"Nỗi đau" nghề môi giới: Những nỗi oan ít ai thấu hiểu
BÀI LIÊN QUAN
“Nỗi đau” nghề môi giới: Đau đầu vì khách kêu “Tài chính mở”"Nỗi đau" nghề môi giới: “Ma cũ bắt nạt ma mới” và những góc khuất khó giãi bày"Nỗi đau" nghề môi giới: Thị trường bất động sản giảm tốc, môi giới “than trời” vì bị cắt giảm thu nhậpMôi giới bất động sản là một nghề có khả năng tạo ra nguồn thu nhập cao, không giới hạn. Tuy nhiên, công việc này đòi hỏi người làm nghề phải am hiểu kiến thức ở nhiều lĩnh vực, có nhiều kỹ năng mềm như giao tiếp, bán hàng, biết nắm bắt được tâm lý của khách hàng,…
Mặc dù đây là một công việc chân chính, kiếm tiền hoàn toàn bằng sức lao động nhưng nhiều người vẫn nghi ngờ những người làm nghề môi giới bất động sản là đa cấp, lừa đảo, là những người chuyên đi “thổi giá” kiếm lời. Đây là những nỗi oan mà chỉ có những người trong cuộc mới thấm thía.
Tự ý “thổi giá” kiếm lời
Có một nỗi oan mà nhiều người luôn quy chụp cho những người làm nghề môi giới bất động sản, đó chính là tự ý nâng giá bán kiếm lời, làm một mùa ăn cả năm. Tuy nhiên, trên thực tế, họ chỉ là những người bán hàng, không thể tự ý nâng giá bán một cách tùy tiện.
Chị Nguyễn Minh Tuyền - Môi giới bất động sản ở khu Đông TP Hồ Chí Minh chia sẻ, trong quá trình đi tư vấn bán hàng, chị gặp rất nhiều trường hợp khách hàng có cái nhìn không thiện cảm với nhân viên môi giới. Họ cho rằng, những người làm nghề môi giới bất động sản không đáng tin, hay tự ý "thổi giá" bán để kiếm lời.
“Chúng tôi chỉ là những người làm công ăn lương, để bán được một sản phẩm, chúng tôi phải đầu tư rất nhiều. Tôi rất buồn vì hiện nay vẫn còn nhiều người có cái nhìn rất tiêu cực về nghề môi giới bất động sản. Họ cho rằng, chúng tôi là những đối tượng tự ý thôi giá, tạo sốt ảo, làm lũng đoạn thị trường”, chị Tuyền nói.
Theo chị Tuyền, rất khó để những nhân viên môi giới như chị có thể tự ý nâng giá bán, làm lũng đoạn thị trường. Bởi vì, dù bán sản phẩm từ chủ đầu tư, chủ nhà cá nhân hay từ các sàn giao dịch, mối giới đều không có quyền tự tiện nâng giá bán.
Nếu bán sản phẩm từ chủ đầu tư thì người môi giới không có quyền nâng giá. Nếu bán sản phẩm từ sàn giao dịch thì nhân viên môi giới cũng không thể tự ý nâng giá vì còn phải cạnh tranh với nhiều nhân viên khác. Môi giới bất động sản chỉ có thể nâng giá khi bán hàng cho chủ nhà cá nhân. Tuy nhiên, trường hợp này cũng khó thực hiện vì môi giới sẽ phải thỏa thuận và chia phần trăm tăng giá cho chủ nhà.
Muốn nâng giá sản phẩm, môi giới bất động sản bắt buộc phải thỏa thuận, ăn chia phần trăm rõ ràng với bên bán. Cho nên, suy đi tính lại, giá đất là do người mua thương lượng, họ là những người trả giá bất động sản cao hơn để có được tài sản đúng theo mong muốn.
Chị Tuyền cho rằng, dù nghề môi giới bất động sản không trực tiếp tham gia vào chuỗi sản xuất nhưng cũng giúp thị trường tiêu thụ rất nhiều sản phẩm. Thông qua hoạt động tìm kiếm, quảng cáo và chăm sóc khách hàng, người làm nghề môi giới bất động sản sẽ đưa các sản phẩm tốt nhất của thị trường đến tay người tiêu dùng. Cho nên, nghề này cũng cần nhận được sự tôn trọng của mọi người.
Bán hàng đa cấp, lừa đảo
Đặng Quang Vinh (24 tuổi, Khánh Hòa) đã bén duyên với nghề môi giới nhà đất ngay từ khi còn là sinh viên Đại học. Cậu bắt đầu thử sức mình ở vị trí nhân viên kinh doanh trong một công ty môi giới bất động sản và trải qua những ngày tháng đầy khó khăn, vất vả.
Những ngày đầu mới vào nghề, hành trang của cậu là những tệp danh sách chi chít số điện thoại của các vị khách tiềm năng. Có những ngày, cậu phải gọi gần 100 cuộc điện thoại nhưng đều nhận về sự từ chối. Mặc dù chào mời rất lịch sự, dạ thưa kính cẩn nhưng nhiều khách hàng vẫn tỏ ra khó chịu và hay tắt ngang cuộc điện thoại. Nhưng nhờ có những cuộc gọi chào hàng bị từ chối, hay những lời nói miệt thị của khách hàng nên cậu học được cách nhẫn nại và kiên trì trong công việc mình lựa chọn.
Cậu chia sẻ, khó khăn trong những ngày đầu mới vào nghề đã thay đổi con người cậu rất nhiều. Từ một người suy nghĩ tiêu cực, cậu trở thành một người có nhiều năng lực tích cực, có nhiều mục tiêu lớn để phấn đấu trong cuộc sống. Mỗi ngày, cậu đều đọc sách để rèn luyện bản thân, chia sẻ những điều tích cực lên mạng xã hội để truyền cảm hứng cho mọi người.
Tuy nhiên, cũng chính vì việc hay chia sẻ những thông điệp tích cực lên mạng xã hội, cậu bị bạn bè, người thân xem thường và nghi ngờ là đa cấp, lừa đảo. “Nhiều người vẫn chưa có nhận thức cao về nghề môi giới bất động sản. Họ thấy tôi hay chia sẻ bài viết truyền cảm hứng, động lực làm giàu nên nghĩ là đang bán hàng đa cấp”, Vinh chia sẻ.
Thay vì cảm thấy buồn bã trước những lời đàm tiếu không hay về bản thân, cậu chọn cách cố gắng làm việc, phát triển bản thân mỗi ngày. May mắn thay, ở tại thời điểm đó, cậu liên tục có những thành quả nhất định trong nghề nên về sau mọi người xung quanh không còn nghĩ xấu về công việc của cậu.
Từ vị trí nhân viên kinh doanh, cậu trở thành trưởng nhóm hỗ trợ cho trưởng phòng kinh doanh quản lý đội ngũ bán hàng. Và đến thời điểm hiện tại, khi bạn bè cùng trang lứa vẫn đang chật vật đi xin việc, cậu đã trở thành Trưởng phòng kinh doanh và quản lý hơn 30 nhân sự.
“Người khác có thể nghi ngờ, xem thường bạn. Nhiệm vụ của bạn là phải chứng minh bằng năng lực, chứ không phải là cố gắng thay đổi để làm hài lòng bất kỳ ai. Tôi luôn tự nhắc nhở bản thân, trên đời này muốn có sự may mắn thì phải kiên trì, nỗ lực. Niềm tin là thứ quan trọng nhất trong mọi ngành nghề”, Vinh chia sẻ.