Ngân hàng ồ ạt tăng lãi suất: Thị trường bất động sản như phải chịu thêm “cú đấm bồi”
BÀI LIÊN QUAN
Làn sóng tăng lãi suất huy động bắt đầu nóng với sự tham gia của Big 4 Áp lực của những người vay mua nhà trước đợt tăng lãi suất mớiLãi suất ngân hàng tăng, người mua nhà như "ngồi trên đống lửa"Lãi suất huy động ồ ạt tăng, dự báo sẽ tiếp tục tăng những tháng cuối năm
Mới đây, một số ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành trước đó. Theo đó, các ngân hàng tăng mạnh lãi suất ở những kỳ hạn dưới 6 tháng, còn đối với những kỳ hạn trên 6 tháng mức tăng thấp hơn.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tăng lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng thêm 0,3 - 1%/năm ở một số kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất huy động dưới 6 tháng tăng từ 4%/năm lên 5%/năm; 6 tháng lên 6,1 - 6,4%/năm; 9 tháng lên 6,3 - 6,6%/năm… Đối với sản phẩm tiết kiệm “Chọn sống mới, chọn chất tôi”, lãi suất 6 tháng lên 6,4 - 6,7%/năm, 9 tháng lên 6,6 - 6,9%/năm, 12 tháng lên 6,5 - 6,8%/năm và mức lãi suất cao nhất là 7,3%/năm ở kỳ hạn 15 - 16 tháng…
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn từ 0,5 - 1,1%/năm. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng lên 4,5%/năm, 3 tháng lên 4,7%/năm, 6 tháng lên 6%/năm, 9 tháng lên 6,1%/năm, 12 tháng lên 6,3%/năm và mức lãi suất huy động cao nhất của nhà băng này ở mức 6,7%/năm.
Tương tự, SHB cũng điều chỉnh các gói tiết kiệm với kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng, dao động trong khoảng 4,4% - 4,8%/năm. Như vậy, lãi suất kỳ hạn ngắn hạn đã tăng 0,8 - 0,9%.
Biểu lãi suất tiền gửi cho khách hàng cá nhân từ ngày 23/9 của Ngân hàng SCB đã được điều chỉnh tăng mạnh ở các kỳ hạn dưới 6 tháng. Trong đó, lãi tiền gửi không kỳ hạn tăng từ 0,2%/năm lên kịch trần 0,5%/năm cho phép. Lãi tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 1-5 tháng trước đó được SCB trả lãi suất 4%/năm, thì hiện cũng tăng lên 4,9%/năm với kỳ hạn 1 tháng và kịch trần 5%/năm với kỳ hạn 2-5 tháng.
Một báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết, trong bối cảnh NHNN tăng mạnh lãi suất điều hành, room tín dụng cũng vừa được điều chỉnh, tăng trưởng tiền gửi chậm trong 7 tháng đầu năm... VNDirect dự báo lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục tăng vào những tháng cuối năm 2022.
"Lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 0,3 - 0,5 điểm phần trăm từ mức hiện tại trong những tháng cuối năm. Theo đó, lãi suất tiền gửi 12 tháng của ngân hàng thương mại (bình quân) sẽ tăng lên mức 6,1-6,3%/năm vào cuối năm 2022", nhóm nghiên cứu dự báo.
VNDirect cho rằng đà tăng lãi suất tiền gửi sẽ duy trì sang năm 2023 do NHNN tăng lãi suất điều hành nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, trong khi các ngân hàng thương mại cũng phải tăng nhu cầu huy động vốn để tài trợ các hoạt động cho vay trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ. Mức tăng lãi suất huy động dự kiến trong năm 2023 là khoảng 0,5 điểm phần trăm, đưa lãi suất tiền gửi kỳ hạn 11 năm của các ngân hàng lên 6,6 - 6,8%/năm.
Thị trường bất động sản như chịu “cú đấm bồi”
Theo đại diện một doanh nghiệp bất động sản, khi ngân hàng tăng lãi suất, doanh nghiệp bất động sản sẽ chịu nhiều khó khăn và rủi ro nhất. Vì bản thân doanh các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trên nguồn vốn đi vay ngân hàng. Và người người mua nhà cũng phải vay tiền để mua nhà, nên ngành này sẽ chịu tác động kép, thậm chí như phải chịu thêm “cú đấm bồi” khi phải đối diện với những khó khăn mới trong bối cảnh thị trường đang trầm lắng.
Thời gian trước, thị trường bất động sản từng nhiều lần chịu ảnh hưởng tiêu cực trong mỗi chu kỳ lãi suất tăng với giai đoạn đầu thường có hiện tượng nhiều nhà đầu tư không chịu nổi áp lực đã phải bán cắt lỗ nhanh, rồi sau đó thị trường sẽ rơi vào giai đoạn trầm lắng, thậm chí đóng băng trong suốt thời gian dài.
Những năm gần đây các ngân hàng đã mạnh tay triển khai nhiều chương trình cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi 0 đồng trong khoảng 1-2 năm đầu, thu hút nhiều người tham gia vay vốn mua nhà, đầu tư bất động sản. Sau khoảng thời gian này, lãi suất thả nổi trong bối cảnh lãi suất có thể tăng trở lại sẽ khiến áp lực tài chính của người mua nhà tăng lên, trong khi thu nhập nhiều người trong 2 năm trở lại đây đã giảm, bị tác động tiêu cực do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Theo các chuyên gia, khi lãi suất thấp, người dân có xu hướng rút tiền đổ vào bất động sản để tìm kiếm mức lợi nhuận tốt hơn. Ngược lại, khi lãi suất tăng cao, người dân sẽ gửi tiền vào ngân hàng và dòng tiền vào bất động sản sẽ trở nên hạn chế. Mặt khác, khi lãi suất cho vay tăng, nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính không chịu được áp lực lãi vay sẽ buộc phải bán cắt lỗ…
Anh Hoàng Ngọc Linh, Giám đốc một phòng giao dịch bất động sản tại Hà Nội cho biết, việc tăng lãi suất huy động sẽ tác động mạnh đến thị trường bất động sản trong thời gian sắp tới. “Thị trường sẽ sôi động khi lãi suất ngân hàng ổn định và ở mức thấp. Bởi đa phần lực cầu trên thị trường đến từ nhu cầu đầu tư, và tài chính chủ yếu đến từ việc vay ngân hàng. Thời gần đây, khi lãi lãi suất ngân hàng tăng, nhiều nhà đầu tư đã có những dè chừng nhất định trong việc đầu tư. Đáng lo ngại hơn là nhiều dự báo đưa ra từ nay đến cuối năm lãi suất sẽ tiếp tục tăng, đồng nghĩa với việc thị trường bất động sản sẽ ngày càng khó khăn hơn”, anh Linh đánh giá
Anh Linh cũng cho biết, gần đây, một số nhà đầu tư bất động sản do không chịu được áp lực tài chính nên đã xuất hiện tình trạng bán cắt lỗ thu hồi vốn, dù chưa có trình trạng bán tháo nhưng cũng đã cho thấy tác động từ dòng tiền và việc tăng lãi suất của các ngân hàng. “Nếu những nhà đầu tư vay mua bất động sản cách đây 1 năm thì cũng đã hết ưu đãi lãi suất. Thời gian tới, lãi suất sẽ thả nổi theo thị trường, việc lãi suất tiếp tục tăng cao, rất có thể sẽ dẫn tới bán tháo, giảm giá bất động sản trên diện rộng”, vị Giám đốc phòng giao dịch bất động sản nhận định.
Nên gửi tiết kiệm hay đầu tư?
Mặt khác, vấn đề nên gửi tiết kiện hay đầu tư cũng là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư đặt ra, lựa chọn lúc này. Trên thực tế, gửi tiết kiệm ngân hàng khi lãi suất huy động tăng cao đang được nhiều người lựa chọn.
Chị Huyền Trang (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, “tôi đang có một ít vốn và muốn chờ để đầu tư bất động sản, theo xu hướng thị trường và dự báo của một số chuyên gia thì bất động sản từ nay đến cuối năm sẽ giảm giá, nên tôi đã chuẩn bị sẵn một khoản tiền để có thể “xuống tiền” ngay khi có cơ hội và khi có sản phẩm ưng ý”.
Gần đây khi lãi suất của các ngân hàng tăng nên chị đã đổi ý và chuyển sang gửi tiết kiệm ngân hàng với kỳ hạn 18 tháng. Bởi theo chị Trang, sau khi tìm hiểu và thấy có nhiều thông tin về thị trường bất động sản đang khó khăn, đầu tư thời điểm này có nhiều rủi ro, khi lãi suất tăng nên gửi tiết kiệm vẫn là ưu tiên hàng đầu. “Gửi tiền vào ngân hàng lúc này là đỡ đau đầu nhất, nếu gửi lãi suất trên 7% khá ổn, lại rất an toàn”.
Về lựa chọn gửi tiết kiệm hay đầu tư ở giai đoạn này, ông Trần Khánh Quang cho rằng, trong giai đoạn hiện tại, tính thanh khoản của thị trường bất động sản đang thấp nên việc lựa chọn giữa gửi ngân hàng với đầu tư bất động sản đang khiến nhiều nhà đầu tư khá phân vân.
Theo ông Quang, thời điểm đầu năm, khi bất động sản tăng trưởng thì có đến 70-80% lựa chọn đầu tư bất động sản, còn 20-30% chọn gửi tiền ngân hàng. Còn thời điểm hiện nay, khi lãi suất tăng, sự lựa chọn sẽ ở mức 55% sẽ gửi ngân hàng và 45% tìm cơ hội đầu tư bất động sản.
“Khi lãi suất tăng, đầu tư bất động sản sẽ trở thành lựa chọn thứ hai so với việc gửi tiền vào ngân hàng. Nhất là trong bối cảnh thị trường hiện nay, khi tính thanh khoản bất động sản thấp chứ chưa nói đến câu chuyện lời lãi, bởi mua xong bán được cũng rất khó, phải mất đến 2-3 năm nữa”, ông Quang nói.