Nghề môi giới bất động sản có dễ kiếm tiền?
Kể về câu chuyện của mình, anh Nguyễn Trung (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) cũng là một môi giới vừa “chia tay” với nghề bất động sản cho biết: “Tôi vốn là nhân viên văn phòng, nhưng do thời điểm dịch bệnh công việc bị gián đoạn, hơn nữa với mức lương chục triệu tại đất Hà Nội thì khó mà làm giàu được. Tôi cũng tính nếu như cứ với mức lương này thì có lẽ cả đời không mua được căn chung cư để che mưa che nắng.
Với quyết tâm làm giàu, tôi đã nghỉ việc văn phòng và bắt tay vào nghề môi giới bất động sản, nhưng đời chẳng như mơ. Ban đầu khi tôi nộp hồ sơ, khâu tuyển dụng cũng khá nhanh chóng, người tuyển dụng nhận hồ sơ rồi bảo cứ thử việc hai tuần, trong hai tuần thử việc không có lương.
Sau khi làm thử việc hai tuần, nếu được nhận sẽ được công ty hỗ trợ 3 tháng đầu mỗi tháng 2 triệu gọi là chi phí xăng xe đi lại, khi hết ba tháng sẽ cắt hỗ trợ. Phần còn lại là do bản thân mình tự cố gắng để “chốt đơn”. Nếu chốt được căn hộ, môi giới sẽ được nhận tiền hoa hồng là 2 - 3% cộng với tiền thưởng của công ty, chốt đơn càng cao thì tiền hoa hồng càng nhiều. Ngược lại, không chốt được đơn nào thì cũng chẳng có đồng chi phí nào cả.
Lúc đầu tôi rất hào hứng nhưng đến khi bắt tay vào công việc mới thấy chẳng dễ dàng như “người ta nói”. Hai tuần đầu thử việc không lương, mọi chi phí xăng xe, ăn uống đều do mình bỏ ra và đó chính là tiền mà tôi tích góp từ khi còn đi làm văn phòng. Hết hai tuần tôi được nhận vào làm, mỗi tháng được hỗ trợ 2 triệu đồng nhưng không đủ chi phí cà phê, xăng xe đi lại, rồi chi phí “chăm sóc” khách sao cho ra đơn. Thu không có chỉ có chi nên tôi rất sốt ruột và lo lắng.
Khi vào công ty, tôi được phân là thành viên một nhóm, phụ trách bán một số dự án. Còn một khoản chi phí lớn nữa chính là tiền chạy quảng cáo. Giả sử tôi muốn chạy quảng cáo một dự án, tôi có thể chạy chung cùng với một số đồng nghiệp, đến khi ra đơn thì hoa hồng sẽ chia đều cho mỗi thành viên. Còn nếu muốn một mình chạy quảng cáo, đến khi ra đơn mình sẽ được toàn bộ hoa hồng. Nhưng tiền chạy quảng cáo không phải là số tiền nhỏ, có khi chạy một dự án hết 1 triệu đồng/ngày, tổng tháng là 30 triệu nhưng không ra khách. Có những dự án phải chạy đến mấy trăm triệu tiền quảng cáo mới có khách.
Một đồng nghiệp của tôi từng kể, cậu ấy chốt được một căn biệt thự lớn, hoa hồng và tiền thưởng được 500 triệu đồng thì chạy quảng cáo hết hơn phân nửa. Cậu ấy theo dự án trong vòng 8 tháng, nghĩa là khi chia ra mỗi tháng thu nhập được gần 30 triệu. Từ lúc theo dự án toàn bộ chi phí là bỏ tiền túi ra chi, đến khi chốt được căn hộ thì sẽ trừ dần rồi tính xem còn được bao nhiêu. Cứ dự án này bù dự án kia nhưng cũng rất bấp bênh và không biết khi nào sẽ chốt được đơn.
Một đồng nghiệp nữ khác chia sẻ rằng trong 4 tháng đầu đi làm cô ấy cũng rất vất vả để chốt được một căn chung cư 3 tỷ, tiền hoa hồng là 60 triệu đồng cộng với tiền thưởng. Tuy nhiên, để lấy được tiền hoa hồng thì từ lúc chốt khách đặt cọc đến khi nhận tiền hoa hồng có khi phải mất đến nửa năm. Trong khoảng thời gian đó, mọi chi phí cũng đều là mình tự bỏ ra. Không hiếm những trường hợp môi giới mới vào nghề hai, ba tháng đã bỏ nghề vì tính khắc nghiệt và đào thải cao.
Về phần tôi, trong 3 tháng đầu mặc dù rất nỗ lực, đi sớm về khuya, học cách chăm sóc khách nhưng tôi vẫn không chốt được đơn nào, chi phí bỏ ra ngày càng nhiều mà số tiền tiết kiệm lại có hạn. Tôi tự động viên mình nhưng mọi chuyện không như mình mong muốn. Sang đến tháng thứ 6, tôi vẫn không chốt được đơn mà bắt đầu đi vay mượn bạn bè vì hết tiền trang trải cuộc sống.
Trong quá trình đi làm môi giới bất động sản tôi nhận thấy, người ta nghĩ môi giới bất động sản là nghề dễ kiếm tiền và dễ làm giàu, chỉ cần lao vào làm là có nhà lầu xe hơi. Nhưng thực tế không phải vậy, có đến 80% nhân sự bỏ dở công việc trong một năm đầu vì vỡ mộng. Tất nhiên, vẫn có những môi giới bất động sản có kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng và cả sự kiên trì, họ đã phất lên từ nghề, nhưng cái giá phải trả đến ngày thành công cũng là rất nhiều mồ hôi nước mắt.
Ngoài ra, nghề môi giới bất động sản cũng có một số luật ngầm mà không phải ai cũng biết. Ví dụ như môi giới phải sử dụng chiêu “cắt máu”, nghĩa là tự cắt phần hoa hồng của mình chia cho khách khi chốt được đơn. Đây có thể được xem là một chiêu trò không lành mạnh nhưng thương trường như chiến trường, có nhiều cách thức để môi giới tranh giành khách hàng miễn sao đạt được mục đích.
Sau này, tôi quyết định nghỉ môi giới và quay về với nghề cũ. May mắn là tôi mới nghỉ nửa năm nên khi quay lại công việc cũ vẫn quen tay, nếu như bỏ lâu thì không biết sẽ như thế nào. Hiện tôi vẫn làm văn phòng nhưng đã kinh doanh thêm bên ngoài, cuộc sống cũng dần đi vào quỹ đạo và ổn định hơn. Khoảng thời gian nửa năm làm môi giới bất động sản cũng cho tôi nhiều bài học để đời”.
Anh Trung cho biết, câu chuyện của anh cũng là tâm tư của nhiều môi giới bất động sản mới vào nghề: “Tôi nghĩ rằng với những người chuẩn bị bước chân vào nghề môi giới bất động sản, hãy xác định trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết, thậm chí cũng phải xác định sự thất bại để lấy kinh nghiệm. Hiện nay, các môi giới cũng đòi hỏi cần có chứng chỉ hành nghề chứ không tuyển dụng ồ ạt như thời điểm trước đây. Đừng bao giờ nghĩ cứ làm môi giới là sẽ kiếm được nhiều tiền, bởi đây là nghề dễ để bước chân vào nhưng rất khó để trụ vững nếu không đủ quyết tâm, bản lĩnh và thực sự nghiêm túc với nghề”, anh nói.