Nhiều yếu tố tích cực kỳ vọng đưa thị trường bất động sản 2024 đi lên
BÀI LIÊN QUAN
TS Nguyễn Trí Hiếu: “Chưa vội có cái nhìn quá lạc quan vào thị trường bất động sản trong năm 2024”Doanh nghiệp làm bất động sản vẫn phải đối mặt với thách thức lớnTín dụng bất động sản rục rịch tăng trở lạiThị trường đã qua khủng hoảng
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) đánh giá, thị trường đã đi qua khủng hoảng nhưng dư âm vẫn còn đó và có thể kéo dài đến giữa năm 2024. Tuy nhiên, thị trường sẽ bước vào chu kỳ mới với sự phục hồi rõ nét hơn vào cuối năm.
“Các doanh nghiệp nên quyết liệt tái cơ cấu sản phẩm, chú trọng dự án khả thi, đáp ứng nhu cầu ở thực của người dân, hạn chế các sản phẩm phục vụ đầu tư…”, Chủ tịch VARS nói.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính cho rằng, trong năm 2024, Chính phủ tiếp tục thể hiện quyết tâm tháo gỡ các khó khăn cho thị trường. Nhiều chính sách triển khai thời gian qua bắt đầu “ngấm” vào thị trường.
Năm tới, thị trường bất động sản có thêm “trợ lực” từ việc lãi suất đang hạ xuống mức thấp nhất lịch sử. Lãi suất thấp giúp giảm áp lực nợ vay cho các doanh nghiệp, đồng thời kích thích người dân có nhu cầu mua nhà mạnh dạn vay ngân hàng.
Hơn nữa, theo ông Thịnh, việc lãi suất tiền gửi ở mức thấp cũng tác động tới dòng tiền của người dân khi nhiều người điều chỉnh dần sang các kênh khác, ngoài ngân hàng, và bất động sản là một trong những kênh ưa thích. Những diễn biến trên kết hợp với các chính sách ưu đãi bán hàng mạnh mẽ của các chủ đầu tư, giao dịch trên thị trường hứa hẹn sẽ có tiến triển khả quan.
“Một trong những diễn biến chính sách đáng chú ý là Quốc hội thông qua một số luật liên quan đến thị trường bất động sản. Dù năm 2025 luật mới có hiệu lực, nhưng sự thay đổi trong các luật mới cũng là tín hiệu tích cực để tháo gỡ các vướng mắc, chồng chéo, để các bên khôi phục niềm tin, chuẩn bị cho giai đoạn sắp tới”, ông Thịnh nói.
Đặc biệt, ông Thịnh cho rằng, việc Thủ tướng liên tục nhắc nhở việc phải có giải pháp nhằm giải tỏa tâm lý “sợ sai” trong một số bộ phận cán bộ, bảo vệ cán bộ “dám nghĩ, dám làm” cũng sẽ khơi thông được các điểm nghẽn trong thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Về kinh tế nói chung, ông Thịnh cũng đánh giá rằng, mặc dù năm 2024 còn nhiều khó khăn, nhưng kinh tế vẫn đang ổn định và có chiều hướng đi lên khi năm qua, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, các đơn hàng đã quay trở lại, xuất khẩu duy trì tốt, đầu tư công được đẩy mạnh, dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn ở mức cao… Kinh tế phục hồi cũng mang đến nhiều cơ hội tích cực đối với thị trường bất động sản.
Các nút thắt đang… mở dần
Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành phân tích, việc Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) với nhiều điểm mới là tín hiệu quan trọng trong việc phục hồi thị trường bất động sản. Khi các nút thắt được tháo bỏ thì doanh nghiệp sẽ yên tâm mang tiền đi đầu tư.
Cùng với đó, quy hoạch quốc gia và quy hoạch các tỉnh thành cũng đã và sẽ được phê duyệt hết, điều này sẽ giúp thị trường bất động sản trên toàn quốc phát triển theo con đường bền vững.
“Thêm nữa, việc Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã được thông qua và sẽ có hiệu lực trong thời gian tới cũng sẽ tạo ra sự đồng bộ về mặt chính sách, khiến nhà đầu tư yên tâm rằng thị trường bất động sản sẽ dần bớt khó khăn”, ông Thành nêu.
Sau động lực về chính sách, vị chuyên gia cũng cho rằng, kênh FDI cũng là động lực quan trọng hỗ trợ thị trường bất động sản trong năm 2024 khi dòng vốn FDI xuất hiện nhiều tín hiệu sẽ tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam. Đáng nói, với dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam trong năm qua có 25-30% là bất động sản. Điều này cho thấy, doanh nghiệp FDI đang rất quan tâm tới bất động sản Việt Nam, đặc biệt là nhà đầu tư Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore…
Ngoài ra, theo ông Thành, đầu tư công được thúc đẩy mạnh mẽ, việc giảm thuế được tiếp tục thực hiện, du lịch được thúc đẩy… cũng khiến thị trường bất động sản được hưởng lợi.
Theo chuyên gia, lãi suất có thể không giảm thêm nhưng về cơ bản lãi cho vay cũng đã giảm. Với mức lãi suất giảm như hiện tại thì nhiều người, đặc biệt là người dân có thể yên tâm vay mua nhà, mua bất động sản.
Một yếu tố nữa là việc sửa luật cũng khiến bộ máy “nhúc nhích”, giải quyết được phần nào tâm lý “sợ sai”. Nhất là một số địa phương đã được tạo cơ chế đặc thù như Khánh Hoà, Cần Thơ, TP.HCM.
Thực tế cho thấy, bất động sản đã có thanh khoản và thị trường đang có xu hướng đi lên, dù rõ ràng chúng ta cũng không nên chủ quan bởi những khó khăn của thị trường không thể giải quyết được trong một sớm, một chiều.
Với nhà đầu tư, những tác động về mặt chính sách và các điều kiện vĩ mô ổn định cũng sẽ khiến nhà đầu tư phần nào đó yên tâm hơn so với trước đây. Do vậy, giai đoạn tới, bất động sản vẫn là kênh đầu tư tiềm năng.
Theo các chuyên gia, Chính phủ đang tiếp tục quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Các luật mới kỳ vọng sẽ tăng niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Báo cáo phân tích của Chứng khoán BIDV (BSC) mới đây đánh giá, môi trường pháp lý mới sẽ khơi thông nguồn cung bất động sản, tuy nhiên sẽ tác động đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp do nghĩa vụ tài chính cao hơn, tiếp cận vốn vay khó hơn, khó mở rộng quỹ đất ồ ạt rồi để không.
Đơn vị này cho rằng, các yếu tố sẽ giúp giải quyết tình trạng trầm lắng của thị trường có thể kể đến là hệ thống pháp luật đồng bộ, nhất là thống nhất công tác xác định giá đất và cách tiếp cận quỹ đất (thông qua đấu giá, đấu thầu); hoàn thiện quy hoạch chung của các địa phương; hiểu biết về pháp lý của các chủ thể trong thị trường được nâng cao...