Nguồn cung tăng, giá bất động sản cũng vẫn không "hạ nhiệt"
BÀI LIÊN QUAN
Giá rao bán đất thổ cư tại các huyện ven Hà Nội và TP.HCM tiếp tục tăng caoSau khi siết phân lô, tách thửa, thị trường đất nền Hà Nội diễn biến ra sao?Thị trường nhà đất hiện đang biến động như thế nào?Theo Nhịp Sống Kinh Tế, số liệu thống kê của Bộ phận R&D - DKRA Vietnam cho thấy, đối với phân khúc đất nền trong quý I năm 2022, toàn thị trường TP.HCM và khu vực lân cận ghi nhận có khoảng 11 dự án mở bán (7 dự án mới và 4 giai đoạn mở bán tiếp theo). Cung cấp ra thị trường khoảng 1,832 nền, tương đương mức ở quý IV năm 2021 (khoảng 1,834 nền), tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tỷ lệ tiêu thụ chung toàn thị trường đạt khoảng 68% với khoảng 1,240 nền được thị trường đón nhận, tăng nhẹ 6% so với lượng tiêu thụ của quý trước và cùng kỳ năm ngoái (khoảng 1,174 nền).
Nguồn cung mới không có nhiều thay đổi so với quý IV năm 2021. Khu vực Long An dẫn đầu toàn thị trường, chiếm khoảng 43% nguồn cung và 56% lượng tiêu thụ mới trong quý.
TP.HCM tiếp tục khan hiếm nguồn cung mở bán mới trong quý, các giao dịch trên thị trường phần lớn là loại hình cá nhân đứng ra phân lô, quy mô nhỏ lẻ, dưới 2ha.
Ngoài thị trường Tây Ninh và Long An, nhìn chung sức cầu chung toàn thị trường tiếp tục duy trì ở mức thấp, không có nhiều biến động so với quý trước. Các chính sách hỗ trợ chiết khấu và thanh toán vẫn được các chủ đầu tư duy trì giúp nâng cao hiệu quả bán hàng.
Giá bán sơ cấp, ghi nhận tăng phổ biến ở mức từ 3-7% so với quý trước. Thanh khoản thứ cấp tiếp tục phục hồi, đặc biệt là ở thị trường các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An.
Theo báo cáo thị trường bất động sản của Batdongsan.com.vn cho thấy, quý I năm 2022, loại hình đất và đất nền dự án có mức độ quan tâm tăng mạnh ở nhiều tỉnh, thành.
Theo đó, tại miền Bắc, giá rao bán đất và đất nền ở miền Bắc tiếp tục tăng cao. Cụ thể là, giá rao bán đất thổ cư ở Bắc Giang tăng lên 35%, theo sau là Hải Phòng tăng 29% so với trung bình năm 2021. Các tỉnh khác như Quảng Ninh, Bắc Ninh lần lượt ghi nhận giá đất đội lên 20% và 16%.
Còn tại khu vực Hà Nội, giá rao bán đất nền tại huyện Chương Mỹ tăng 74% so với năm 2021, là mức tăng cao nhất khu vực miền Bắc, đồng thời cao nhất cả nước. Các huyện khác thuộc Hà Nội như Gia Lâm tăng 21%, Đông Anh tăng 20% và Quốc Oai tăng 26% so với năm 2021.
Tại khu vực miền Trung, giá rao bán đất nền cũng ghi nhận tăng so với năm 2021, trong đó, Thanh Hóa tăng lên 35%, Khánh Hòa tăng 26% và Bình Thuận tăng 13%. Bên cạnh giá bán đất nền biến động mạnh, các tỉnh Lâm Đồng, Đà Nẵng, Khánh Hòa có lượng người dùng online tìm kiếm đất nền tăng lần lượt là 41%, 32% và 35%.
Còn tại khu vực miền Nam, đất nền TP.HCM sôi động ở các vùng ven. Với mức độ quan tâm đất nền ở Củ Chi tăng 25%, Bình Chánh tăng 10%. Khu Đông Nam Bộ cũng xảy ra tình trạng tương tự, giá đất tăng trong những tháng đầu năm. Trong khi đó, giá đất nền tại Đồng Nai chỉ tăng 7%, Long An tăng 13% và Tây Ninh tăng 12% nhưng giá đất nền ở Bình Dương và Bình Phước lại leo thang lần lượt là 27% và 23%.
Theo DKRA dự báo trong quý II năm 2022, Long An tiếp tục là thị trường chủ đạo của phân khúc đất nền, tập trung tại huyện Cần Giuộc, Đức Hòa... Những thị trường còn lại tiếp tục khan hiếm nguồn cung mở bán mới.
Nguồn cung mới tại TP.HCM quay trở lại thị trường, chủ yếu tập trung tại các huyện vùng ven phía Nam thành phố. Sức cầu chung thị trường có thể tăng so với quý I năm 2022 nhưng khó có nhiều đột biến trong ngắn hạn.
Mặt bằng giá bán tiếp tục duy trì ở mức ổn định, những dự án pháp lý hoàn thiện, hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ nhận được nhiều sự quan tâm từ người mua cùng nhà đầu tư. DKRA cũng nhận định, đất nền tiếp tục là kênh đầu tư được các nhà đầu tư lựa chọn hàng đầu.
Phó giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Vietnam - ông Võ Hồng Thắng cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2022, thị trường có ghi nhận sự cải thiện về nguồn cung ở một số phân khúc, đặc biệt là phân khúc shophouse nghỉ dưỡng (tăng 26 lần so với cùng kỳ năm ngoái) khi chiếm 78% tổng nguồn cung toàn thị trường và chủ yếu tập trung ở khu vực phía Bắc.
Nguồn cung đất nền cũng tăng cao, khoảng 2,5 lần. Trong khi đó, nguồn cung nhà ở khu vực TP.HCM và vùng giáp ranh vẫn duy trì ở mức thấp, nhất là với phân khúc nhà ở vừa túi tiền. Các phân khúc còn lại chỉ đạt xấp xỉ khoảng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái.
Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Thắng Lợi - ông Trần Thế Anh cho hay, nếu như năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, thị trường chứng kiến sự thiếu hụt nguồn cung do ảnh hưởng của dịch bệnh thì những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, hàng loạt chủ đầu tư đã bắt đầu "mở máy" tăng tốc, đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh để bù đắp cho khoảng thời gian "đóng băng" trước đó.
Cũng theo ông Thế Anh, nguồn cung mới tuy có cải thiện nhưng chủ yếu tập trung tại phân khúc cao cấp, trong khi nhà ở trung cấp và bình dân vẫn rất hạn chế nên chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của số đông, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM.
"Thực tế, trước khi dịch bệnh bùng phát, nguồn cung nhà ở đã rất hạn chế do chính sách siết chặt mở mới dự án tại các thành phố lớn. Thêm vào đó, thời gian hoàn thiện hồ sơ pháp lý dự án kéo dài, những sản phẩm được đưa ra thị trường có pháp lý đầy đủ chỉ nhỏ giọt nên chưa đủ giải tỏa "cơn khát" nhà để ở cũng như để đầu tư", ông Thế Anh nói.
Mặt khác, lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc tầm trung tại Long An cho rằng, năm 2022 thị trường bất động sản sẽ có nhiều cơ hội bứt phá khi một loại chủ đầu tư cùng bung hàng sau thời gian dài đình trệ vì dịch bệnh cũng như gặp vướng mắc về pháp lý dự án. Với lượng cung lớn thì "cơn khát" nhà đất sẽ được xoa dịu, nhưng việc có hấp thụ hết hay không thì lại là một vấn đề khác, cần có thêm thời gian để trả lời.