meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Nguồn nhân lực chất lượng cao: Điều kiện cần để hấp thụ kinh tế số

Thứ hai, 24/01/2022-10:01
Nguồn nhân lực, trong đó đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Điều này lại càng cần thiết trong một nền kinh tế số, mà ở đó nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò là hạt nhân trong chuyển giao và hấp thụ công nghệ mới. 

Nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam còn rất hạn chế

Tại Việt Nam, nguồn nhân lực chất lượng cao còn ở mức thấp so với mặt bằng các nước trong khu vực, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới. Cụ thể, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay chỉ đạt 3,39/10 điểm. So với các quốc gia trong khu vực thì là thấp bởi Hàn Quốc là 6,91; Ấn Độ là 5,76; Ma-lai-xi-a là 5,59; Thái-lan là 4,94.... 

Hơn nữa, nguồn nhân lực ở nước ta đang có nhiều bất cập. Mặc dù số lượng đào tạo ở trình độ đại học trở lên gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, nhưng chất lượng lao động của đối tượng này phần lớn chưa đạt các tiêu chí về nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy một tỷ lệ khá lớn khi tốt nghiệp không đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký kết hơn 10 Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Việc tham gia các FTA góp phần đưa nền kinh tế nước ta duy trì mức tăng trưởng cao (>6%/năm), kinh tế vĩ mô ổn định. Tuy nhiên, việc tham gia các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện như CPTPP và EVFTA sẽ đi kèm nhiều thách thức, nhất là năng lực cạnh tranh. Một trong những khó khăn, thách thức đó là hạn chế về nguồn nhân lực chất lượng cao.


Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực góp phần thúc đẩy nền kinh tế số. 
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực góp phần thúc đẩy nền kinh tế số. 

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với một nền kinh tế muốn tăng trưởng nhanh và duy trì ở mức cao cần dựa trên tối thiểu là ba trụ cột cơ bản: áp dụng công nghệ mới; phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong ba trụ cột nêu trên, động lực quan trọng nhất chính là nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, những người được đào tạo bài bản, có kỹ năng, kiến thức, tay nghề, kinh nghiệm, năng lực sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong động lực phát triển.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trước hết được xác định là nhiệm vụ của các trường đại học. Trong những năm qua, hệ thống giáo dục đại học được phát triển và mở rộng, nhưng chất lượng đào tạo còn nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân là đội ngũ giảng viên có trình độ cao còn thiếu; nội dung chương trình đào tạo chưa theo kịp sự phát triển của khoa học - công nghệ và nhu cầu xã hội; chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý kinh tế đối với chuẩn quốc tế; cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm thực hành, nghiên cứu, thư viện, giáo trình chưa được đầu tư đúng mức; việc áp dụng các phương pháp mới và công nghệ số trong giảng dạy còn nhiều hạn chế.

Về năng lực cạnh tranh toàn cầu, hiện Việt Nam đã có những bước phát triển mới. Theo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2018, Việt Nam xếp thứ 94/137 quốc gia về kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp đại học và xếp thứ 79/134 về năng đổi mới sáng tạo. Kết quả đầu ra của các nghiên cứu khoa học còn đứng sau khá xa so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia và rất xa so với Singapore. Trên thực tế, các nhà tuyển dụng đánh giá sinh viên mới ra trường còn ở mức yếu, một số ngành thậm chí cần đào tạo lại mới có thể sử dụng. Một số điểm trừ như: ngoại ngữ kém, kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng mềm khác như giao tiếp, kỹ năng khởi nghiệp… 

Trong một báo cáo khảo sát về việc làm do diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) thực hiện chỉ ra rằng, công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra các loại công việc mới, đòi hỏi các bộ kỹ năng mới và thay đổi cách mọi người làm việc. Trong thời đại hiện nay, công nghệ mới mỗi ngày một phát triển, tạo ra những sự thay đổi chưa từng có tiền lệ. Ước tính gần 50% kiến thức mà một sinh viên tiếp thu được trong năm đầu tiên của chương trình đại học kỹ thuật sẽ trở nên lạc hậu khi sinh viên đó tốt nghiệp ra trường.

Làm thế nào để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt?

Nhiệm vụ của giáo dục, đặc biệt là giáo dục bậc đại học, đó là giúp xây dựng được một đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ khả năng tiếp nhận công nghệ mới, đồng thời thích ứng được với việc chuyển đổi nhanh chóng của xã hội hiện nay. Vậy làm thế nào để các trường đại học có thể thích ứng được trong thời đại 4.0?

Trước tiên, trường đại học phải là nơi đáp ứng được kỳ vọng của học sinh, đó là đào tạo ra những sinh viên đáp ứng được kỳ vọng của thị trường việc làm. Rõ ràng, nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai sẽ phải không chỉ am hiểu về linh vực chuyên môn và còn phải hiểu biết về các công nghệ mới nổi. Phương pháp giáo dục trong trường cũng phải chuyển đổi từ việc giảng dạy và làm bài tập sang học tập dựa trên các dự án thực tế (project based learning).

Chúng ta hãy lấy ví dụ về robot y tế không còn là giấc mơ khoa học viễn tưởng, mà chúng đã trở thành hiện thực. Robot và trí tuệ nhân tạo có thể thu thập dữ liệu, phân tích đánh giá dữ liệu, đưa ra các chuẩn đoán cho bác sĩ, một robot y tế cũng có thể phẫu thuật thay thế con người với độ chính xác cao. Vì vậy một sinh viên ngành y để tiếp cận với công việc tương lai cần phải học thêm cả những thực hiện các khóa học về điều khiển robot, kiến thức về AI, về khoa học dữ liệu lớn big-data... bởi nó tác động trực tiếp đến nghề nghiệp của một bác sĩ tương lai.

Giáo dục đào tạo trong thời kỳ này cần phải hướng đến phát triển tiềm năng của con người. Máy móc có thể vượt xa con người về khả năng tính toán, tư duy logic, hoặc những công việc đòi hỏi độ chính xác cực cao. Mặc dù máy móc đang làm những nhiệm vụ mà trước đây do con người thực hiện, nhưng con người vẫn giỏi hơn trong nỗ lực sáng tạo, trí tưởng tượng, tư duy phản biện, giao tiếp xã hội và sự khéo léo về thể chất. Hệ thống giáo dục trong tương lai cần phát triển những khả năng vốn có này của con người, vì vậy chúng được trang bị để hợp tác với máy móc trong tương lai hơn là cạnh tranh với chúng.


Thí sinh Đội tuyển Việt Nam tham dự Kỳ thi Tay nghề thế giới lần thứ 45 tại Cộng hòa Tatarstan, thuộc Liên bang Nga.
Thí sinh Đội tuyển Việt Nam tham dự Kỳ thi Tay nghề thế giới lần thứ 45 tại Cộng hòa Tatarstan, thuộc Liên bang Nga.

Giáo dục đại học phải hướng tới giáo dục suốt đời, Trong cuốn sách Cú sốc tương lai, tác giả Alvin Toffler đã viết: "Những người mù chữ của thế kỷ 21 sẽ không phải là những người không biết đọc và viết, mà là những người không thể học, tự học và tự đào tạo". Theo báo cáo của Viện Công nghệ và Tương lai (IFTF) của Dell, 85% công việc trong năm 2030 vẫn chưa tồn tại. Giáo dục có cấu trúc truyền thống là đào tạo nghề nghiệp không còn có thể kết thúc sau khi sinh viên rời trường đại học. Giáo dục phải trở thành một nỗ lực suốt đời, và các nguồn tài nguyên mà các trường đại học cần phải chuẩn bị để cung cấp cho sinh viên cả khi sau khi sinh viên đã tốt nghiệp. 

Trong lịch sử phát triển, các nền giáo dục đại học thế giới luôn thích ứng với các bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội. Đã tham gia dẫn dắt sự phát triển của các cuộc cách mạng công nghiệp. Ở thời gian trước thế kỷ 21, giáo dục Đại học nói chung chủ yếu thực hiện chức năng truyền thụ kiến thức, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo chuyên gia, nghiên cứu phát triển công nghệ mới, và thương mại hóa tri thức thông qua chuyển giao các phát minh sáng chế cho các công ty, doanh nghiệp, nhà sản xuất. Tuy nhiên, các đại học chưa thực sự tham gia vào các chuỗi giá trị, các sản phẩm của đại học chuyển giao cho xã hội chủ yếu dưới dạng sản phẩm bán thành phẩm (semi-finished product).

Về mô hình đại học, trước tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mô hình đại học đang dần thay đổi nhằm thích ứng với bối cảnh mới và chuyển đổi nhanh từ mô hình đại học chuyên về đào tạo (mục tiêu để đào tạo ra đội ngũ kỹ sư, cử nhân giỏi (skilled worker) trở thành các trung tâm đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra các giá trị mới ngay trong lòng các đại học (innovation and value creation center). Đây chính là xu hướng quan trọng trong tiến trình phát triển giáo dục đại học thế giới, được gọi là mô hình giáo dục đại học 4.0 (Education 4.0) hay mô hình đại học định hướng đổi mới sáng tạo. 

Theo mô hình này, sự phát triển của các nền giáo dục đại học sẽ có thể tạo ra ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ hơn tới cộng đồng xã hội; việc chủ động quản lý, ứng dụng và trực tiếp thương mại hóa các tài sản trí tuệ một cách hiệu quả ngay trong khuôn viên đại học đồng thời sẽ giúp các đại học tạo ra giá trị kinh tế, tự chủ tài chính, giảm bớt sự phụ thuộc vào các nguồn tài trợ từ chính phủ và các bên liên quan

Thực tế phát triển của các quốc gia trên thế giới cho thấy, cho đến cuối những năm 1970, sự phát triển công nghệ ở các nước đang phát triển chủ yếu thông qua chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển. Tuy nhiên, do sự khác biệt quá lớn ở một loạt các yếu tố ở hai nhóm nước nói trên cho nên tỷ lệ thành công trong việc chuyển giao này không cao. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng: yêu cầu thành công đối với bên tiếp nhận công nghệ là phải có trình độ nhận thức, năng lực để giải quyết các hoạt động tự lập, giải quyết sự cố một cách chủ động mà không hoàn toàn dựa vào bên giao. Sự phát triển công nghệ thành công đòi hỏi bên tiếp nhận công nghệ cần có năng lực công nghệ nhất định.

Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) đã xác định các yếu tố cấu thành năng lực công nghệ bao gồm: khả năng đào tạo nhân lực; khả năng tiến hành nghiên cứu cơ bản; khả năng thử nghiệm các phương tiện kỹ thuật; khả năng tiếp nhận và thích nghi các công nghệ; khả năng cung cấp và xử lý thông tin. Tất cả các yếu tố này đều gắn kết hết sức chặt chẽ với đội ngũ nhân lực chất lượng cao.

Việt Nam đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển nền kinh tế tri thức, tăng cường đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh đó, việc đào tạo , chất lượng nguồn nhân lực chính là chìa khóa giúp nâng cao khả năng chuyển giao và hấp thụ công nghệ. Để thực hiện được mục tiêu này, trong Chiến lược nâng cao phát triển đất nước cần phải có những giải pháp cụ thể.

Đó là, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo ở bậc đại học và sau đại học. Tạo ra cơ chế, chính sách hợp lý, đồng bộ để thu hút, sử dụng đối với nguồn nhân lực chất lượng cao. Đầu tư đẩy mạnh hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các trường đại học, nhất là các trường đại học định hướng nghiên cứu, trường đại học định hướng đổi mới sáng tạo. 

Xây dựng các chính sách khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các trường đại học. Nâng cao năng lực hấp thụ, tiếp thu, làm chủ và áp dụng công nghệ tại các doanh nghiệp. Hỗ trợ việc làm chủ và áp dụng công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ và các dự án đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp.

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Từng chỉ sống với 72 nghìn mỗi ngày, làm việc 100 giờ/tuần với 3 công việc: Nhiều năm sau "lội ngược dòng" thành doanh nhân thành đạt, nắm giữ khối tài sản tỷ đô

Mã độc lây lan qua Facebook có nguồn gốc từ Việt Nam NodeStealer lại “tái xuất giang hồ”

Ứng dụng AI trong “số hoá” bất động sản, Meey Group gây ấn tượng tại Diễn đàn Chuyển đổi số Hải Phòng 2024

Chưa thể cấm ngay Temu, 1688 và Shein, Bộ Công Thương và Tổng cục Thuế nói gì?

Mạng 5G lúc nhanh, lúc chậm: Viettel lý giải nguyên nhân?

Meey Group xác lập Kỷ lục Doanh nghiệp sở hữu Bộ giải pháp Công nghệ BĐS nhiều sản phẩm nhất Việt Nam

Xu hướng ứng dụng công nghệ trong giao dịch bất động sản ngày càng phổ biến

AI phần lớn đã đánh bại các CEO con người trong một thí nghiệm nhưng lại bị sa thải nhanh hơn

Tin mới cập nhật

Bất động sản Hòa Bình kỳ vọng "cất cánh" với khu đô thị sinh thái gần 1.500 tỷ

5 giờ trước

Người Việt Nam có tỷ lệ sở hữu tài sản số đứng vị trí thứ hai thế giới

5 giờ trước

Mở rộng quỹ đất làm nhà ở thương mại: Những loại dự án nào được thông qua?

5 giờ trước

Liên tục trả giá cao rồi bỏ cuộc trong các phiên đấu giá: Tầm nhìn chiến lược hay hành vi phá hoại?

5 giờ trước

Chính phủ dự kiến chi 16.500 tỷ đồng mỗi năm cho phát triển nhà ở xã hội

5 giờ trước