Vay tiền “ôm” bất động sản, nhà đầu tư “khóc ròng” vì tiền lãi hàng tháng
Nhiều người vẫn truyền tai nhau rằng bất động sản là nghề “hái ra tiền”, hoặc chỉ cần bán được vài lô đất có khi cả năm chẳng phải lo nghĩ đến tiền bởi “làm lụng cả đời không bằng tiền lời lô đất”.
Trước sức hấp dẫn và suy nghĩ có thể kiếm tiền dễ dàng từ đầu tư bất động sản, không ít người chẳng ngần ngại mà sẵn sàng đầu tư bất động sản trong khi chưa thực sự trải nghề hoặc trong tay chẳng có kinh nghiệm, để rồi cái kết nhận lại là nợ chồng nợ, lãi chồng lãi.
Đang trong tình trạng mỗi tháng phải gánh gần 30 triệu đồng tiền lãi ngân hàng, anh Hoàng Anh (trú tại Đống Đa, Hà Nội) than thở: “Nếu biết trước thế này tôi đã chẳng đầu tư mà để tiền đấy đi du lịch cho khỏe người, nay cứ mỗi tháng gánh gần 30 triệu đồng tiền lãi vừa đau đầu mà xoay tiền lãi đến gầy người”.
Cụ thể, anh Hoàng Anh kể lại: “Đầu năm 2022, tôi có một khoản tiền tiết kiệm khoảng 500 triệu đồng. Đang định mở gara ô tô chung vốn cùng với một người bạn thì cậu bạn lại rủ tôi chung vốn đầu tư bất động sản. Vì lúc đó thị trường bất động sản đang rất nóng sốt, có người vừa mua mảnh đất 3 tỷ đồng được vài ngày đã sang tay lãi ngay 50 triệu đồng, cứ sang tay vài mảnh và ăn tiền hoa hồng “mỏng” hơn một chút thì chẳng mấy mà có tiền tỷ.
Giả sử chúng tôi mở gara ô tô thì cũng phải mất một thời gian dài mới có thể kéo lại vốn. Vì vậy, chúng tôi đồng lòng quyết định sẽ đầu tư một mảnh đất nền tại khu vực Đặng Xá với mức giá mua vào 4 tỷ đồng. Nếu được khoản lợi nhuận lớn sẽ quay lại đầu tư gara ô tô với quy mô lớn hơn.
Tuy nhiên, thời điểm ấy dù chung vốn nhưng chúng tôi cũng không đủ 4 tỷ đồng để đầu tư, do đó bên cạnh vay mượn một số bạn bè thân thiết, còn lại chúng tôi quyết định vay ngân hàng một số tiền cũng khá lớn. Lúc đó chúng tôi dự tính rằng sẽ lướt sóng trong thời gian ngắn để kiếm lợi nhuận, nhưng mọi sự không như mong muốn.
Sau khi mua mảnh đất, vài ngày sau cũng có người trả giá nhưng mức lợi nhuận chưa đạt nên chúng tôi vẫn tạm để lại đợi chờ thêm cơ hội. Tuy nhiên, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, vào tháng 03/2022, Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội đã ra văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia, tách thửa đất nông nghiệp đã gây ảnh hưởng lớn đến bất động sản, khiến thị trường “hạ nhiệt” nhanh chóng.
Tiếp đó, Ngân hàng lại liên tục tăng lãi suất làm cho thị trường đã khó lại càng khó hơn. Thị trường đất nền gần như “đóng băng” và mảnh đất chúng tôi đầu tư cũng không ngoại lệ.
Mọi sự thay đổi quá nhanh chóng, chúng tôi trở tay không kịp nên khi thị trường lao dốc đã không thoát được hàng. Hơn nữa chúng tôi cũng chưa tính đến việc phải gánh lãi bởi cứ nghĩ trong năm nay thị trường vẫn nóng. Từ đó đến nay đã 7, 8 tháng, mảnh đất thì vẫn còn đó mà lãi ngân hàng vẫn phải trả.
Dù đã chia ra nhưng mỗi tháng tôi vẫn phải gánh gần 30 triệu đồng tiền lãi khiến cuộc sống trở nên rất mệt mỏi. Hàng tháng phải để ra một khoản để đóng lãi ngân hàng trong khi mọi chi tiêu phải hạn hẹp lại, cắt giảm rất nhiều vì để tiền đóng lãi. Suốt thời gian qua chúng tôi cũng đã rao bán nhưng chưa có tín hiệu nào tích cực. Cho đến nay, mọi thứ vượt ngoài tầm kiểm soát và chúng tôi không thể chi trả được tiền lãi nữa nên đã nhờ văn phòng bất động sản rao bán hộ, cắt hoa hồng sâu.
Thế nhưng, bên văn phòng môi giới dù nhận nhưng cũng trả lời nước đôi rằng sẽ không bán được ngay trong ngày một ngày hai mà cần phải đợi thêm. Dù vậy, đây cũng là nước đi cuối vì chúng tôi đã rao bán trong thời gian dài mà chưa bán được. Đây thực sự là một bài học nhớ đời đối với chúng tôi, do không có kinh nghiệm, kiến thức, cứ nghĩ rằng đầu tư là nhất định sẽ có lãi nên mới xảy ra cơ sự như hôm nay”.
Không riêng anh Hoàng Anh, nhiều nhà đầu tư cũng đang trong tình trạng dở khóc dở cười vì lúc có người mua lại không bán, lúc muốn bán lại không có người mua mà hàng tháng vẫn phải trả lãi. Sau khi được hỏi, lý do đa phần các nhà đầu tư đưa ra là không nghĩ thị trường sẽ đảo chiều nhanh như vậy, hơn nữa họ chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Từ trước đến nay, các chuyên gia bất động sản đã đưa ra rất nhiều những cảnh báo, lời khuyên cho nhà đầu tư khi quyết định sử dụng đòn bẩy tài chính nhưng vẫn không ít nhà đầu tư lạm dụng hoặc sử dụng không đúng cách công cụ này. Đòn bẩy tài chính nếu biết sử dụng đúng cách, đúng thời điểm sẽ như cánh tay đắc lực giúp nhà đầu tư kiếm khá, nhưng nếu lạm dụng hậu quả thật sự khó lường, rất nhiều người đã mất trắng.
Hơn nữa, nhiều ý kiến cho rằng, trước khi quyết định sử dụng đòn bẩy tài chính cần có kế hoạch rõ ràng để trả cả gốc lẫn lãi. Không nên đánh liều đầu tư mù quáng, mang tâm lý đầu tư “lướt sóng” mà cần có sự tìm hiểu kiến thức, tham khảo ý kiến của những người dày dặn kinh nghiệm để có sự đầu tư vừa có lãi lại đảm bảo tính thanh khoản. Đồng thời, khi chưa có nhiều kinh nghiệm thì ban đầu nên đầu tư những khoản nhỏ, với những phân khúc ít biến động và thanh khoản tốt. Nếu có mất cũng coi như học phí.
Còn trong thời điểm hiện nay, khi lạm phát và lãi suất đang gia tăng thì tốt nhất không nên sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư, khả năng rủi ro sẽ lớn. Nếu thực sự chọn được phân khúc có khả năng sinh lời cao và chất lượng thì hãy quyết định “xuống tiền”.