Nhà đầu tư có sẵn tiền mặt đang "cứu rỗi" thị trường BĐS trong giai đoạn khó khăn về thanh khoản
BÀI LIÊN QUAN
Chuyên gia BĐS: Nhà đầu tư cá nhân có thể cầm cự đến tháng 3/2023 trước một đợt "bán tháo" mớiVay tiền “ôm” bất động sản, nhà đầu tư “khóc ròng” vì tiền lãi hàng thángNhà đầu tư thà "gồng" nợ còn hơn bán đất lỗ 50%Nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi đang bị "chia lửa" tâm lý
Để đợi đến khi van tín dụng thực sự mở trở lại, thị trường bất động sản thời điểm này chỉ còn trông chờ vào những giao dịch đến từ các nhà đầu tư mạnh dòng tiền.
Tuy nhiên, một số chuyên gia trong ngành cho rằng, tác nhân này cũng chưa thể khiến thị trường ổn định vào cuối năm. Lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng hiện đang tăng cao, những nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi đang bị "chia lửa" tâm lý. Gửi tiết kiệm vào ngân hàng hay bỏ tiền vào bất động sản khiến nhiều nhà đầu tư phân vân ở giai đoạn này.
Có thể thấy, không ít nhà đầu tư lâu năm đã tính đến phương án gửi tiết kiệm ngân hàng 3-6 tháng để tránh rủi ro sau đó bỏ tiền vào bất động sản sau. Tuy nhiên, cũng có nhiều nhà đầu tư tận dụng thời điểm này để "ôm" bất động sản. Trên thực tế, các giao dịch đất nền, nhà phố hiện nay vẫn đang âm thầm diễn ra ở nhóm nhà đầu tư có sẵn tiền mặt. Giới chuyên gia nhận định đây là cơ hội để nhóm nhà đầu tư này bắt đáy. Đồng thời cũng chính là đang "cứu rỗi" thị trường trong giai đoạn khó khăn về thanh khoản.
Các chuyên gia cho rằng, mặc dù thị trường bất động sản đang trong giai đoạn trầm lắng, song nhu cầu mua của người dân vẫn còn rất lớn và luôn hiện hữu. Giai đoạn này xuất hiện nhiều tác động bên ngoài khiến tâm lý của người mua bị dao động, dẫn đến chậm thanh khoản.
Trong khảo sát về tâm lý người tiêu dùng bất động sản Việt Nam cho thấy, trong năm 2022, bất chấp những khó khăn của thị trường, 70% hộ gia đình có mức thu nhập khoảng 40-70 triệu đồng vẫn mua thêm ít nhất một sản phẩm bất động sản. Còn khi được hỏi về dự định mua bất động sản, gần một nửa những người chưa có nhà cho biết họ sẽ mua trong vòng 1 năm tới.
Trong khi đó, tỷ lệ này ở những người đã sở hữu từ một bất động sản trở lên còn cao hơn. Càng nắm giữ nhiều bất động sản, xu hướng của người tiêu dùng muốn mua thêm nhà càng tăng. Cũng trong một cuộc khảo sả, 79% người đang có từ 2 bất động sản cho biết họ sẽ mua thêm bất động sản trong tương lai gần, còn tỷ lệ này ở những người đã làm chủ 3 bất động sản lên tới 87%.
Những số liệu kể trên đã cho thấy, nhu cầu mua nhà, đất để ở cũng như để đầu tư của người dân đã và sẽ luôn ở mức cao. Các chuyên gia cho rằng, nhu cầu thực được cho là "điểm sáng" giúp tháo gỡ khó khăn nên các chủ đầu tư đều tái cơ cấu nợ, chính sách bán hàng, tập trung tất cả mọi hoạt động vào việc phục vụ nhu cầu này của khách hàng.
Thị trường có nhiều tiềm năng nhưng thiếu sự tự tin
Giá của một số phân khúc bất động sản ở một số khu vực trong ngắn hạn có thể vẫn chững lại. Những người sở hữu tài sản chịu áp lực lãi suất cao trong thời gian dài buộc phải bán ra tài sản. Đồng thời, đây cũng là thời điểm thị trường đủ hấp dẫn để kích hoạt dòng tiền vào "bắt đáy", khơi thông dòng vốn đang tắc nghẽn và giải cứu thị trường.
Dữ liệu nghiên cứu mới nhất cho thấy, nhu cầu tìm mua chung cư tại TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng ổn định, nhưng giá rao bán gần như đi ngang trong cả năm, chỉ tăng nhẹ khoảng từ 2-4%. Trong khi đó, tại thị trường Hà Nội, ngoại trừ phân khúc căn hộ bình dân có mặt bằng giá rao bán chỉ tăng 2%, còn lại phân khúc chung cư trung cấp và cao cấp tăng giá từ 7% - 13% so với hồi đầu năm.
Một chuyên gia trong ngành nhấn mạnh, thị trường hiện vẫn có nhiều tiềm năng nhưng thiếu sự tự tin. Lực cầu có, song niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường sụt giảm. Hầu hết các bên đều đang giữ tâm thế nghe ngóng và quan sát diễn biến tiếp theo của thị trường.
Dù vậy, chuyên gia cho rằng, không nên đặt quá nhiều niềm tin vào việc nhà đầu tư sẵn dòng tiền có thể khiến giao dịch bất động sản cuối năm sôi động. Hiện tại, bất động sản đang phải chịu tác động của nhiều yếu tố tiêu cực. Để thị trường hồi phục cần có sự hỗ trợ từ nhiều góc độ. Trong đó, các chính sách tín dụng, Luật đất đai, thủ tục pháp lý,... được coi là yếu tố mấu chốt. Bên cạnh đó, những điểm nghẽn về nguồn cung được tháo gỡ, thị trường bất động sản dự báo sẽ ổn định trở lại.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, khi có room tín dụng vào năm 2023, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ lập tức sôi động trở lại. Dòng tiền này sẽ giúp thị trường có thêm giao dịch tới từ các nhà đầu tư bất động sản nhỏ lẻ.
Nhận định về sự phát triển của các phân khúc bất động sản trong thời gian tới, một số chuyên gia trong ngành cho rằng, điều này phụ thuộc hoàn toàn vào mức độ mở room tín dụng cũng như sự thay đổi về mặt chính sách.
Theo một khảo sát dự đoán về thời điểm thị trường ấm dần trở lại dựa trên đánh giá của gần 500 nhà môi giới cho thấy, 34% môi giới cho rằng sẽ vào quý 3 và quý 4 năm 2023, 23% có cái nhìn tích cực hơn khi cho rằng quý 2 năm sau thị trường sẽ hồi phục và 19% cho rằng phải đến quý 2/2023 tín hiệu tích cực mới trở lại với thị trường bất động sản.
Các ý kiến qua khảo sát đều nhận định rằng năm 2023 sẽ là năm khó khăn của thị trường, nhưng khó khăn này không kéo dài và giải pháp để kéo lại sức bật cho bất động sản vẫn hiện hữu. Mọi diễn biến tiếp theo của thị trường sẽ phụ thuộc vào chính sách dòng vốn cũng như quản lý của nhà nước mở cửa đến đâu.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính- tiền tệ Quốc gia cho biết, nguồn cung và pháp lý bất động sản dần được tháo gỡ trong năm tới. Tuy nhiên, bài toán trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vẫn là một thách thức cần được giải quyết. Thị trường sẽ dần được sàng lọc, tái cấu trúc và phục hồi.