"Nỗi đau" nghề môi giới: “Ma cũ bắt nạt ma mới” và những góc khuất khó giãi bày
BÀI LIÊN QUAN
"Nỗi đau" nghề môi giới: Chật vật với chứng chỉ hành nghềNghề môi giới bất động sản có dễ kiếm tiền?Nỗi đau nghề môi giới: Khó khăn giữ chân nhân tàiCâu chuyện “ma cũ bắt nạt ma mới” đang trở thành nỗi “ám ảnh” của nhiều người làm nghề môi giới bất động sản. Với đặc thù công việc có tính cạnh tranh cao, nhiều nhân viên môi giới mới vào nghề hay bị đồng nghiệp cô lập, sai vặt và có những hành động bài xích ở nơi công sở.
Đặc biệt, vấn đề này thường xuyên xảy ra với những người môi giới bất động sản thuộc thế hệ Gen Z (những người sinh năm 1997-2000). Họ thuộc nhóm nhân sự trẻ tuổi, ít kinh nghiệm làm việc và trải nghiệm sống nhất trong giai đoạn hiện nay. Cho nên, trong một môi trường làm việc đầy tính cạnh tranh như nghề môi giới bất động sản, nhiều người trong số họ đang loay hoay tìm cách hòa nhập với những người đồng nghiệp lớn tuổi, dày dặn kinh nghiệm đi trước.
Áp lực khi làm “ma mới”
Kim Trà (20 tuổi, Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) làm việc trong một công ty môi giới bất động sản đã được 2 tháng nay. Những ngày đi làm đầu tiên, cô mong muốn được làm quen và tạo thiện cảm với đồng nghiệp nên đã chủ động xin làm những việc lặt vặt trong văn phòng như in ấn, phô-tô tài liệu, nhận hàng, thậm chí là quét dọn chỗ làm việc.
Tuy nhiên cũng chính vì quá nhiệt tình giúp đỡ nên cô trở thành một “chân sai vặt” đắc lực cho mọi người trong công ty. Có những ngày, cô phải ở lại công ty làm việc vặt cho anh chị đồng nghiệp đến tối muộn, trong khi công việc chính của mình vẫn chưa hoàn thành.
Việc phải cố tỏ ra là một nhân viên mới năng nổ khiến cô vô cùng áp lực mỗi khi đến công ty làm việc. “Có lần, một chị đồng nghiệp nhờ đi phô-tô tập tài liệu nhưng tôi từ chối. Ngay lập tức sau đó, chị tỏ thái độ không hài lòng, cho rằng tôi là nhân viên mới nhưng không biết điều. Mới vào công ty lại bị bàn tán, chỉ trích nên tôi cảm thấy rất áp lực”, cô tâm sự.
Còn Thùy Linh (22 tuổi, Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) áp lực bởi vì bị anh chị đồng nghiệp tẩy chay trong những ngày đầu đi làm. Cô từng làm nhân viên bán hàng cho hai sàn môi giới bất động sản ở TP Hồ Chí Minh và đều phải hứng chịu tình cảnh bị “ma cũ” bắt nạt.
Những ngày đầu tiên đến công ty, cô luôn cố gắng chào hỏi, bắt chuyện làm quen với mọi người nhưng không ai trả lời, mà chỉ chăm chú làm việc. Sự im lặng của đồng nghiệp khiến cô trở nên rụt rè, rất ngại giao tiếp.
Dần dần, điều này đã tạo ra một khoảng cách lớn giữa cô và các nhân viên trong công ty. Cô luôn cảm thấy lạc lõng trong những buổi trò chuyện tập thể. Mọi người nói chuyện với nhau rất vui vẻ và dường như không quan tâm đến sự hiện diện của cô.
“Những ngày đầu đi làm, mọi công việc, tôi đều lặng lẽ làm một mình. Vì là nhân viên mới nên nhiều đầu việc, tôi không biết làm, muốn nhờ mọi người giúp đỡ nhưng thấy ai cũng bận nên không dám mở lời”, cô trải lòng.
Đến thời điểm hiện tại, cô đã làm việc trong công ty được hơn 1 tháng nhưng vẫn chưa thể kết thân với đồng nghiệp nào. “Có lẽ trong thời gian tới, tôi sẽ cố gắng bắt chuyện với mọi người trong công ty nhiều hơn. Tôi nghĩ rằng, dần dần họ cũng sẽ đón nhận mình. Tôi thực sự rất sợ cảm giác bị cô lập, không có đồng nghiệp nói chuyện, chia sẻ những khó khăn trong công việc”, cô bày tỏ
Không hoàn thành công việc vì đồng nghiệp
Nhớ lại những ngày đầu đi làm tại công ty môi giới bất động sản, Thùy Linh (24 tuổi, Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) cảm thấy rất tủi thân vì không được đồng nghiệp giúp đỡ. Là nhân viên mới, cô được sếp phân công vào nhóm các anh chị dày dặn kinh nghiệm để học hỏi.
Tuy nhiên, trái ngược với việc được các anh chị “cầm tay chỉ việc”, cô phải tự mày mò tìm cách giải quyết công việc của mình. Thậm chí, cô còn bị từ chối tham gia vào công việc chung của nhóm vì thiếu kinh nghiệm.
“Những ngày đầu đi làm, tôi gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin của khách hàng. Ngoài việc đi phát tờ rơi, tôi không biết làm bất kỳ công việc gì để có thể tìm được khách hàng tiềm năng. Anh chị đồng nghiệp cũng không giúp đỡ nhiều nên tôi phải tự thân vận động để hoàn thành công việc của mình”, cô nói.
Cô cho biết, công ty có rất nhiều giải thưởng để khuyến khích cho những nhân viên môi giới giỏi, bán được nhiều sản phẩm. Môi trường làm việc cạnh tranh cao nên hầu hết mọi người trong công ty rất ngại việc phải chia sẻ kinh nghiệm bán hàng cho những nhân viên mới.
Chính vì không được hướng dẫn làm việc, cô liên tiếp mắc lỗi trong công việc và không thể hoàn thành chỉ tiêu trong những tháng đầu tiên đi làm. Điều này càng khiến cô cảm thấy buồn và thất vọng về năng lực của bản thân.
Đến bây giờ, cô vẫn nhớ như in lần mình bị sếp mắng vì hai tháng liên tiếp không bán được căn hộ nào, làm ảnh hưởng đến công việc chung của cả nhóm. Dù rất ấm ức nhưng cô chọn cách im lặng và cố gắng tìm hiểu cách làm để hoàn thành tốt nhất công việc của mình.
Những ngày tháng làm “ma mới” trong công ty dù rất áp lực, mệt mỏi nhưng luôn là những bài học quý giá cho cô gái 24 tuổi. “Việc nhân viên mới bị bắt nạt là chuyện như “cơm bữa” ở bất kỳ môi trường làm việc nào. Thay vì trách móc, ấm ức trong lòng, tôi chọn cách nỗ lực học hỏi để hoàn thành công việc và không làm ảnh hưởng đến doanh số kinh doanh của công ty”, cô bày tỏ.
Cô khuyên những nhân viên môi giới trẻ tuổi, mới vào nghề không nên cảm thấy buồn, bất lực khi bị lô lập ở nơi làm việc. Thay vào đó, chúng ta nên dành thời gian để cố gắng tự học, rèn luyện kỹ năng làm việc để bản thân tiến bộ hơn mỗi ngày.