sản xuất ô tô khôi phục được quy trình sản xuất thì quá trình chế tạo để cung cấp đủ phương tiện sẽ còn kéo dài. Ông không đưa ra dự báo về tương lai của nguồn cung ô tô trên toàn thế giới và giá thành của sản phẩm này. “Chúng tôi đang ở trong một môi trường tăng giá, môi trường sản xuất được kiểm soát. Đây là một điều kỳ lạ đã xảy ra với ngành công nghiệp ô tô” - ông nói. 

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Nghịch lý thị trường bất động sản: Giá cao, tỷ lệ hấp thụ tốt nhưng kết quả kinh doanh èo uột

Người dân TP.HCM bức xúc về cách tính tiền sử dụng đất

Mở rộng quỹ đất xây dựng nhà ở thương mại: Chỉ nên thí điểm ở phạm vi hẹp

Cơ hội tăng giá nhiều lần của đất nền phía Nam sẽ khó xuất hiện

Đất đấu giá “hạ nhiệt” nhưng vẫn bán chênh cả tỷ đồng

Lãi suất “ghìm cương” nhà ở xã hội

ĐBQH lo ngại “cơn sóng sốt đất” nếu thí điểm mở rộng đất cho nhà ở thương mại

Bảng giá đất làm chi phí chuyển đổi một nền đất từ 200-300 triệu lên 1-2 tỷ đồng

Tin mới cập nhật

Vì sao khó giảm lãi suất cho vay mua NOXH?

2 ngày trước

Khách hàng “ngậm đắng nuốt cay” vì dự án bất động sản vướng pháp lý

4 ngày trước

Người dân TP.HCM bức xúc về cách tính tiền sử dụng đất

5 ngày trước

Nghịch lý thị trường bất động sản: Giá cao, tỷ lệ hấp thụ tốt nhưng kết quả kinh doanh èo uột

5 ngày trước

Cơ hội tăng giá nhiều lần của đất nền phía Nam sẽ khó xuất hiện

5 ngày trước