Xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về người dân, thúc đẩy kinh tế số
BÀI LIÊN QUAN
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Phải hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai trong năm 2022”Quy định về dữ liệu thay đổi trong quá trình sử dụng đất và sở hữu tài sảnNhóm dữ liệu về tài sản gắn liền với đất được quy định như thế nào?Đã cấp mã số định danh cá nhân cho 100% công dân
Thông tin tại Hội nghị cho biết, Bộ Công an đã có những nỗ lực đáng ghi nhận, đồng thời là một trong những bộ, ngành quyết liệt trong chuyển đổi số. Hiện Bộ Công an đã số hóa và lưu trữ thông tin hơn 98 triệu người dân tại Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư.
Được biết, hệ thống dữ liệu này được vận hành cán bộ, chiến sĩ công an của hơn 11.000 xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Từ đó, Bộ Công an cho biết đã cấp mã số định danh cá nhân cho 100% công dân. Đồng thời Bộ cũng triển khai thu nhận hơn 60 triệu hồ sơ cấp căn cước có gắn chíp điện tử, đã in và trả hơn 50 triệu thẻ đến tay người dân...
Công tác kết nối thử nghiệm thành công với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của một số bộ ngành và các tỉnh, thành phố trên cả nước cũng đã được Bộ Công an triển khai trong thời gian qua. Đáng chú ý, trong thời gian dịch Covid-19, Bộ Công an cùng các bộ, ngành và địa phương đã triển khai xây dựng các ứng dụng để kiểm soát đi lại, phòng chống dịch bệnh mang lại hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã đóng góp vào thành công trong bảo đảm an sinh xã hội cho hơn 43 triệu người, tổ chức chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay cho 100% dân số một cách thần tốc, góp phần đưa Việt Nam đi sau nhưng về trước trong chiến lược vắc-xin.
Trung tâm của chuyển đổi số là người dân, doanh nghiệp
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương kết quả ấn tượng, phản ánh những cố gắng, nỗ lực rất lớn của Bộ Công an, các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua. Từ đó, chúng ta đã có hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia lớn, hiện đại và tập trung. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân được xây dựng thành công đã góp phần thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Những kết quả trên đã góp phần thay đổi phương thức quản lý, từ thủ công sang hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, khắc phục sự thiếu đồng bộ, thống nhất, nâng cao tính chính xác, hiệu quả trong quản lý thông tin công dân giữa các cơ quan chức năng. Từ đó, góp phần tiết kiệm công sức, thời gian và cơ sở vật chất xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của đất nước.
Xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã tạo điều kiện triển khai các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách thuận lợi. Thêm vào đó, góp phần cải cách thủ tục hành chính, ngăn chặn sự sách nhiễu, phiền hà, góp phần nâng cao năng lực quản trị quốc gia gia bằng kỹ thuật số, chuyển đổi thông minh.
Theo Thủ tướng, "Một mặt, đại dịch đã làm bộc lộ những hạn chế, yếu kém về cơ sở dữ liệu của chúng ta, mặt khác, đây cũng là cơ hội để đẩy mạnh chuyển đổi số". Ví dụ về việc kết nối tới hơn 10.000 xã, phường được triển khai trong 1 tuần. “Thời gian qua chúng ta đã triển khai nhiều cơ sở dữ liệu và sau khi cân nhắc, tính toán. Chính phủ đã xác định lấy cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư làm nền tảng chính để kết nối các cơ sở dữ liệu", Thủ tướng nhấn mạnh.
Đánh giá việc phối hợp giữa Văn phòng Chính phủ và Bộ Công an trong xây dựng Đề án, Thủ tướng cho rằng hai cơ quan đã thể hiện tinh thần quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết tâm đổi mới, tất cả vì lợi ích chung của đất nước, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số.
Nhấn mạnh việc triển khai Đề án là phù hợp với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng cho biết những mục tiêu Đề án xác định trong năm 2022 cho thấy một khối lượng công việc rất nhiều, quy mô lớn (là một trong những dự án công nghệ thông tin lớn nhất từ trước đến nay), tiến hành trên phạm vi rộng (triển khai trên toàn quốc, toàn dân) và với sự phối hợp của nhiều bên liên quan (giữa các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp viễn thông lớn và người dân, cộng đồng doanh nghiệp); trong đó Bộ Công an sẽ đóng vai trò nòng cốt thực hiện Đề án và chúng ta phấn đấu về đích sớm ngay trong năm 2023.
"Trong bối cảnh đất nước hiện nay, đây là một nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, có tính lan tỏa cao, lợi ích thiết thực, hiệu quả lâu dài; nhưng khó khăn, thách thức phía trước còn rất nhiều, thậm chí không ít 'lực cản'. Một số cơ chế, chính sách, pháp luật còn đang từng bước hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung; điều kiện hạ tầng kỹ thuật, nhân lực công nghệ của các bộ, ngành, địa phương còn nhiều hạn chế, manh mún, thiếu đồng bộ; vẫn còn đâu đó tâm lý 'quyền anh, quyền tôi', tư tưởng cục bộ 'cát cứ thông tin'; việc chuyển đổi thói quen, cách nghĩ, cách làm của các cấp, các ngành và của xã hội khó có thể thực hiện trong một sớm một chiều; nguy cơ mất an ninh an toàn hệ thống và dữ liệu luôn thường trực...", Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận.
Những nhiệm vụ trọng tâm
Về các nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng cơ bản nhất trí với Báo cáo của Bộ Công an và nhấn mạnh thêm một số nội dung.
Cụ thể:
Thứ nhất, Đề án là một trong những nội dung quan trọng, đột phá của Chương trình chuyển đổi số của Chính phủ trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Do vậy, Thủ tướng yêu cầu Tổ Công tác triển khai Đề án thường xuyên theo dõi, giám sát, đôn đốc quyết liệt các nhiệm vụ được giao; chủ động hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức triển khai; kịp thời tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Các tỉnh, thành phố thành lập Tổ công tác để triển khai Đề án.
Thứ hai, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, vai trò nòng cốt là Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ; các bộ, ngành đang được giao các Cơ sở dữ liệu quốc gia có trách nhiệm khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch, lộ trình về thời gian, nhân lực triển khai thực hiện đảm bảo Đề án thực hiện thành công gắn với chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các cấp phải quan tâm chỉ đạo quyết liệt để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tăng cường kiểm tra, đôn đốc trực tiếp tại cơ sở, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc phát sinh; đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự đồng thuận tham gia của các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Thứ ba, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu để phục vụ người dân và doanh nghiệp đã được xác định trong Đề án. Bộ Tư pháp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Công an nhanh chóng thực hiện kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, cơ sở dữ liệu an sinh xã hội, thông tin vaccine, xét nghiệm Covid-19, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm xác thực chính xác thông tin.
Song song với đó, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh chuẩn bị nền tảng, kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, nhất là các cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, thuế, hải quan, ngân hàng, giấy phép lái xe, bảo hiểm, y tế, giáo dục… và sắp tới là đất đai, chứng khoán.
Với những đơn vị chưa có hạ tầng công nghệ thông tin hoặc hạ tầng công nghệ thông tin chưa bảo đảm thì nghiên cứu, sử dụng chung hạ tầng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để bảo đảm tiết kiệm, đồng bộ, hiệu quả.
Nói về vấn đề này, Thủ tướng cho biết ông rất chia sẻ với các cơ quan, bộ, ngành và địa phương khi triển khai sẽ gặp khó khăn, vướng mắc thời gian đầu. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, “Bao giờ khi chuyển đổi trạng thái, khi đổi mới, khi vận hành chưa trơn tru cũng gặp khó khăn. Nhưng khi gặp khó khăn, vướng mắc thì cần đoàn kết, đồng lòng, lắng nghe ý kiến để tìm ra giải pháp phù hợp, tất cả vì lợi ích của quốc gia, dân tộc và quyền lợi của người dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thứ tư, các bộ ngành liên quan khẩn trương rà soát, tháo gỡ theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về quy định của pháp luật có liên quan để tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất, tổng thể, liên thông, tổ chức thực hiện hiệu quả.
Thứ năm, cần ưu tiên bố trí kinh phí hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả; bố trí đủ nguồn nhân lực, nhất là nhân lực công nghệ thông tin để tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án.
Thứ sáu, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ phát huy vai trò thường trực trong thực hiện Đề án. Trong đó, Bộ Công an phải bảo đảm dữ liệu dân cư chính xác và luôn được bổ sung, cập nhật thường xuyên, bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống"; duy trì liên tục tính kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu; bảo đảm an ninh, an toàn, bảo vệ dữ liệu cá nhân theo đúng quy định của pháp luật.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an làm gương, làm mẫu và đến nơi, đến chốn, nói là làm và làm quyết liệt, có hiệu quả cao nhằm tạo dấu ấn, lan tỏa tới các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội.
Với tinh thần lấy người dân là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển, Thủ tướng tin tưởng những nỗ lực, đổi mới, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai hiệu quả Đề án và của Bộ Công an trong vận hành, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và quản lý Căn cước công dân sẽ được người dân và cộng đồng doanh nghiệp đón nhận tích cực, nhiệt tình ủng hộ; góp phần xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn về người dân, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, xây dựng kinh tế số, Chính phủ số, công dân số; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.
Thủ tướng phân công Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo các hoạt động, xem xét giải quyết các công việc thường xuyên của Đề án. Đồng thời, Thủ tướng quyết định thành lập Tổ công tác triển khai Đề án do Bộ trưởng Bộ Công an làm Tổ trưởng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Tố phó và đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan để hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án.
Có thể thấy, dữ liệu số là nguồn tài nguyên quan trọng của quốc gia trong quá trình chuyển đổi số. Với những chính sách, hành động quyết liệt của Đảng, Chính phủ và sự “chuyển mình” của người dân, Việt Nam sẽ sớm hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra để trở thành quốc gia số, sánh vai cùng các quốc gia phát triển trên thế giới.